Tâm sự du học sinh Việt tại Pháp: Đi làm thêm, giấu chủ lấy thức ăn cho người vô gia cư, bị cướp, tôi đã hiểu muốn làm người tốt cũng khó lắm
Muốn giúp một người lại càng khó, không thể làm việc thiện theo kiểu ban ơn, đừng tưởng cho người ta sướng một lúc thì nghĩa là người ta đỡ khổ được một lúc, mọi chuyện có thể hoàn toàn ngược lại.
- 28-12-2018Bài viết gây bão về cuộc sống của du học sinh nghèo: Mua bất cứ đồ gì cũng quy ra tiền Việt
- 22-12-2018Tâm sự của một du học sinh Việt tại Nhật bị chủ cửa hàng nghi ngờ oan: Đi làm thêm đã dạy tôi biết xã hội Nhật như thế nào
- 21-12-2018Khám phá cuộc sống của du học sinh Việt ở nơi lạnh nhất thế giới, nhiệt độ xuống -60 độ C mới được nghỉ học!
Giấu trộm những hộp sushi ế
Tôi vốn làm việc cho một nhà hàng Nhật tại Paris. Ở Pháp, những quy định về vệ sinh thực phẩm hết sức nghiêm ngặt, đặc biệt với những đồ tươi sống. Cá tươi còn nguyên con hay nguyên miếng lớn có thể được bảo quản lạnh để giữ đến hôm sau chứ cá đã cắt ra và đặt lên miếng cơm rồi thì vài tiếng sau, nếu không bán được cũng phải bỏ đi. Xót của lắm cũng phải vứt bỏ, nếu giữ lại mà bị kiểm tra thì chỉ có đường đóng cửa tiệm.
Dù đã được nghe lão chủ giải thích, nhưng mỗi tối tôi vẫn không nuốt trôi được nỗi đau lòng nhìn hàng đống đồ ăn bị đổ vào thùng rác. Tôi lớn lên trong nghèo khó, trân trọng từng miếng thức ăn nhỏ, không đành lòng làm ngơ chuyện đó.
Vậy là, một tối, đợi lão chủ về rồi, nhìn hàng còn nhiều quá, tôi lấy một cái túi giấy, xếp vào hơn chục hộp, nói với anh quản lý: "Em có bạn đến chơi, lấy mấy hộp về ăn để khỏi phải vứt đi, có được không anh?" Anh bảo "Mày lấy về ăn thì thoải mái, lấy hết cũng được, đừng có lấy đem cho." Tôi gật gật, nhưng cuối giờ, tôi đợi mọi người về hết thì mang cái túi ấy ra đầu phố.
Lố nhố cả chục người nằm ngồi trong bóng tối. Những người vô gia cư tụ tập có lẽ vì chỗ ấy ban ngày là chỗ nhập hàng của mấy cửa hàng lớn, có mái che và khuất gió, lại có mấy cái chân giá gỗ của các kiện hàng, họ kê lại thành giường ngủ qua đêm. Toàn là thanh niên, cao khỏe, lực lưỡng, chẳng hiểu sao không chịu làm ăn gì, chỉ ngày ngày đi ăn xin rồi tối lại vật vờ uống rượu. To khỏe thế mà đi ăn xin chắc cũng chẳng mấy ai cho, tối nào cũng đói.
Tôi bước tới, đặt túi đồ trước mặt một gã da đen to khỏe, nói nhẹ nhàng: "Tôi có chút đồ, còn tươi ngon, ăn không hết. Tặng các anh. Có đủ để nhiều người ăn." Gã da đen nhìn túi đồ, nhìn tôi ngạc nhiên lắm, cái túi đồ ấy nhìn thoáng qua đã biết là ngon lành thế nào rồi. Gã chắp tay lại, đầu gật gật: "Cảm ơn, cảm ơn, tốt bụng quá". Tôi bảo: "Anh ăn đi, lấy sức rồi mà đi kiếm việc làm. Đi ăn xin mãi không được đâu". Gã lắp bắp "Có chứ, làm việc chứ, người tốt phải làm việc".
Tôi thấy tim mình thắt lại, vừa tự hào, vừa thương cảm. Tôi bước đi, đầu lâng lâng, sung sướng vì làm được một việc tốt và ngày hôm nay sống có ý nghĩa hơn một chút. Thật ra tôi không biết có đúng là như vậy, hay chỉ đơn giản vì tôi được nghe một lời cảm ơn, được người ta nhìn mình bằng đôi mắt biết ơn. Tôi định rằng ít hôm nữa, khi nào quen thân hơn thì tôi sẽ ngồi ăn với họ một hôm, nói chuyện để hiểu được họ, và biết đâu có thể khuyên bảo giúp họ đi tìm việc làm, khỏi sống lang thang. Kế hoạch của tôi có vẻ "hoành tráng" quá.
Nhưng như vậy được vài hôm thì tôi bị để ý. Anh quản lý bắt đầu nghi ngờ việc ngày nào tôi cũng có bạn đến chơi, mang đồ về ăn. Bởi cứ cho là có bạn đến chơi thật, cũng không thể mỗi ngày ăn mãi mấy món này. Anh thừa biết rằng sau sáu tháng đứng cắt cá thì giờ đây ngửi mùi cá sống tôi đã thấy nôn nao, đừng nói là ăn mỗi tối.
Tôi lại phải tìm cách khác. Có một cậu em mỗi tối tới thu thùng nhựa dùng để vận chuyển hàng để đưa về bếp chuẩn bị đưa hàng sớm hôm sau. Tôi vờ ra xếp hàng với nó rồi dúi cho nó một cái túi giấy, bảo nó ngang qua đầu phố thì để lại giúp, tất nhiên là những hôm nào mà hàng còn thừa nhiều.
Nhưng cũng chỉ được hai tuần thì cậu ấy không chịu mang nữa. Nó bảo "Hôm nào có đồ ăn thì chúng nó vui vẻ, cảm ơn, phải hôm hết hàng, anh không đưa gì cho em thì chúng nó chặn lại, hỏi tại sao không có gì, rồi bảo nếu không có đồ ăn thì đưa tiền đây để chúng nó đi mua. Em chả đưa nữa đâu, cho không mà cứ như mắc nợ chúng nó".
Thế là tôi bí. Tôi phải dừng chuyện "từ thiện" mấy hôm. Để tìm cách mới. Rồi thì tôi cũng quên béng đi, cả ngày làm việc mệt, tối chỉ mong hết giờ để đi gọi điện thoại. Trong vài ngày, tôi quên mất những đôi mắt cùng cực kia.
Bị cướp giữa góc phố Paris quen thuộc
Hôm ấy là cuối tháng, lão chủ qua trả lương. Vì là làm chui phần lớn thời gian (sinh viên như tôi chỉ được phép đi làm 20 giờ một tuần, phần còn lại không khai báo) nên lương tôi nhận hầu hết bằng tiền mặt. Hơn một ngàn euro tiền mặt. Một món tiền lớn, tôi nhét ở túi quần sau rồi ra về, lòng lâng lâng. Tôi ra cabin điện thoại để gọi cho bạn gái.
Ra đến cabin gần cuối phố, tôi ngạc nhiên dừng lại. Lúc ấy đã gần 10 giờ tối, phố thưa thớt. Cạnh cái cabin điện thoại, một chiếc xe ô tô thể thao, mui trần rất đẹp đỗ ở đó mà chẳng có ai. Tưởng rằng người lái ở trong cabin điện thoại mà không phải. Lạ thật. Tôi chợt nhớ ra lúc chiều anh quản lý có kể ngoài phố có một gã chắc vận chuyển ma túy, đi xe xịn chạy đến đây thì bị cảnh sát mặc thường phục bắt đưa đi, vứt lại cái xe.
Tôi ngắm cái xe một chút, tự nhìn lại mình hôm nay, quần áo cũng bảnh bao vì lát nữa đi dự sinh nhật bạn, và nghĩ thầm: "Mình trông cũng ổn đấy nhỉ, cứ như là chủ xe dừng lại gọi điện, chắc ai đi qua cũng phải nhầm, phải ghen tị. Đợi nha, rồi một ngày không xa..."
Tôi biết đâu cái sự "trùng hợp" ấy thiếu chút nữa lại hại chết tôi.
Tôi gọi điện cho em, vui vẻ. Hôm nay lại còn vui vẻ hơn mọi ngày vì vừa lĩnh lương, tiền cộm mông. Chẳng nhớ tôi đã nói những gì, chỉ biết là tôi vui lắm, khua chân múa tay hào hứng hết chỗ nói. Đột nhiên, cửa cabin tối sầm lại. Một gã da đen đội mũ lụp xụp xộc vào.
Tôi đã từng bị kiểu này, dân da đen nhiều khi rất thô lỗ, chờ lâu không đến lượt mình thì họ đập cửa hoặc xông vào để gây khó chịu, để mình phải bỏ máy mà đi. Ai sợ hay ngại va chạm thường đều phải nhường máy, nhưng không phải tôi. Tôi chẳng sợ thằng nào.
Tôi không thèm quay lại, lạnh lùng nói: "Tôi còn gọi lâu, xin lỗi, anh muốn gọi điện thì đi tìm máy khác". Rồi xô hắn ra cửa. Mấy gã da đen kiểu này thường hay cậy mình to cao để dọa người khác, nhưng khi thấy đối phương "cứng" một chút thì chúng ngại, chuồn ngay. Nhưng lần này không phải thế. Gã da đen áp sát vào và rít lên "Tao nghiện, tao đói, cần tiền, đưa đây". Tôi giật mình "Chết cha, gặp cướp". Ở giữa phố lớn thế này, tuy trời tối, nhưng còn chưa quá muộn, vẫn còn người qua lại mà lại có cướp.
Tôi nói nhỏ trong điện thoại: "Xin lỗi, anh có chuyện rồi", rồi quay ra, cố tình nói lớn: "Ông ơi, đừng đòi tiền tôi, tôi sinh viên mà, không có tiền đâu". Tôi cố tình nói to để nếu có người đi qua nghe thấy sẽ giúp mình. Nhưng vô vọng. Vẫn có người qua lại, nhưng ai nấy thấy có chuyện cũng cắm đầu rảo bước thật nhanh, sợ rắc rối.
Gã da đen áp sát hơn, vạch áo đủ để tôi thấy bên trong bụng dắt một con dao, gã nói nhanh: "Mày đừng có bịp tao, sinh viên gì mà ăn mặc đẹp như mày, lại còn xe thể thao xịn nữa. Mày mà không có trong người cả ngàn euro hả?"
Thôi rồi, bộ quần áo cùng cái xe của kẻ nào đó đã làm hại tôi. Khổ nỗi, gã không hoàn toàn nhầm, tôi có trong người cả ngàn euro thật.
Nhưng tiền ấy là cả tháng lao động kiệt sức của tôi, là tiền để đi học, để sống, để mua vé đi gặp em hai tháng một lần. Tôi không thể để mất, giá nào tôi cũng không để mất.
Tôi mới chỉ kịp nghĩ thế, gã da đen đã chộp tay lên ngực áo kiểm tra, rồi vòng cả hai tay ra sau mông tôi mà nắn. Ngực hắn đè vào mặt tôi, ngộp thở: Tôi với hắn đứng ôm nhau trong điện thoại cứ như thể cặp tình nhân, có điều chẳng lãng mạn chút nào. Hắn chợt rú lên: "Haha, tao bảo mà, thằng này có tiền, nhiều tiền, ví dày lắm". Hắn không nói với tôi, hóa ra còn một thằng khác đứng bên ngoài.
Tôi chỉ nghe có vậy, vòng hai tay ra sau chụp lấy hai cổ tay gã. Lúc ấy tôi không kịp nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ bằng mọi cách không được để hắn rút tay lại mà lấy con dao. Gã da đen vận sức giằng tay lại, nhưng không được. Hai tay tôi như hai gọng kìm. Những năm tháng luyện võ ở Việt Nam và lao động ở nước ngoài khiến tay tôi mạnh hơn hắn tưởng rất nhiều.
Hắn la lên "thằng này có Kungfu, giúp tao". Thế là thằng ở ngoài chồm tới. Nhưng gã da đen to cao quá, cái cabin thì nhỏ nên gã đã chắn cả lối vào, thằng kia không có cách gì, chỉ vòng tay qua vai đồng bọn mà đấm, mà giật tóc tôi, đập đầu tôi vào vách kính, may mà thằng đó không có dao. Tôi thì bị gắn chặt vào thằng đen to lớn này, không dám buông tay nên chỉ đứng cúi đầu chịu trận.
Cái điện thoại phía sau lưng tôi buông rơi lúc nãy, không kịp dập máy giờ vang lên tiếng em hét: em chắc đã nghe thấy mọi chuyện, dù không hiểu tiếng Pháp nhưng có thể đoán ra có chuyện. Em gọi tôi hoảng hốt, vừa gọi vừa khóc khiến tôi càng thêm căng thẳng. Tôi nghĩ rất nhanh phải thoát ra khỏi cái cabin này, trước khi thằng bên ngoài tìm ra cách nào hạ gục tôi.
Tôi co chân, đạp vào vách kính sau lưng, rồi bằng hết sức lực, bung ra một cú đạp thật mạnh, lao người về phía trước. Vì tôi với gã da đen đứng sát nhau, còn thằng bên ngoài cũng đang áp sát vào đánh tôi nên cả ba cùng ngã, hai thằng kia nằm dưới, tôi đè bên trên. Tôi đập mạnh đầu vào mặt thằng da đen một cú trời giáng, rồi buông tay lăn một vòng, thoát hiểm. Tôi cắm đầu chạy được vài chục bước, thấy hai thằng đen đang chạy đuổi theo. Tôi chạy rất nhanh, nhưng sợ rằng sẽ còn có đứa khác chặn đường.
Trong xã hội này muốn làm người tốt khó lắm
Ngang qua chỗ cuối phố có mấy cái chân giá hàng bằng gỗ, tôi nhảy vào đạp gãy một đoạn. Cầm thanh gỗ trong tay, tôi quay lại, sẵn sàng cho một cuộc tử chiến. Thằng đen cao lớn đã chạy đến, cái mũ lụp xụp đã rơi khỏi đầu hắn. Và tôi bàng hoàng nhận ra: chính hắn là người tôi đưa túi đồ ăn những hôm trước. Hắn bây giờ cũng đã nhận ra tôi, sững sờ. Hắn đứng khựng lại, hai tay giơ lên cao như đầu hàng, mồm lắp bắp "Không đánh nữa, không đánh nữa, người quen mà, người tốt mà".
Nhưng lúc ấy thì máu điên của tôi đã nổi lên rồi, máu điên bốc lên đầu ngùn ngụt rồi, có lẽ vì lúc nãy căng thẳng quá, tôi không kiềm chế được nữa, tôi hét lên "Đánh đi, đánh tiếp đi. Hay lắm đó. Chúng mày hay lắm đó. Tao giấu chủ lấy thức ăn cho chúng mày vì nghĩ chúng mày đói mà đàng hoàng, chỉ xin ăn thôi, không làm bậy. Không ngờ chúng mày cướp bóc, lấy đồ ăn rồi chưa đủ, giờ muốn cướp cả tiền lao động của tao nữa. Lại đây mà cướp đi, tao vừa lĩnh lương, nhiều tiền lắm đó, chắc chúng mày rình biết mà".
Nhưng gã da đen quỳ xuống, chắp hai tay mà vái "Tôi không đánh, tôi xin lỗi. Tôi không biết là anh. Thề đấy. Tôi tưởng là thằng công tử có xe ô tô đẹp, có nhiều tiền nên hù dọa lấy tiền tiêu, tôi đói quá, chúng tôi đều đói".
"Thế à, đói thì chúng mày đi cướp tiền à? Nếu tao không thoát ra được thì chúng mày đâm chết tao trong cái cabin ấy, làm gì còn xin lỗi nữa".
"Tôi không đâm. Nếu tôi dùng dao thì tôi đã dùng từ đầu chứ không giấu trong bụng. Tôi chưa cướp bao giờ, đây là lần đầu tiên tôi làm như thế. Cũng là vì đói, mà cũng là vì anh nữa". Đột nhiên, như thể nghĩ ra điều gì hắn gào lên "Đúng, đúng là vì anh đó. Trước đây chúng tôi đói quen rồi, cũng có ngày no, có ngày được ăn ngon, nhưng hầu như là đói, ngày nào cũng đói, không thấy nhịn ăn là khổ. Từ ngày anh cho chúng tôi ăn, cho mỗi ngày lại còn nhiều, toàn đồ ăn ngon thì ngày nào chúng tôi cũng đợi. Chúng tôi biết ơn anh lắm, nhưng vì anh mà cả tháng chúng tôi không bị đói nữa, quên mất đêm phải nhịn đói đi ngủ nó khổ thế nào.
Rồi anh không cho đồ nữa thì chúng tôi không chịu được, đã hai ngày rồi gần như không có gì ăn, tôi mới tính chuyện đi kiếm chút tiền. Lỗi chính là tại anh, thà anh cứ để mặc chúng tôi như xưa thì có lẽ chúng tôi không biết sống như ngày xưa là khổ…"
Tôi sững sờ, mồm há hốc, thanh gỗ trong tay rơi xuống, tôi quay đi. Tay tôi sờ túi rút ra một tờ tiền, định quay lại đưa nhưng lại thôi, tôi đi, như chạy, vừa đi vừa lẩm bẩm "Tôi xin lỗi, là tại tôi, tại tôi". Tôi nhớ đến lúc lão chủ nhìn tôi cười ha hả "Mày ngốc lắm. Trong xã hội này muốn làm người tốt bụng cũng khó lắm đó".
Tôi có lẽ không tuyệt vọng như Chí Phèo, phải gào lên "Ai cho tao lương thiện", nhưng từ lúc đó tôi hiểu rằng muốn làm người tốt không phải đơn giản, không phải muốn làm thế nào thì làm. Muốn giúp một người lại càng khó, không thể làm việc thiện theo kiểu ban ơn, đừng tưởng cho người ta sướng một lúc thì nghĩa là người ta đỡ khổ được một lúc, mọi chuyện có thể hoàn toàn ngược lại.
Lần bị cướp ấy hóa ra lại là một bài học. Gã da đen vô gia cư ấy đã cho tôi một bài học. Thế nào mà tôi lại bị cướp giữa Paris, bị cướp ở góc phố mà tôi rất quen thuộc, cướp bởi những người tôi đã từng giúp đỡ. Cuộc đời có lẽ chính vì thế luôn là một bài học lớn, và chẳng bao giờ ngừng.
(*) Nội dung tham khảo cuốn: Tôi và Paris - Câu chuyện một dòng sông. Tác giả: Hoàng Long.
Trí thức trẻ