MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm sự của một người mua nhà gói 30 nghìn tỷ cần bán gấp: "Tôi còn hứa sẽ làm di chúc để lại cho mà họ cũng không đồng ý..."

07-03-2017 - 14:08 PM | Bất động sản

"Tôi muốn bán căn hộ ở Hoài Đức vay theo gói 30.000 tỷ, diện tích hơn 65m2, giá 700 triệu đồng (có thương lượng), hiện đã giải ngân tới 70% gói tín dụng thì phải làm sao?"

Sa cơ lỡ vận, đang cần tiền nên chị Hòa (quê Nghệ An) muốn bán căn hộ mua theo gói vay 30.000 tỷ đồng. Căn hộ ở Hoài Đức (Hà Nội), có diện tích hơn 65m2, muốn bán 700 triệu đồng (có thương lượng), hiện đã giải ngân tới 70% gói tín dụng.

Thế nhưng, chào bán bao lâu nay, nhờ cả bên môi giới, cò mà chị Hòa vẫn chưa bán được nhà.

Thời điểm mua, chị Hòa là một trong những người may mắn mua được căn hộ gói vay này khi nó đã kết thúc đột ngột hồi đầu năm 2016, thế nhưng với chị bây giờ, căn hộ này thật xui xẻo. Bởi không như mua nhà thông thường, quy định sang nhượng, mua đi bán lại từ gói vay này “khó như lên trời”.

Theo chị Hòa, sở dĩ nói thế bởi theo quy định, căn hộ được vay gói 30.000 tỷ đồng không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, kể từ thời điểm được phép bán nhà ở xã hội thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, chị phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất, đấy là chưa kể trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất.

Trong khi chị muốn bán gấp, nhiều người cũng rất cần mua, để lách luật, chị Hòa cho biết nếu ai thiện chí, chị sẽ viết giấy tờ bằng tay, sau đó sẽ làm hợp đồng ủy quyền công chứng cho người mua.

“Thực sự, khách hàng chỉ cần nộp đủ số tiền là 550 triệu đồng, còn lại chờ đến khi bàn giao thanh toán nốt cho chủ đầu tư là có căn nhà. Đến lúc nộp nốt 3% để nhận sổ hồng thì chị sẽ hoàn tất nốt thủ tục. Bán giá trên là mức cắt lỗ của thị trường rồi”, chị Hòa cho hay.

Thế nhưng, với thủ tục rườm rà và không chắc chắn, nhiều người đến hỏi lắm, thiện chí mua nhưng khi nhắc đến giấy tờ thì lại lắc đầu nguây nguẩy, có người còn buông câu “cho nửa giá cũng không mua nổi!”.

“Thậm chí, tôi còn hứa sẽ làm di chúc để lại cho người mua mà họ cũng không đồng ý”, chị Hòa tâm sự.

Theo Bộ Xây dựng, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cũng quy định, trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở xã hội, nếu bên mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được phép bán lại cho Nhà nước, hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho đối tượng được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Song theo chị Hòa, bán cho Nhà nước hay chủ đầu tư chỉ có lỗ. Bởi tính theo lãi suất thương mại mới đây cộng với giá bất động sản khu vực Hoài Đức ngày càng lên, chưa kể lạm phát thì khác gì cho không.

“Rơi vào tình thế như vậy, cũng vì đang cần tiền, để không được, bán cũng không xong, bây giờ tôi biết phải làm sao?”, chị Hòa buồn rầu chia sẻ.

30.000 tỷ là gói tín dụng ưu đãi mà Chính Phủ đã thông qua nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp được vay vốn mua nhà ở xã hội.

Điều kiện cần để được xét duyệt hỗ trợ vay gói 30000 tỷ thì chủ đầu tư dự án phải được ngân hàng thẩm định kĩ về năng lực tài chính, xây dựng trước khi quyết định ký kết hợp đồng tín dụng liên kết.

Điều kiện đủ là diện tích căn hộ phải nhỏ hơn 70m2 và đơn giá phải dưới 15 triệu/m2 hoặc tổng giá trị ghi trên hợp đồng đã bao gồm VAT không vượt quá 1.05 tỷ.

Vì sao dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ?

Theo Hồng Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên