MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tân Chủ tịch PVN: Đại án là sự răn đe, cảnh tỉnh

Sau gần 1 tháng ngồi “ghế nóng”, tân Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh lần đầu tiên nói về đại án ngành dầu khí đang được cơ quan chức năng xét xử và hướng đi của mình để tập đoàn vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngày 12/1, PVN tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. 8h sáng khai mạc, hội trường Viện Dầu khí Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) kín ghế ngồi. Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cùng Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn chủ trì.

 Không xử đại án, PVN mất mát hơn

Ngay khi bắt đầu, ông Thanh quán triệt: “Bối cảnh tập đoàn ai cũng biết rồi, kết quả hoạt động, mục tiêu năm 2018 của từng đơn vị đã in trong tài liệu nên lãnh đạo đơn vị báo cáo trực diện vấn đề, không đọc lại. Điều tôi muốn là mọi người phát biểu đánh giá bài học kinh nghiệm, nhận diện khó khăn của đơn vị và đưa ra giải pháp ứng phó với khó khăn, biến động trong ngắn hạn, trung hạn”.

Là người phát biểu đầu tiên, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm nêu khó khăn về nguồn kinh phí thăm dò khai thác dầu khí. Theo vị này, trước đây, kinh phí cho thăm dò khai thác dầu khí khoảng 2-2,5 tỷ USD, với 30-40 giếng khoan thăm dò. Từ năm 2014 đến nay, tiền đầu tư giảm 5 lần. Thậm chí năm 2017, toàn tập đoàn chỉ thăm dò trữ lượng khoảng 4 triệu tấn quy dầu. Đặc biệt, Vietsovpetro cho biết, mỏ Bạch Hổ chỉ còn khoảng 10 triệu tấn dầu, khai thác trong vòng 4-5 năm tới cạn kiệt trong khi nguồn thăm dò khai thác mới chưa có. Ngoài khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đại diện các đơn vị  đều chung tâm tư thời gian qua bị ảnh hưởng bởi các vụ án đang xét xử với một số cán bộ và cựu cán bộ PVN.

Sau khi trao đổi về phương hướng trong năm 2018, ông Trần Sỹ Thanh đã có những lời tâm sự. “Cho phép tôi nói thật cảm nhận của mình. Khi vui, trên đà thắng lợi thì rất dễ nhưng trong lúc khó khăn, hoạn nạn, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bộ ngành đến dự hội nghị đông đủ là sự cổ vũ động viên tinh thần lớn với chúng tôi. Tôi xin cảm ơn sâu sắc Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành đến dự buổi tổng kết rất đặc biệt của ngành dầu khí, bởi “vạn người quen có mấy người thân, đến khi lìa trần có mấy người đưa”, ông Thanh nói.

Về trách nhiệm khi ngồi “ghế nóng” Chủ tịch HĐTV PVN, ông Thanh bộc bạch: “Với cá nhân tôi, hiểu biết ngành dầu khí nói chung và con người dầu khí nói riêng vô cùng mới mẻ, như gái mới về nhà chồng, tục chưa biết, lệ chưa quen và gia phong chưa biết gì. Dù gặp khó khăn nhưng tôi hứa sẽ sớm hoà nhập, hòa nhịp và giữ nhịp để nhanh chóng tạo đà, lấy đà tăng tốc nhanh nhất có thể”.

Nói về những sai phạm của một số cá nhân gây ảnh hưởng đến tiềm lực, uy tín của tập đoàn, ông Thanh cho rằng, mất tiền dù xót nhưng mất niềm tin mới vô cùng nguy hại. “Tham luận của các đơn vị thành viên đều nêu việc cán bộ công nhân viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng về niềm tin. Ngay trong nội bộ cán bộ tập đoàn, không phải chúng tôi không tin nhau, mà là giữ mình. Để 10 năm sau, từng cá nhân không bị hỏi về những dấu chấm, dấu hỏi thì phải cẩn trọng từ bây giờ. Trong khi, làm kinh tế mà soi nhau từng dấu chấm, dấu phẩy thì làm sao được?”, ông Thanh nói.

Theo người đứng đầu PVN, trong quá trình xây dựng theo mô hình tập đoàn kinh tế công nghiệp, thương mại, tài chính giai đoạn 2006 – 2010, PVN xảy ra tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ thất thoát. Nhiều vấn đề tồn tại đến nay và đang được cơ quan pháp luật giải quyết.

“Dù tâm trạng cán bộ, người lao động dầu khí bị ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng: không có sự răn đe, cảnh tỉnh vừa rồi mà cứ để  trôi đi theo một thời gian nữa, không biết ngành dầu khí (cũng như các tập đoàn khác đang được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước) sẽ đi đến đâu. Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo thực sự để tự răn đe và điều chỉnh mình”, ông Thanh nói.

Tân Chủ tịch PVN: Đại án là sự răn đe, cảnh tỉnh - Ảnh 1.

Giàn khoan ngoài khơi của PetroVietNam. Ảnh: Bảo Sơn.

Quyết tâm xốc lại

Cũng trong hội nghị, ông Thanh đã nêu quyết tâm và giải pháp để xốc lại ngành dầu khí, vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc đầu tiên, người đứng đầu PVN thực hiện là xốc lại hệ thống quản trị cả về tư tưởng và văn hoá ngành. “PVN là tập đoàn nhà nước đầu tiên xây dựng được văn hoá ngành dầu khí nhưng kinh tế thị trường đã làm nét văn hoá này phai nhạt, méo mó. Chúng ta phải rà soát, chấn chỉnh và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành. Đồng thời, xốc lại đội ngũ cán bộ, hệ thống đầu tư và tài chính”, ông Thanh nói.

Tân Chủ tịch PVN chỉ ra, trong bối cảnh thời gian ít, tiền ít, người ít, tinh thần thận trọng hơn thì PVN sẽ chọn việc để làm chứ không dàn trải. Thậm chí việc Chính phủ giao mà PVN cảm thấy không phù hợp và làm không tốt  bằng người khác, thậm chí gây mất mát tiếp thì xin dừng. “Chúng ta không sợ việc mà cân nhắc một cách toàn diện. Đây là cách phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng khẳng định thêm, 2 nhiệm vụ trên sẽ làm song song trên nền tảng định hướng rõ ràng tương lai của ngành dầu khí. Để thực hiện được các giải pháp đã đề ra, toàn bộ lãnh đạo ngành dầu khí và người lao động dầu khí phải đoàn kết.

“Quan trọng là đoàn kết. Cốt lõi là đoàn kết trong ban lãnh đạo, trong các đơn vị. Như trong cuộc họp hôm qua, tôi vẫn nói, tôi với ông Sơn (Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn– PV) mà lườm nhau hoặc trong HĐTV và ban điều hành lườm lẫn nhau thì nát, hệ thống phân rã ngay”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng chỉ ra câu chuyện quyết định đầu tư của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để minh chứng cho bản lĩnh của lãnh đạo PVN trong giai đoạn hiện nay. “Như dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, nếu dừng dự án thì mất toàn bộ tiền đầu tư hàng nghìn tỷ  đồng. Dừng dự án mất hết tiền hay tiếp tục đầu tư để dự án hoạt động có hiệu quả là quyết sách vô cùng đau đầu, đòi hỏi bản lĩnh của người dầu khí trong giai đoạn hiện nay. Tôi mong rằng, tất cả những cán bộ trong PVN có bản lĩnh để quyết định và chắc chắn Đảng, Chính phủ và nhân dân không bỏ rơi và làm khó những người làm dầu khí chân chính”, ông Thanh nói.

"Dù tâm trạng cán bộ, người lao động dầu khí bị ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng: không có sự răn đe, cảnh tỉnh vừa rồi mà cứ để trôi đi theo một thời gian nữa, không biết ngành dầu khí sẽ đi đến đâu. Đây là tiếng chuông cảnh báo thực sự để tự răn đe và điều chỉnh mình".

Ông Trần Sỹ Thanh

Người lao động Nhiệt điện Thái Bình 2: Khủng hoảng cả về vật chất và tinh thần

Là một trong những dự án xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến các vụ án ngành dầu khí đang xét xử, đại diện Ban quản lý điện lực Thái Bình 2 đã chia sẻ tâm tư.

Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành dầu khí, ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng ban QLĐL Thái Bình 2 cho biết: dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, PVN, ban quản lý dự án đã lắp đặt trên 75% thiết bị siêu trường siêu trọng, với khối lượng khoảng 100.000 tấn.

"Chúng tôi cố gắng nỗ lực đoàn kết để xử lý hậu quả do quá khứ và khó khăn phát sinh ở hiện tại. Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án liên quan đến sai phạm ở dự án, các nhà đầu tư đã dừng cung cấp vốn", ông Hưởng cho biết.

Ông Hưởng nói , người lao động mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành và PVN để năm 2018 có thể vượt qua khó khăn. "Dù sai phạm của dự án thuộc quá khứ nhưng là nỗi đau, mất mát, trả giá mà người dầu khí đang phải chịu đựng và cố gắng vượt qua, để hướng tới tương lai", ông Hưởng chia sẻ.

Linh Ngọc

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên