MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm sự của một PM: 'Chấp nhận lỗ 1 năm, nhưng bạn có thể nhân 5 tài sản sau 3-5 năm khi khó khăn qua đi'

Tăng trưởng lợi nhuận gộp dài hạn 20%/năm là mục tiêu mỗi nhà đầu tư dù cá nhân hay tổ chức nên tự đặt ra. Sẽ có 1-2 năm bạn có thể thua lỗ 10-20% nhưng đó là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Năm 2019 khởi đầu với nhiều khó khăn khi các thị trường Châu Á sụt giảm mạnh trong phiên mở cửa sau tết dương lịch. Với độ tương quan khoảng 37% với thị trường châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có các phiên giảm mạnh kèm theo thanh khoản yếu thể hiện tâm lý bi quan của đại đa số nhà đầu tư. Năm 2018 qua đi, kể cả các nhà đầu tư sừng sỏ nhất trên thị trường cũng không đạt được hiệu suất bằng lãi suất tiết kiệm. Dưới đây là tự sự của một giám đốc quỹ đầu tư có hơn 10 năm giao dịch trên thị trường, ông đã đúc rút ra kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên về phong cách đầu tư bền vững.

Tôi bước vào lĩnh vực chứng khoán vào khoảng quý III/2007, khi thị trường trải qua vùng đỉnh gần 1.200 điểm. Mặc dù là một người ngoại đạo với chứng khoán nhưng tôi vẫn chạy theo đám đông lao vào thị trường khi thấy mọi người xung quanh làm giàu nhanh chóng nhờ nắm giữ cổ phiếu. Những đồng nghiệp khi đó của tôi mua nhà mua xe vì họ được sở hữu 1.000 – 2.000 cổ phiếu do công ty bán cho cán bộ công nhân viên, và điều này đã thôi thúc tôi nhảy việc sang lĩnh vực chứng khoán.

Bước khởi đầu khó khăn nhưng cuối cùng tôi cũng tham gia vào thị trường và kiếm được một chút lợi nhuận trong nửa cuối năm 2008 khi thị trường phục hồi. Sau đó tôi rút lui. Năm 2009 tôi quay trở lại, giành được một số thành quả đáng kể nhưng lại mất hết trong giai đoạn 2010-2011. Mặc dù vẫn làm trong lĩnh vực chứng khoán nhưng tôi không đầu tư trong suốt gần 2 năm đó.

Tâm sự của một PM: Chấp nhận lỗ 1 năm, nhưng bạn có thể nhân 5 tài sản sau 3-5 năm khi khó khăn qua đi - Ảnh 1.

Ảnh: Liên Hương

Từ tháng 7/2013, tôi bắt đầu mua trên tài khoản cá nhân. Cuối năm 2014, tôi quản lý một quỹ đầu tư nội địa. Giai đoạn này thị trường tăng trưởng ổn định trở lại mặc dù tốc độ tăng chậm chạp và thường đi kèm các đợt điều chỉnh trong năm. Kể từ đó tới nay thị trường đã có 41 tháng tăng với mức tăng bình quân +3,62%/tháng và có 18 tháng giảm với mức giảm bình quân -4,14%/tháng.

Thời điểm tôi nhận quản lý quỹ, chỉ số VN-Index ở mức 600 điểm và sau 4 năm VN-Index đang ở mức khoảng 880 điểm tương đương mức tăng trưởng +46,67%. Các khách hàng của tôi từ đó tới tháng 4/2018 đều có mức tăng trưởng tài sản khoảng 200-300% sau gần 4 năm ủy thác vào quỹ.

Nhưng thị trường điều chỉnh từ tháng 4/2018 tới hiện tại đã làm danh mục các nhà đầu tư sụt giảm bình quân khoảng 20-25% so với đỉnh tháng 4 vừa rồi. Các nhà đầu tư đã đi cùng tôi trong giai đoạn dài trước đây đã có thành quả lớn họ tỏ ra khá bình thản trước các biến động thị trường. Mặc dù cũng có các lời trách móc về việc sao không bán hết ở đỉnh để bảo toàn thành quả, sao không kiểm soát rủi ro để giảm thiểu việc thua lỗ .v.v.. nhưng nhìn chung tính từ khi ủy thác cho quỹ, danh mục của các nhà đầu tư vẫn có mức tăng trưởng cao hơn 2-2,5 lần so với thị trường chung cũng như so với các kênh đầu tư thông thường khác.

Áp lực giải ngân vùng đỉnh

Khó khăn chính đối với tôi giai đoạn vừa qua, là nhóm các khách hàng mới tham gia thị trường vào nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018. Khi thị trường chứng khoán tăng tốc mạnh mẽ trong quý IV/2017 và quý I/2018 đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào quỹ. Đây thật sự là áp lực lớn với những người quản lý quỹ vì khi thị trường tăng mạnh cơ hội đầu tư ít đi rất nhiều.

Tâm sự của một PM: Chấp nhận lỗ 1 năm, nhưng bạn có thể nhân 5 tài sản sau 3-5 năm khi khó khăn qua đi - Ảnh 2.

Ảnh: Liên Hương

Việc thị trường liên tục tăng trong khi quỹ cầm nhiều tiền mặt vô hình chung khiến hiệu quả đầu tư của quỹ (performance) thấp hơn so với chỉ số chứng khoán, là điều các nhà đầu tư luôn nhìn vào để đánh giá hiệu quả quỹ cũng như so sánh với các quỹ của đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tôi không nói điều này là sai, nhưng điều này sẽ gây áp lực cho quỹ phải giải ngân ở vùng đỉnh và làm các PM quản lý quỹ hành động bị sai lầm trong ngắn hạn. Khi đã hành động sai trong ngắn hạn sẽ rất khó sửa chữa được các sai lầm này một cách nhanh chóng sau đó.

Tâm sự của một PM: Chấp nhận lỗ 1 năm, nhưng bạn có thể nhân 5 tài sản sau 3-5 năm khi khó khăn qua đi - Ảnh 3.

Khi thị trường giảm khoảng 15% so với đỉnh, tôi đã mắc sai lầm khi giải ngân lại một phần tiền vì suy nghĩ rằng thị trường có thể chỉ là đợt điều chỉnh thông thường sau khi đã tăng mạnh. Nhưng không, thị trường tiếp tục suy yếu hơn nữa và tôi biết rằng suy nghĩ của một cá nhân hầu như sẽ không ảnh hưởng gì tới thị trường chung. Do bắt đáy sớm, tôi vẫn bị sai lầm trong việc trì hoãn không xử lý hết các cổ phiếu đã mua trước đó. Mặc dù các đánh giá về tình hình các ngành nghề và các công ty chỉ ra một số nhóm ngành chu kỳ tăng trưởng mạnh đã kết thúc như nhóm ngân hàng nhưng tôi vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu ngành này gần 20% danh mục và nó đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả đầu tư của quỹ khi đó.

Sau các biến động thị trường giai đoạn quý II, trong quý III tôi đã giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống 50% danh mục, còn lại 50% là các dạng tài sản khác như trái phiếu/tiền gửi để cân bằng danh mục trong giai đoạn biến động. Tôi tiếp tục duy trì chiến lược này cho tới giai đoạn hiện tại vì không thấy nhiều cơ hội sinh lời ở giai đoạn này.

Một khó khăn lớn của chúng tôi là các khách hàng tham gia quỹ đầu tư hầu hết vẫn có tư duy đầu tư ngắn hạn, họ chỉ tham gia vào quỹ khi thị trường tăng và rút ra nhanh chóng khi thị trường giảm. Chính điều này đã gián tiếp gây thua lỗ cho quỹ khi phải bán ra cổ phiếu để trả lại tiền cho nhà đầu tư và tạo vòng xoáy giảm giá trên thị trường. Các lo ngại nữa còn xảy ra khi quỹ duy trì một lượng tiền mặt lớn thì nhà đầu tư sẽ sẵn sàng rút hết tiền ra vì cho rằng nộp tiền vào quỹ để đầu tư chứ không phải để quỹ đi gửi tiết kiệm hay mua trái phiếu. Nếu gửi tiết kiệm thì cá nhân nhà đầu tư cũng tự làm được.

Mọi ý kiến của nhà đầu tư đều chính xác, nhưng trong một môi trường biến động theo chiều hướng xấu, việc chọn lựa các kênh đầu tư hưởng lãi suất cố định như gửi tiết kiệm hay mua trái phiếu để cân bằng danh mục đầu tư, giảm rủi ro của quỹ do biến động của thị trường gây ra.

Cơ hội đầu tư dài hạn vẫn luôn tồn tại

Tâm sự của một PM: Chấp nhận lỗ 1 năm, nhưng bạn có thể nhân 5 tài sản sau 3-5 năm khi khó khăn qua đi - Ảnh 4.

Ảnh: Liên Hương

Hiện nay của các quỹ đều lấy chỉ số VN-Index hoặc VN30 làm chỉ số tham chiếu. Theo tôi các tiêu chuẩn này sẽ tạo ra sức ép ngắn hạn rất lớn với các quỹ đầu tư. Vì sự cạnh tranh và nhìn nhau, nên xu hướng các PM các quỹ sẽ mua các cổ phiếu tương tự nhau và theo tỷ trọng như các cổ phiếu hàng đầu trong chỉ số VN-Index. Điều này chỉ để quỹ không quá kém chỉ số VN-Index cũng như các quỹ tương tự trên thị trường. Đây thật sự là một xu hướng mà các quỹ cả ở Mỹ hay Việt Nam hay bất kỳ đâu đều đã và đang mắc phải. Một giải pháp tốt hơn cho các nhà đầu tư là các quỹ ETF vì danh mục các quỹ ETF đại diện cho chỉ số và hiệu quả đầu tư cũng tương đối tốt. Tôi đã backtest lại chiến lược đầu tư định kỳ (SIP) vào ETF và cho thấy kết quả đầu tư rất ấn tượng. Nếu SIP định kỳ từ năm 2012-2018 bình quân bạn sẽ có lợi nhuận khoảng 24%/năm, nếu SIP định kỳ từ khi TTCK mở cửa năm 2.000 tới nay bạn sẽ có mức lợi nhuận bình quân khoảng 10%/năm.

Tới giai đoạn hiện tại, tôi nhận thấy việc đầu tư để kiếm được tiền ngắn hạn trên thị trường chứng khoán là thật sự khó khăn, nhưng các cơ hội đầu tư trong dài hạn vẫn luôn tồn tại. Tôi không tin vào các phương pháp phân tích kỹ thuật (TA) mà nhà nhà người người hiện nay đang sử dụng, các phương pháp Momentum mà được thần thánh hóa trên thị trường giúp nhà đầu tư có thể làm giàu nhanh chóng. Tôi chỉ tin vào việc nghiên cứu kỹ lưỡng các công ty, hiểu được ngành nghề nó hoạt động, ngành nghề đó đặc thù ra sao tại Việt Nam và mức giá nào là giá hợp lý cho công ty tốt nhất trong ngành đó. Tới giờ, tôi không vội vã mua cổ phiếu nào mà chờ đợi khi giá cổ phiếu đó về mức đủ an toàn so với giá tôi định giá cho công ty đó. Sự kiên trì, sự lạc quan và niềm trong đầu tư đã giúp tôi thành công và hiện nay tôi càng tin tưởng nó hơn.

Mọi sự đầu tư mà thiếu các nghiên cứu đủ kỹ lưỡng và sự hiểu biết đủ sâu đều sẽ thất bại nặng nề trong dài hạn. Tôi nghĩ nhà đầu tư nên thay đổi suy nghĩ về đầu tư chứng khoán theo hướng đây là một khoản đầu tư dài hạn giống như việc bỏ tiền ra mua một ngôi nhà để ở. Khi đó nhà đầu tư sẽ nghĩ rất ít về giá trị ngắn hạn của ngôi nhà đó và sẵn sàng nắm giữ nó 20-30 năm. Đầu tư chứng khoán cũng phải như vậy, có thể bạn chuyển từ đầu tư công ty A sang công ty B, nhưng nhất thiết bạn phải luôn duy trì sự đầu tư đó, lựa chọn các công ty tốt nhất hoạt động ổn định và tăng trưởng trong dài hạn với dòng tiền tự do lớn để đem lại sự thành công và gia tăng tài sản trong dài hạn.

Tâm sự của một PM: Chấp nhận lỗ 1 năm, nhưng bạn có thể nhân 5 tài sản sau 3-5 năm khi khó khăn qua đi - Ảnh 5.

Mặc dù tôi kiếm được số tiền gấp hàng nghìn lần số vốn ban đầu trong thời gian rất ngắn khoảng 5 năm qua, nhưng cá nhân tôi luôn nghĩ việc kiếm tiền nhanh là không bao giờ bền vững và chắc chắn. Một mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gộp dài hạn 20%/năm là mục tiêu mỗi nhà đầu tư dù cá nhân hay tổ chức nên tự đặt ra, trong 20%/năm tăng trưởng gộp này cần luôn chấp nhận sẽ có 1-2 năm bạn có thể thua lỗ 10-20% nhưng đó là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Khi thị trường khó khăn qua đi, bạn có thể kiếm được gấp 5-10 lần tài sản chỉ trong thời gian 3-5 năm sau đó.

Thị trường chứng khoán là một thị trường mở, cơ hội luôn luôn có và chỉ có người có tư duy đầu tư dài hạn và một triết lý đầu tư đúng đắn hợp lý cùng với thái độ làm việc chăm chỉ, cập nhật kiến thức thường xuyên và đủ hiểu biết sâu sắc về ngành, công ty họ đầu tư và tự tin đầu tư với tỷ trọng lớn tiền vào đó mới có thể giúp nhà đầu tư thành công.


Theo Bảo Lâm

NDH

Trở lên trên