MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm sự của nhân sự BĐS: “Lương tháng 10 còn chưa lãnh, nói gì đến lương tháng 13”

18-12-2022 - 08:09 AM | Bất động sản

Tâm sự của nhân sự BĐS: “Lương tháng 10 còn chưa lãnh, nói gì đến lương tháng 13”

Đó là chia sẻ của chị H, một nhân sự làm việc tại một công ty BĐS. Có lẽ lương tháng 13, hay chế độ thưởng tết trở thành “xa xỉ” với chị H lúc này.

Theo chị H, thời điểm này chỉ mong nhận đủ lương, còn được đi làm đã là hạnh phúc. Mấy tháng qua, công ty liên tục chậm lương/nợ lương. Lương từ tháng 10/2022 vẫn chưa được thanh toán. Có thể phải đến cận Tết, khoản lương của 2-3 tháng mới dồn trả một lần. Tuy nhiên, cũng không chắc rằng được trả trước Tết nguyên đán, vì hiện tại công ty khó khăn thực sự.

“ Lương tháng 10 còn chưa lãnh, nói gì đến lương tháng 13. Chắc doanh nghiệp nào cũng vậy cả”, chị H ngậm ngùi chia sẻ.

Cùng tình cảnh, chị Ng, là nhân viên lâu năm của một công ty BĐS tại Tp.HCM cũng cho biết, lương hiện tại bị giảm gần 50%, đồng thời phân chia công việc để làm. Tức mỗi người chia lịch ra làm, giảm giờ làm từ 40-50% so với trước. Riêng lương tháng 13 hiện tại chưa nghe động tĩnh gì. Thưởng Tết thì chắc chắn năm nay không có, tiệc tùng tất niên cắt hết.

“Nói chung, khó khăn lắm. Lương giảm, giờ làm việc giảm. Tuy nhiên, mình cảm thấy còn may mắn vì còn được đi làm”, chị Ng tâm sự.

Tâm sự của nhân sự BĐS: “Lương tháng 10 còn chưa lãnh, nói gì đến lương tháng 13” - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Đã không được nhận lương cơ bản 3 tháng nay, anh C, một trưởng phòng kinh doanh tại một công ty BĐS gần như phải “đi vay tiền” để sinh sống, cầm cự với nghề. Dù không nằm trong diện cắt giảm của công ty nhưng theo anh C, làm không lương và không bán được hàng thì không có chi phí để sinh hoạt. Vì thế, cũng xem như là “thất nghiệp” ở thời điểm này.

“Một số khoản hoa hồng từ đầu năm 2022 có thể phải qua Tết mới được nhận. Năm nay xem như không có Tết”, anh C cho hay.

Mới đây, ngồi với một lãnh đạo doanh nghiệp BĐS, vị này ngậm ngùi: Hiện tại, nhân viên nghỉ việc khoảng vài trăm người. Lương và chế độ đều phải điều chỉnh để tiết giảm tối ưu các chi phí. Có những bạn tự động xin nghỉ vì thấy công ty quá khó khăn. Một số khác thì công ty cho nghỉ nhưng xin ở lại làm việc không lương. Buồn lắm.

“Thiệt hại về tiền bạc thì không nói rồi. Nhưng để nhân sự gắn bó lâu nay phải nghỉ việc, nhất là thời điểm gần Tết thì buồn hơn gấp nhiều lần. Nói thật, tôi chưa bao giờ thấy thị trường BĐS khó khăn như lúc này. Thời điểm Covid-19 khó cách khác, còn bây giờ khó mà cảm tưởng không thể chịu nỗi”, vị CEO này chia sẻ.

Dù không chia sẻ cụ thể khó khăn của doanh nghiệp mình nhưng cách nói chuyện của một CEO công ty BĐS tại Tp.HCM đủ thấy, cả bộ máy đang trải qua những ngày khốn khó thực sự. Riêng các khoản phụ cấp lâu nay phải cắt hết. Nhân sự luân phiên làm việc, tiết giảm tối đa các chi phí về điện, nước, nhân sự, lương bổng…Đặc biệt, theo cách chia sẻ của vị này, có thể năm nay nhân viên sẽ nghỉ Tết sớm, vì không bán được hàng, cũng là cách công ty tiết kiệm các chi phí.

Khó khăn mà các doanh nghiệp địa ốc trải qua là có thật. Hiện tình trạng chung là “đuối sức”, thiếu dòng tiền duy trì hoạt động. Dự án không có thanh khoản. Doanh nghiệp BĐS cơ cấu và làm mọi cách để xoay dòng tiền duy trì tổ chức.

Theo nhận định của một số người trong cuộc, có thể sau đợt này, nhiều doanh nghiệp địa ốc sẽ rời thị trường. Cuộc thanh lọc này có thể gọi là “tàn khốc” so với những dự đoán trước đó của doanh nghiệp.

Bảo Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên