MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm tư của chủ kinh doanh dịch vụ nha khoa phải tạm đóng cửa: Áp lực về dòng tiền đang rất lớn, nhưng khó khăn sau dịch còn lớn hơn và cần chuẩn bị ngay từ hôm nay!

11-04-2020 - 19:46 PM | Doanh nghiệp

"Thắt chặt chi tiêu, chỉ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu, chi tiêu cho những bên có chi phí cạnh tranh hơn sẽ là bài toán cho chúng tôi cần giải quyết được sau một đợt khó khăn như thế này", doanh nhân này cho biết.

Đại dịch Covid-19 đã kéo dài 3 tháng, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch đến tình hình kinh doanh hiện tại, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhanh với một số doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Bài viết này được ghi nhận ý kiến từ anh Đỗ Thành Huy, CEO chuỗi nha khoa Smile Care.

"Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như chúng tôi, đặc biệt trong thời gian cách ly xã hội phải đóng cửa hoàn toàn trong 2 tuần và hoàn toàn không có doanh thu. Nếu 1 tháng tới tiếp tục tình trạng này, dòng tiền sẽ là một áp lực rất lớn", anh Đỗ Thành Huy, CEO chuỗi nha khoa Smile Care cho biết.

Theo anh Huy, ảnh hưởng của dịch tới các doanh nghiệp dịch vụ sẽ không chỉ giới hạn trong thời gian cách ly xã hội, mà sẽ phải kéo dài hàng tháng trời cho tới khi dịch kết thúc, có thể vài tuần sau khi hết dịch khách hàng mới có thể yên tâm đi làm dịch vụ trở lại.

"Với ngành dịch vụ, tôi dự đoán sẽ có 2 kịch bản ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền, là ảnh hưởng 3 tháng và ảnh hưởng 6 tháng. Còn ảnh hưởng gián tiếp từ khách hàng do họ cũng sẽ khó khăn hơn nên hạn chế chi tiêu, chọn các giải pháp cạnh tranh về giá, thì có lẽ phải tính hằng năm", anh Huy nhận định.

Anh Huy cũng cho rằng, doanh nghiệp ngoài những lo lắng về dòng tiền hiện tại, thì bài toán sau dịch còn khó khăn hơn và cần bắt đầu chuẩn bị ngay từ hôm nay. Lúc này, các doanh nghiệp không đơn thuần nhìn nhận đại dịch sẽ là thời cơ hay cơ hội để tận dụng thay đổi nữa, mà ban lãnh đạo bắt buộc phải thay đổi, để chuẩn bị cho tình hình kinh tế khó khăn hơn sau dịch.

"Có thể khách hàng sẽ thay đổi hành vi và thắt chặt chi tiêu hơn, nếu nền kinh tế trở nên khó khăn. Khách hàng có thể sẽ mong muốn các sản phẩm an toàn hơn sau mùa dịch bệnh. Họ cũng sẽ mong muốn các sản phẩm có nhiều giá trị hơn, có nhiều động lực mua hàng hơn. Vì sau một thời gian dài cách ly không sử dụng dịch vụ, thì chỉ có những giá trị mới hấp dẫn hơn mới là động lực để khách hàng hành động quay lại với chúng ta.

Thắt chặt chi tiêu, chỉ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu, chi tiêu cho những bên có chi phí cạnh tranh hơn sẽ là bài toán cho mình cần giải quyết được sau một đợt khó khăn như thế này", anh Huy chỉ ra bài toán cần giải quyết đối với doanh nghiệp mình.

Vậy lời giải cho bài toán của doanh nghiệp này là gì?

Từ thực tiễn doanh nghiệp và bản thân, anh Huy cho rằng đợt khủng hoảng này chính là thách thức khiến các doanh nghiệp phải tái cơ cấu mạnh mẽ để có cấu trúc chi phí, chuỗi giá trị dịch vụ hợp lí hơn, đặc biệt là khả năng khôi phục và vực dậy sau khi dịch đi qua.

Doanh nhân này cũng chia sẻ các biện pháp đang áp dụng đồng bộ đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại như sau:

- Tối ưu lại hệ thống thông tin của doanh nghiệp thật rõ ràng, tối ưu hơn.

- Tối ưu lại hệ thống giao việc & hướng tới mục tiêu rõ ràng hơn.

- Tối ưu lại hệ thống quy trình làm việc chi tiết hơn.

- Tối ưu lại hệ thống quy chế & nguyên tắc làm việc cho cả online & offline.

- Tối ưu lại hệ thống tuyển dụng, đảm bảo nguồn lực & quy trình hội nhập nhanh hơn.

"Chúng tôi có khá nhiều việc cần làm để đón đầu những bài toán khó khăn trong thời gian sắp tới. Theo tôi khó khăn hôm nay đã rất nhiều, nhưng nếu không chuẩn bị tối ưu sớm thì khó khăn trong tương lai sẽ còn nhiều hơn ngày hôm nay", anh Huy cho biết.

Tuy nhiên, trong nguy còn có cơ, theo doanh nhân này, đại dịch là một sự kiện không có chuẩn bị trước nhưng lại là đợt thử nghiệm làm việc từ xa có ý nghĩa trong tương lai. Giai đoạn này ngẫu nhiên lại mở ra nhiều nguồn lực làm việc mới cho doanh nghiệp. Lúc này, ai cũng phải sử dụng hệ thống số hóa cho doanh nghiệp, nhờ vậy tiết kiệm thời gian quản trị sự thay đổi cho chuyển đổi số.

Ngoài ra, thời điểm này cũng là lúc mỗi người tập luyện nâng cao kỉ luật làm việc, đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình kinh doanh và đưa ra sản phẩm dịch vụ mới tốt hơn trong tương lai.

"Hãy tập trung giải bài toán khó khăn sau đợt dịch này từ hôm nay, vì nếu không, khó khăn sau đợt này còn lớn hơn những gì đang xảy ra hôm nay nhiều", anh Huy kết luận.

Tâm tư của chủ kinh doanh dịch vụ nha khoa phải tạm đóng cửa: Áp lực về dòng tiền đang rất lớn, nhưng khó khăn sau dịch còn lớn hơn và cần chuẩn bị ngay từ hôm nay! - Ảnh 1.

Theo Kiều Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên