Tân Chủ tịch Vinaconex: Từ kỳ vọng 'thắp sáng đèn mỗi ô cửa sổ tại Ecopark' đến 'đưa Vinaconex vào top 3 DN xây dựng lớn nhất VN'
Doanh nhân Đào Ngọc Thanh, CEO của Ecopark vừa trở thành người đứng đầu tại Vinaconex thay thế cho đại diện của SCIC.
- 09-01-2019Thế cục tại Vinaconex trước thềm đại hội: Có 'bóng dáng' của tỷ phú Vietjet?
- 08-01-2019Chủ tịch Vinaconex: Sợ sẽ không hòa hợp được giữa các nhà đầu tư sau đấu giá
- 06-01-2019Lộ diện đơn vị chi 2.000 tỷ mua lô 21% cổ phần Vinaconex từ Viettel
Ngày 11/1, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường 2018, bầu thành viên HĐQT và BKS mới.
Tân Chủ tịch HĐQT được bổ nhiệm là ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Vihajico), chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecopark.
Tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh.
Chia sẻ tại ĐHCĐ, ông Đào Ngọc Thanh ví cuộc đời mình gần như đã sống và gắn bó với 2 chữ "xây dựng". Tân Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh sinh ngày 30/12/1946 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ông là sinh viên trường Đại học Xây dựng từ năm 1966 và trở thành giảng viên từ năm 1971. Trong suốt hơn 30 năm trên bục giảng, ông thường tư vấn cho nhiều dự án xây dựng.
Năm 2003, nhận lời mời của ông Lương Xuân Hà, Chủ tịch Vihajico, ông Thanh quyết định nghỉ công việc giảng dạy, để toàn tâm thực hiện dự án riêng của 2 người. Đó cũng chính là sự bắt đầu cho dự án Ecopark – Khu đô thị sinh thái phía Đông Hà Nội.
Ý tưởng của dự án được hình thành khi ông Hà cùng ông Giang đi trên con đường từ sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) về thành phố. Hai bên đường là cây xanh, ở giữa là một dải hoa, điều này đã khiến những người lãnh đạo của Ecopark tìm thấy định hình của một khu đô thị xanh. Cái tên Ecopark cũng được chọn vì đại diện Ecology - sinh thái, và Economy - kinh tế, 2 yếu tố theo ông Thanh luôn gắn bó mật thiết tại dự án.
Ecopark có tổng diện tích 500ha tại tỉnh Hưng Yên, trong đó 104 ha dành cho không gian cây xanh và nước. Tổng vốn đầu tư theo công bố là 800 triệu USD do Vihajico độc quyền phát triển. Và doanh nghiệp này cũng chỉ thực hiện duy nhất 1 dự án Ecopark. Sau hơn 15 năm từ khi được phê duyệt, Ecopark đã trở thành khu đô thị xanh, đặc trưng tại phía Đông Hà Nội và tạo được dấu ấn riêng giữa thị trường bất động sản Việt Nam.
Người dân của Ecopark ngày càng đông, đúng như những gì mà ông Thanh hướng đến khi đặt tâm huyết vào dự án, “mong muốn mỗi ô cửa sổ của Ecopark đều sáng đèn khi đêm về.”
Phối cảnh dự án Ecopark. Nguồn Ecopark
Không chỉ được biết đến trên thị trường bất động sản là CEO của Ecopark, ông Thanh góp mặt trong HĐQT của 2 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là Tập đoàn Cotana (HNX: CSC) với vai trò Chủ tịch và CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) đảm nhiệm vị trí ủy viên. Đây đều là 2 doanh nghiệp có những dự án bất động sản lớn trên thị trường.
Cotana Group được thành lập từ năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Thành Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Đến nay công ty đã trở thành một tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng với 20 công ty con, công ty thành viên và liên kết khác hợp tác làm nhiều dự án trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó, Cotana Group đóng vai trò là công ty mẹ.
Một số dự án được Cotana triển khai có thể kể tới như khu đô thị Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Văn Quán, Việt Hưng… Các dự án của doanh nghiệp rất đa dạng và ở nhiều quy mô, bao gồm từ các dự án dân dụng như biệt thự, nhà cao tầng đến khách sạn, trung tâm thương mại và các khu đô thị mới...
Cotana đã đầu tư vào dự án Ecogarden 43 ha, nằm trong khu đô thị An Vân Dương, thành phố Huế với tổng diện tích khoảng 1.400 ha. Đồng thời, công ty tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực đầu tư và sản xuất các vật liệu xây dựng, nội thất.
Doanh nghiệp này cũng là cổ đông sáng lập của CTCP đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico), chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Ecopark.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn Cotana ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt 243,3 tỷ đồng và 115 tỷ đồng, tăng 53% và 74% so với cùng kỳ 2017. Tổng tài sản đến cuối quý III ở mức 701,8 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 86%, chủ yếu là phải thu ngắn hạn chiếm hơn 246 tỷ đồng và tiền, tương đương tiền 160 tỷ đồng. Doanh nghiệp vay nợ 20 tỷ đồng.
Với CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API), dù không tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường chứng khoán nhưng doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn tại Bắc Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên Huế với thương hiệu Royal Park… đơn cử như Royal Park Bắc Ninh, Royal Park Huế (tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng), Royal Park Thái Nguyên (mức đầu tư gần 136 tỷ đồng).
Mục tiêu đưa Vinaconex thành top 3 công ty xây dựng Việt Nam
Tại ĐHCĐ của Vinaconex, Nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Chi đã tiết lộ, mục tiêu của nhóm nhà đầu tư mới tham gia vào Vinaconex là sẽ đưa doanh nghiệp trở thành top 3 công ty xây dựng của Việt Nam.
Nói về định hướng này, Tân Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh chia sẻ, nhóm cổ đông An Quý Hưng là những người làm trong ngành xây dựng, tập hợp nhau lại để làm một điều gì đó để giữ lại thương hiệu Vinaconex. Tham vọng vào top 3 công ty xây dựng của Việt Nam đã được nhóm cổ đông suy nghĩ rất thấu đáo. Đây không phải là mục tiêu của riêng An Quý Hưng mà của rất nhiều người.
Trong giai đoạn trước, có lẽ vì cơ chế hoặc bởi một thời gian dài, Vinaconex say mê về những câu chuyện khác nên đã bỏ quên đi việc tạo dựng một thương hiệu ở trên nóc của các công trình, trên cổng các công trường khắp Việt Nam.
"Chúng ta không có một thương hiệu gì về xây lắp, điều này là vô lý và khiến chúng ta phải suy nghĩ", ông Thanh nhấn mạnh.
Trong tương lai, ông Thanh nung nấu mong muốn đưa thương hiệu Vinaconex lên trên nóc các tòa nhà lớn, tại khắp những công trình trong nước. Mục tiêu sau đó đưa Vinaconex trở thành doanh nghiệp top 3 sẽ không phải là "câu cửa miệng" mà phải thực hiện với một tinh thần nghiêm túc.
“Không có gì mà chúng ta không làm được như Cotecons”, Tân Chủ tịch khẳng định.
Với tham vọng xa hơn, ông Thanh nhấn mạnh rằng, Vinaconex là một thương hiệu, một tên tuổi, không chỉ xây lắp mà đa ngành nghề. "Nếu chúng ta chỉ dừng lại với việc tạo dựng thương hiệu xây lắp trên nóc các tòa nhà thì chúng ta đã quên đi một nửa giang sơn, một nửa gánh nặng trách nhiệm của những người muốn xây dựng Vinaconex", ông Thanh chia sẻ.
Vinaconex sẽ phải là nhà đầu tư, những nhà phát triển bất động sản, những khu đô thị lớn, phải ra được những khu công nghiệp kiểu mẫu mà thế giới phải thừa nhận, đáp ứng được môi trường cảnh quan, tạo ra môi trường sống đích thực của người Việt Nam. Phải đa dịch vụ, nhưng phải chọn những gì gần gũi, xác thực, đúng với Vinaconex.
Với sự “lột xác” hoàn toàn từ cơ cấu cổ đông đến HĐQT, BKS và bộ máy lãnh đạo, Vinaconex được kỳ vọng sẽ có một tương lai mới, thực sự chuyển mình tạo nên dấu ấn trên thị trường.
Người đồng hành