Tâm trạng không tốt, vì trí tuệ không đủ: Muốn vui vẻ, hãy khôn ngoan sống!
Nghiên cứu khoa học chứng minh, cảm xúc, tâm trạng của một người thường sẽ ảnh hưởng tới hiện thực cuộc sống của chính bản thân người đó.
- 21-07-2020Biến bận rộn thành một cơn nghiện có thể giúp cuộc sống của bạn "đầy đủ" nhưng phải đúng nơi, đúng lúc và tạo ra giá trị tốt: Siêng năng khôn ngoan mới đưa bạn đi xa!
- 20-07-2020Nghệ thuật giao tiếp của người khôn ngoan nằm ở những chi tiết nhỏ nhất: Nói “cảm ơn” thay vì “xin lỗi”, nó có sức mạnh giải quyết vấn đề thực sự
- 14-07-2020Không phải năng lực, sự chăm chỉ hay tính toán khôn ngoan, kỹ năng mềm này là thứ nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm!
Duy trì một tâm thái lạc quan tích cực, quan trọng hơn nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Nếu bạn vui vẻ, cơ thể tự nhiên sẽ tiết ra một loại hormone khiến bạn tích cực mỗi ngày; còn nếu bạn buồn bã, trạng thái tiêu cực cũng sẽ theo đó mà tìm tới.
Duy trì sự lạc quan, vui vẻ không phải là thiên bẩm, mà là khả năng. Và loại khả năng này không phải đẻ ra là đã có mà nó được bồi dưỡng nên nhờ trí tuệ cũng như tư duy của mỗi người. Nó giống như một sự thu hoạch sau khi bạn đã nỗ lực hết mình vậy.
Muốn sống vui vẻ, hãy khôn ngoan sống hết mình với hiện tại
Wang Yangming nói: "Thân chi chủ tế tiện thị tâm, tâm chi sở phát tiện thị ý, ý chi bản tiện thị tri, ý chi sở tại tiện thị vật"
"Tâm" là chúa tể của cơ thể và vạn vật, khi tâm hồn an định, bình yên, không bị khống chế bởi vật chất bên ngoài, khi đó, trí tuệ tuyệt vời của con người sẽ được phát huy. Bất luận ở thời đại hay thể chế nào, chẳng ai có thể thay bạn chăm sóc được nội tâm của bạn cả.
Đơn giản mà nói thì là hãy học cách sống cho hiện tại, chuyên tâm vào những thứ trước mắt, đừng suy nghĩ lung tung. Thay vì cứ canh cánh với tương lai không thể biết trước, chi bằng nghiêm túc, hết mình đi chăm sóc, kinh doanh cái hiện tại của mình. Chuyên tâm đi thật tốt từng bước đi trước mắt, nội tâm của bạn mới thực sự có thể được an nhiên và tỉnh táo, nhẹ nhõm và vui vẻ.
Một người khi chuyên tâm vào điều gì đó, trông thì có vẻ như cơ thể và tâm lý đang chật căng, nhưng thực ra đó là sự hòa hợp và thả lỏng của nội tâm, bởi khi đó, họ không còn bị lung lay bởi những vật chất bên ngoài nữa.
Những người có một lộ trình, con đường rõ ràng trong đầu, họ tự nhiên sẽ cảm thấy một nguồn năng lượng vui vẻ và nhẹ nhõm xuất phát từ sâu trong tim.
Cái gọi là đi tìm niềm vui, thực ra là quá trình không ngừng buông bỏ chấp niệm của bản thân
Cuộc sống, nói trắng thì là chỉ khi từ bỏ chấp niệm của bản thân, bạn mới có được niềm vui. Bởi lẽ trở ngại lớn nhất trong cuộc sống thực ra là chính mình, dục vọng, khát khao quá lớn, nội tâm tự nhiên sẽ trở nên mệt mỏi. Nếu không thể loại bỏ "chấp niệm" ra khỏi đầu, bạn sẽ rất khó có được hạnh phúc thực sự.
Có một phú ông mang theo rất nhiều tài sản vàng bạc, đi tới một nơi xa xôi để kiếm tìm niềm vui, hạnh phúc. Nhưng dù đã vượt qua trăm ngàn ngọn núi con sông, thì phú ông vẫn chẳng thể nào tìm được cho mình niềm vui, ông thất vọng ngồi xuống bên đường. Gặp một người nông dân vừa đi đốn củi trên núi xuống, phú ông hỏi: "Tôi là một phú ông mà người người ngưỡng mộ, xin hỏi, vì sao tôi vẫn không thể vui vẻ vậy?"
Bác nông dân bỏ bó củi nặng xuống, vừa lau mồ hôi vừa nói: "Niềm vui rất đơn giản, buông bỏ xuống chính là niềm vui!"
Phú ông chợt bừng tỉnh: Mình mang trên người nhiều vàng bạc châu báu như vậy, lúc nào cũng lo lắng sợ bị người ta cướp, vậy thì niềm vui đến kiểu gì?
Chúng ta sở dĩ buồn bã, đó là bởi vì chúng ta thất bại. Cái gọi là thất bại chính là khi sự việc không phát triển theo hướng mà "tôi" muốn, cuối cùng, không thu được kết quả mà "tôi" dự trù, vì vậy, "tôi" mới đau khổ, buồn bã.
Vì vậy, niềm vui thực sự chính là quên đi "tôi – chấp niệm". Chỉ khi buông bỏ nó, bạn mới thực sự nhẹ nhõm, tự do.
Bớt tham vọng quá, đưa bản thân về với những năm tháng đơn thuần nhất
Cuốn "Đạo đức kinh" viết: "Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi."
Biết thỏa mãn, sẽ không bị bẽ mặt, biết khi nào nên dừng lại sẽ không gặp nguy hiểm, vậy mới là sự bình an lâu dài, "tiểu phú tất an, tiểu ai tất mãn", không quá giàu tất sẽ an yên, không yêu quá nhiều ắt sẽ không bi lụy.
Trông thì có vẻ như là không có chí tiến thủ, thực ra là sự kiểm soát mình ở mức độ thích hợp của nội tâm. Trên đời này, khái niệm về "giàu có" đối với mỗi người là khác nhau, trên con đường tiến lên, "biết khi nào nên dừng" mới là điều khó nhất. Không được quá tham vọng, biết khi nào nên dừng lại, mới không bị lợi ích khống chế rồi đánh mất đi chính mình.
Phàm là chuyện gì dù xấu dù tốt, một khi "quá", thì tự nhiên sẽ thành "tai họa".
Tham vọng, khát khao quá lớn, thực ra là khởi nguồn của những đau khổ. Tham vọng nội tâm và hiện thực nếu không có sự tương đồng, vậy thì niềm vui đơn giản cũng sẽ chẳng tồn tại. Tham vọng của con người là vô tận, bạn vĩnh viễn không bao giờ có thể thỏa mãn tất cả những khao khát của mình, bởi lẽ bản chất của nó vốn dĩ là đã là vô hạn.
Có những thứ tốt đẹp, không nhất định là phải có. Nếu hiểu được đạo lý này, bạn sẽ không bị rơi vào cái hố của tham vọng.
Đời người luôn đơn giản hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ, và nhiều hơn nữa là những đạo lý rất bình thường, nhưng số người làm được lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, người kiên trì được lại càng hiếm hoi hơn.
Nội tâm không kiên định sẽ rất dễ bị lung lay bởi tham vọng. Giảm bớt những tạp niệm trong lòng, để tâm hồn thực sự lắng lại, nghỉ ngơi một chút, thoát ra khỏi biển tham vọng, rồi tập trung đi làm những việc có ý nghĩa hơn.
Có như vậy, bạn mới có được niềm vui thực sự.
Báo Dân sinh