Tâm sự chuyện ra nước ngoài làm việc: Chúng tôi đã trưởng thành với tốc độ tên lửa như thế nào?
Việc đi nước ngoài làm việc phụ thuộc nhiều vào khả năng và may mắn của từng người, không phải cứ muốn và cố gắng là sẽ được. Nhưng giấc mơ tuổi trẻ đâu cần chờ cấp phép. Mơ để mà phấn đấu, và phấn đấu để rồi trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình!
- 03-06-2020"Ăn sáng cho đàng hoàng" là ước mơ cao cấp và xa xỉ nhất của người trưởng thành
- 26-05-2020Nhiều người 57 tuổi cuộc sống vẫn chưa ổn định: Trưởng thành sẽ dễ dàng hơn nhiều lần khi bạn hiểu rõ 6 điều này để điều hướng bản thân lúc chưa 30
- 24-05-2020Trong thế giới của người trưởng thành, tiền thực sự quan trọng vậy sao?
Tôi biết, hiện giờ thế giới đang “rối ren”. Covid-19 vẫn hoành hành ở nhiều nước. Thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng trở lại. Châu Âu rón rén chuyển mình sang trạng thái bình thường mới. Bạo động, biểu tình nảy lửa ở Mỹ. Trong tình cảnh này thì việc đi chơi ngoài biên giới Việt Nam còn là kế hoạch xa vời, thì liệu bàn đến chuyện đi học, đi làm ở nước ngoài có vô duyên không?
Nhưng tôi lại nghĩ thêm: 2020 giống như là một năm để loài người đứng lại, xem xét mình đang sai ở đâu để sửa, để tìm ra những cách giải quyết triệt để. Sau đó, một ngày gần thôi, thế giới sẽ tái khởi động. Các đường bay xuyên lục địa lại náo nhiệt. Các cơ hội mới lại mở ra. Hợp tác toàn cầu lại mạnh mẽ. Chính vì vậy, thời gian này giống như giai đoạn con nhộng trong kén – nếu bạn đang ấp ủ kế hoạch thử thách mình ở một chân trời mới, đây chính là lúc bạn cần tăng tốc trau dồi khả năng, học ngoại ngữ, học các ngành đang thiếu nhân lực trên toàn cầu.
Tôi cũng biết, việc đi nước ngoài làm việc phụ thuộc nhiều vào khả năng và may mắn của từng người, không phải cứ muốn và cố gắng là sẽ được. Nhưng giấc mơ tuổi trẻ đâu cần chờ cấp phép. Mơ để mà phấn đấu. Và nếu giấc mơ trở thành hiện thực, thì những tháng ngày tự lập ở một nơi xa quê hương ấy sẽ trở thành trải nghiệm đẹp nhất nhì đời bạn. Bạn sẽ khám phá ra nhiều khả năng tiềm ẩn trong mình, vượt xa giới hạn cũ của bản thân, xây dựng những tính cách mới, thấu hiểu và điềm tĩnh hơn. Bạn sẽ trưởng thành với tốc độ tên lửa luôn.
CHUYỆN 1: Mạnh dạn biến thành một con người mới
Chuyện của Molly Thanh Hằng, Digital Marketing Specialist, Tập đoàn bảo hiểm AIG tại Ireland.
Tôi đã làm việc ở Ireland được hơn ba năm. Thử thách lớn nhất mà tôi gặp phải chính là rào cản văn hoá, nhất là khi làm việc ở môi trường người Ireland chiếm đa số. Trong công sở, ngoài giờ làm việc, các đồng nghiệp thường ra một không gian chung để tán gẫu. Họ thường chêm vào rất nhiều câu nói đùa, hay còn gọi là “Irish joke” vào các câu chuyện phiếm. Từng có rất nhiều lần tôi không hiểu hết những câu nói đùa của họ, hoặc phải suy nghĩ rất lâu mới hiểu được. Điều này khiến tôi thấy khớp, rụt rè, khó mở đầu câu chuyện.
Một là hòa nhập để sống tốt, hai là khăn gói về nước, quyết định đầu hàng trước ranh giới của bản thân. Và tôi đã theo lựa chọn một. Tôi nghĩ thế này: Mình đã dũng cảm đến một đất nước mới lập nghiệp thì nhân cơ hội này biến thành một con người mới luôn đi. Tôi “rũ bỏ” một Molly nhút nhát, ép bản thân chủ động và cởi mở hơn để hòa nhập. Ban đầu tôi cũng lăn tăn, cảm thấy tại sao lại phải “sống giả” như vậy, nhưng những thứ tôi đạt được sau khi biến đổi mình còn hời hơn một phần tính cách cũ mà tôi từ bỏ. Mối quan hệ với đồng nghiệp tốt hơn khiến cho chất lượng công việc tốt hơn, và cái cảm giác “mình đã làm được” khiến cho tâm tính tôi vui vẻ, làm gì cũng trơn tru. Người có nhiều năng lượng tích cực sẽ tự nhiên hút về các mối quan hệ, các cơ hội giúp ích cho mình.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn duy trì thói quen hỏi thăm đồng nghiệp. Trước khi vào giờ làm việc, tôi chủ động tám với họ chuyện thời tiết, chuyện thời sự, thể thao hay là chuyện gia đình ở khía cạnh quan tâm lịch sự. Người Ireland rất thích nói về những chủ đề này. Và tất nhiên đồng nghiệp sẽ chêm vào những câu nói đùa phổ biến, khi đó mình lại học thêm được một điều mới cho bản thân.
Có nhiều bạn hẳn sẽ tò mò là làm thế nào để có việc làm “ngon” ở Ireland? Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi thôi nhé. Thực ra, tôi đã rớt phỏng vấn n lần trước khi có được chỗ làm khá, rồi chỗ làm tốt hơn. Tôi xây dựng sự tự tin cho bản thân sau những lần phỏng vấn. Tôi chủ động marketing thương hiệu cá nhân ngay từ những kỳ phỏng vấn đầu tiên. Tôi trình bày những kinh nghiệm lớn nhỏ của mình qua các bài tổng kết, các con số, dữ liệu, kết quả trích ra những dự án đã làm.
CHUYỆN 2: Dốc sức 101% cho công việc, chủ động tìm kiếm cơ hội để khẳng định mình.
Chuyện của Hoạ sĩ minh hoạ Lys Bùi từ New York.
Lys Bùi hiện đang làm hoạ sĩ vẽ minh hoạ tự do tại New York (lysbui.com). Bạn hẳn đã nhìn thấy những hình vẽ minh hoạ ngộ nghĩnh của Uniqlo trong campaign khai trương tại Việt Nam – chính là tác phẩm của cô ấy đấy. Ngoài ra, Lys còn là giám đốc sáng tạo cho trang bán sản phẩm thú cưng Little Beast (littlebeast.co), và là hoạ sĩ cho dự án cộng đồng tên là the South East Asia Diaspora Project.
Tôi may mắn học tập và làm việc tại New York đã hơn 5 năm. Bản thân tôi thấy cuộc sống ở New York thú vị và đa dạng, lại cũng có rất nhiều thử thách nên lúc nào tôi cũng xoay sở ngược xuôi. Một phần vì tính chất công việc của tôi là ngành vẽ minh hoạ vốn được trân trọng ở New York, nên tôi tìm được cơ hội và hoà nhập được với cuộc sống ở đây.
Lập nghiệp ở môi trường chuyên nghiệp và cạnh tranh cao như New York, thứ quý giá nhất mà tôi học được chính là sự tự tin, khả năng đàm phán và sự chủ động trong công việc. Trong mỗi dự án vẽ minh hoạ, tôi là người trực tiếp thương lượng với khách hàng và trình bày ý tưởng với giám đốc nghệ thuật/giám đốc sáng tạo (art director/creative director).
Khó khăn thì chắc chắn rất là nhiều, đây là New York mà, ai cũng muốn tìm kiếm một cơ hội ở New York. Sự cạnh tranh là rất cao. Chính vì vậy, mỗi khi có cơ hội hợp tác và làm việc với khách hàng ở đây, tôi rất tập trung và cố gắng hoàn thiện đúng deadline để giữ uy tín. Có những khách hàng làm từng việc với tôi đã quay lại để hợp tác những dự án mới. Mỗi khi làm việc thì tôi trao đổi với giám đốc nghệ thuật/giám đốc sáng tạo nhiều về ý tưởng, khi nắm bắt được thì lúc vẽ tôi sẽ dễ dàng truyền đạt hơn.
Tôi nghĩ các bạn hoạ sĩ ở Việt Nam cũng có thể làm việc với khách hàng ở nước ngoài. Vì tính chất độc đáo đặc trưng của công việc, họa sĩ có thể ngồi bất cứ đâu và vẽ. Các bạn họa sĩ nên xây dựng một website thật tốt làm portfolio cho mình, và chủ động liên lạc với giám đốc nghệ thuật/giám đốc sáng tạo để giới thiệu về tác phẩm của mình. Đây là điều mà tôi vẫn làm để tự tìm kiếm cơ hội cho bản thân.
CHUYỆN 3: Vào đời ở nước ngoài, tự khóc tự nín.
Chuyện của tác giả, từng 3 năm lập nghiệp tại Bangkok (Thái Lan).
Năm 23 tuổi, tôi một mình đến Bangkok, bắt đầu công việc quản lý các kênh truyền thông xã hội cho hãng xe hơi Ford. Cho đến tận bây giờ, những gì tôi học được, làm được trong ngày tháng ấy vẫn luôn là kho tàng quý giá nhất của tôi, là bệ đỡ cho những thành công sau này.
Đi làm ở nước ngoài khác với đi du học ở chỗ: Bạn đã lớn rồi, khó ngửa tay xin tiền nhà nữa. Nếu bản thân trót tiêu hoang xài lố, thì cũng chỉ có thể ăn bánh mì cầm hơi chờ lương tháng sau thôi. Chính vì vậy, quản lý chi tiêu, tập tành tiết kiệm, dằn mình trước cám dỗ chính là những điều quý báu đầu tiên mà tôi học được khi bắt đầu cuộc sống mới tại Bangkok. Còn nhớ, tháng lương đầu tiên tôi đã nướng hết vào Zara, H&M, Uniqlo… Đến mức cuối tháng phải ăn chiếc bánh mì 20 bath (14k) trong 7Eleven cho bữa sáng và đĩa cơm gà 30 bath (21k) cho bữa trưa. Không có gia đình bảo bọc, đói một lần là tởn liền. Ngay tháng sau là tôi đã vào nền nếp, nhận lương thì liền hoạch tính các khoản cho thuê nhà, ăn uống, đi lại, quần áo, tiết kiệm, vé máy bay về thăm nhà…
Một mình giữa Bangkok to lớn và xa lạ, dấn thân vào cuộc sống, quen biết người này người kia, tôi thấy cái đầu và tấm lòng của mình được phong phú, màu mỡ hơn. Tôi làm quen với các đồng nghiệp người Thái, Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Sau giờ làm, chúng tôi cùng đi ăn uống và mua sắm, chuyện này giúp tôi cảm nhận được những nét văn hoá khác biệt, từ đó điều chỉnh bản thân mình để hoà hợp với các phong tục, niềm tin, tôn giáo khác. Cuối tuần, tôi dành thời gian đi học các workshop võ Thái (muaythai), ngôn ngữ, vẽ tranh, viết lách nhằm mở rộng network. Tôi quen được nhiều bạn mới đủ mọi ngành nghề, có người là chuyên gia của Liên Hợp Quốc, có người là diễn viên ít nhiều tên tuổi. Những mối quan hệ nảy sinh trong giai đoạn này đến bây giờ vẫn là bạn tốt của tôi, không ít lần họ giúp đỡ cho tôi các cơ hội kết nối công việc.
Tất nhiên, sống một mình ở xứ người cũng đầy lúc tủi thân. Công việc gặp rắc rối thì tự mình đương đầu mà giải quyết, ở nước ngoài tuyệt nhiên không có cảnh đồng nghiệp tụm năm tụm ba vỗ về nhau. Trễ chuyến tàu điện cuối cùng không biết làm sao về nhà. Đang vội đi thì mưa ngập đến gối, phải lội nước ra đường lớn đón xe. Ốm đau vẫn gắng gượng xuống 7Eleven mua cháo ăn liền về nấu. Nhiều chuyện lắm. Những lúc như thế chỉ có thể cắn răng chịu đựng, chẳng dám gọi điện về than với mẹ vì sợ mẹ lo cuống lên. Ngẫm lại, tôi thấy mình đã trở nên mạnh mẽ, tự lập 10X lần chính từ những lần tự khóc rồi tự nín ấy. Những năm sau này, khi gặp bất cứ khó khăn nào, tôi đều nhớ đến những lần lủi thủi ấy ở Bangkok để tự trấn an “mình đã từng sống được thì giờ sẽ còn sống được”.
CHUYỆN 4: Muốn thăng tiến bền vững, hãy làm nhiều hơn so với mức lương.
Chuyện của Nguyễn Anh Tuấn, Deputy Director, SGInnovate - Quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ chuyên sâu (deep tech), Singapore.
Tôi đã làm việc tại Singapore khoảng 10 năm, ở cả cơ quan chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, và công ty khởi nghiệp. Dù làm ở đâu, môi trường làm việc đều rất đa quốc gia, đòi hỏi tác phong chuyên nghiệp, khả năng suy nghĩ chiến lược (strategic thinking) và kỹ năng làm việc theo nhóm.
Singapore đi lên từ một nước nghèo, trở thành một quốc đảo mạnh về kinh tế chỉ trong vài thập kỷ. Chính vì vậy, chính phủ và người dân đều có ý thức là Singapore luôn cần làm việc tốt hơn, sáng tạo hơn, để quốc gia tiếp tục thành công. Hệ quả là áp lực công việc ở Singapore siêu cao. Có những lúc, tôi thường xuyên phải làm việc 12 tiếng/ngày để kịp tiến độ và khối lượng công việc của mình.
Tôi nghĩ mình đã sống tốt tại Singapore nhờ vào 3 “bí kíp”: Đẩy mạnh các mối quan hệ trong công việc, có người hướng dẫn giỏi (mentor), và luôn tạo ra giá trị thặng dư trong những điều mình làm:
Thứ nhất, các cơ hội tốt trong công việc đều đến từ network của bạn cả trong và ngoài công ty. Tôi luôn cố gắng tạo nên các mối quan hệ với những anh chị đi trước và những chuyên gia trong lãnh vực của họ.
Thứ nhì, một mentor giỏi sẽ giúp cho con đường sự nghiệp của bạn sáng sủa hơn. Mentor thường là sếp hoặc các chuyên gia trong network của bạn. Khi lựa chọn công việc, tôi luôn chú trọng vào hai thứ - một là mình có thể phát triển bản thân và đóng góp cho công ty không, và hai là sẽ có ai là mentor ở công việc đó.
Cuối cùng, tôi luôn thúc đẩy mình tạo ra giá trị thặng dư cho công ty và team, dù có phải cố gắng làm nhiều hơn so với mức lương, nhiệm vụ được giao. Tôi nghĩ không chỉ ở Singapore mà ở đâu cũng vậy, nếu muốn thăng tiến bền vững trong công việc, mình nên chứng tỏ bản thân qua hiệu quả công tác, cố gắng làm và học hỏi càng nhiều càng tốt.
Kết
Càng ngày, thế giới càng mở ra cho người trẻ, những đường biên giới hay vạn dặm đường bay đã không còn là trở ngại để chúng ta khám phá. Không chỉ là những chuyến du lịch, những khoá học, mà còn là cả những cơ hội làm việc và thay đổi sự nghiệp của mình. Bắt đầu một cuộc sống mới ở một đất nước xa xôi, thử đặt mình vào một môi trường mới, làm quen một văn hoá mới, hoà nhập với những con người mới - điều đó đòi hỏi sự can đảm, cởi mở và chắc chắn sẽ giúp bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.
Trí thức trẻ