MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tân binh trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất

17-12-2021 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Tân binh trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất

Danh sách 50 Công ty niêm yết tốt nhất lần thứ 9 của Forbes Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Tổng lợi nhuận sau thuế các công ty trong danh sách đạt 174.510 tỉ đồng, tăng 25,8% so với danh sách công bố năm trước.

Trong danh sách này có 8 doanh nghiệp quay lại danh sách và 11 công ty lần đầu có mặt.

11 doanh nghiệp lần đầu được Forbes bình chọn thuộc đa dạng các nhóm ngành: Hàng tiêu dùng, ngân hàng, hóa chất, nguyên vật liệu, xây dựng, nhưng nổi bật nhất phải kể đến bất động sản, khi có đến 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, "tân binh" trong lĩnh vực bất động sản là 5, bởi dù được Forbes xếp vào nhóm doanh nghiệp xây dựng, nhưng thực chất Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (HoSE: VCG) sau 3 năm tái cơ cấu là doanh nghiệp hoạt động đa ngành với 3 trụ cột chính: Xây dựng, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính, đặc biệt doanh nghiệp này đang mạnh tay rót hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực bất động sản. Dù là "tân binh" lần đầu được Forbes gọi tên, nhưng Vinaconex có tuổi đời đã hơn 30 năm, là một doanh nghiệp nhà nước có thương hiệu trước đây.

Tân binh trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất - Ảnh 1.

11 công ty lần đầu lọt vào Top 50 công ty niêm yết của Forbes

Giá trị lớn từ hệ sinh thái xây dựng – bất động sản – đầu tư tài chính

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2018, thị trường đã chứng kiến một phiên đấu giá cổ phần trực tuyến thành công ngoài mong đợi của Vinaconex. SCIC đã bán thành công 254,9 triệu cổ phiếu với giá cao bất ngờ 28.900 đồng/cổ phần, cao hơn so với giá khởi điểm 35,6% và cao hơn giá thị trường 56%. Tổng giá trị cổ phần bán được là 7.367 tỷ đồng. Giá đóng cửa của cổ phiếu VCG cùng ngày 22/11/2018 chỉ ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu.

Hơn 3 năm sau, trong phiên giao dịch ngày 1/12/2021, cổ phiếu VCG đã thiết lập mức đỉnh lịch sử 53.000 đồng/cp, tức là gấp gần 3 lần so với giá đóng của VCG tại thời điểm đấu giá.

Như đã nói ở trên, sau 3 năm tái cấu trúc, xác định rõ chiến lược hoạt động với 3 mũi nhọn là xây dựng, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính, Vinaconex đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái mang lại giá trị lớn, bổ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đơn cử Vinaconex không chỉ là nhà thầu thi công với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp, doanh nghiệp này được đánh giá là "chịu chi", với định hướng phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn. Mới đây, dự án cảng quốc tế Vạn Ninh (Quảng Ninh) với quy mô vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1 đã được Vinaconex và các đối tác khởi công. Ở dự án này, Vinaconex góp 40% vốn và cũng chính Vinaconex đảm nhận vai trò "tổng thầu thi công"

Dự án Cát Bà – Amatina, còn được gọi là "siêu dự án" - tâm điểm của giới đầu tư bất động sản cũng đang được thi công xây dựng bởi tổng thầu Vinaconex. Đáng chú ý, chủ đầu tư của dự án này là Vinaconex – ITC (Upcom: VCR) mới đây đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc Vinaconex nâng tỷ lệ nắm giữ lên trên 51% mà không cần chào mua công khai. Như vậy, Vinaconex cũng sắp rót hàng nghìn tỷ đồng để nắm lại quyền kiểm soát Vinaconex – ITC cùng "siêu dự án" mà nhà phát triển bất động sản nào cũng muốn sở hữu.

Lãnh đạo Vinaconex đã từng chia sẻ một số dự án có thể đem lại doanh thu ngay trong thời gian tới như Khu dân cư đô thị tại Km3 - Km4 ở Móng Cái (Quảng Ninh), khu du lịch Phú Yên – Quảng Nam, hay tại Hà Nội có khu tổ hợp cao cấp 93 Láng Hạ, khu đô thị Kim Văn Kim Lũ…

Trong quá khứ, Vinaconex cũng đã có kinh nghiệm đầu tư và xây dựng một số dự án bất động sản lớn như Khu Đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính (2003-2006) với tổng diện tích đất trên 30 ha, tổng mức đầu tư 273,624 tỷ đồng và là khu dân cư hoàn chỉnh cho khoảng 15.000 người hay dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh giai đoạn 1 (2006-2018) có diện tích là 264,13 ha tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội….

Năng lực thi công xây dựng và kinh nghiệm đầu tư thực hiện nhiều dự án bất động sản lớn là bảo chứng cho Vinaconex sớm đưa quỹ đất hơn 2.000 ha tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên… đã tích lũy được để đưa vào khai thác, triển khai.

Trong chiến lược dài hạn của mình, VCG đặt mục tiêu nâng quỹ đất lên 5.000 ha, tham vọng nhưng thể hiện quyết tâm khẳng định vị thế nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản.

Lĩnh vực đầu tư tài chính cũng giúp Vinaconex liên tục và linh hoạt tái cấu trúc, chủ động các khoản tài chính phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh, khi doanh nghiệp này đang nắm giữ nhóm Công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, ổn định như: Năng lượng, nước sạch, giáo dục, xuất khẩu lao động. Có thể kể đến một số tài sản có giá trị mà Vinaconex sở hữu thông qua góp vốn như nhà máy thủy điện Ngòi Phát, Lào Cai với công ty NEDI2 – tổng công suất 84MW, nhà máy thủy điện Đăk Ba, Quảng Ngãi – công suất 30MW, hệ thống trường học Lý Thái Tổ với 4.000 học sinh do Vinaconex đầu tư xây dựng trên diện tích 2,4 ha đất tại khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Công ty CP Viwaco và Dung Quất với tổng sản lượng bán lẻ 200.000m3/ngày đêm…

Tân binh trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất - Ảnh 2.

Vinaconex lần đầu lọt vào danh sách TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes

Đón đầu cơ hội từ gói kích thích kinh tế

Gói kích thích kinh tế quy mô lớn đang kỳ vọng là lực đẩy cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong bối cảnh tác động từ dịch COVID-19 vẫn chưa suy giảm.

Trong gói kích thích quy mô ước tính lên tới gần 800.000 tỷ đồng sắp được ban hành, một tỷ lệ lớn được dành cho đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng. Giới chuyên gia đánh giá đây là chính sách khôn ngoan bởi một phần gỡ bỏ nút thắt cổ chai của nền kinh tế bấy lâu nay, một phần thúc đẩy hàng loạt ngành phát triển như bất động sản, vật liệu xây dựng, thi công, xây lắp…Dòng tiền thông minh đã ngay lập tức tìm đến những cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, xây lắp, đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp có tài sản lớn.

Đây được nhìn nhận là một "cơ hội" với Vinaconex khi doanh nghiệp này truyền thống "có tiếng" trong lĩnh vực xây lắp tại Việt Nam. Vinaconex có lợi thế vừa là nhà thầu vừa là đơn vị trực tiếp thi công, năng lực được khẳng định thông qua danh sách các dự án đang tham gia thi công như các gói thầu lớn nhất của Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, dự án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện K cơ sở I, II, một số gói thầu của các dự án sân bay Phú Bài, sân bay Long Thành, sân bay Đà Nẵng...Cho đến nay, các gói thầu xây lắp mà doanh nghiệp đã ký kết có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.

Với sự thay đổi đến từ cơ cấu cổ đông, mang theo tư duy quản trị và điều hành mới mẻ theo hướng hiện đại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để tối ưu năng suất, Vinaconex đã tập trung phương thức quản lý hiệu quả và chất lượng hơn. Nếu như năm 2019, Công ty thực hiện chủ yếu là mô hình Tổng thầu, nhà thầu quản lý, thì từ năm 2020 Tổng công ty đã kết hợp thi công trực tiếp nên quản lý chi phí tốt hơn

Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết Vinaconex liên tục nâng cao chất lượng nhân sự, đẩy mạnh tiến độ và chất lượng thi công, kiểm soát chi phí chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm hơn thông qua việc kiểm soát Phương án kinh tế, tối ưu chi phí quản lý, chi phí gián tiếp.

Quay lại với các tiêu chí bình chọn chặt chẽ và đánh giá qua nhiều bước của Forbes, 50 doanh công ty niêm yết tốt nhất trên sàn chứng khoán này phần lớn đã xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường, không chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình mà trong cả nền kinh tế. Forbes nhận định đặt trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng bị suy giảm sức mua, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối công ty dẫn đầu phần nào thể hiện khả năng chống chịu, xoay trở của các doanh nghiệp Việt Nam

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên