MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tận dụng EVFTA mở rộng cơ hội xuất khẩu sang EU

Trong 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - EU đã đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Trong 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - EU đã đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Các giải pháp để tiếp tục mở rộng quy mô xuất khẩu sang EU đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị tổng kết sau 2 năm thực thi EVFTA.

Sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực như: dệt may tăng 24%, thủy sản tăng đến 41% hay giày dép tăng 19%. Tuy nhiên để tiếp tục mở rộng quy mô xuất khẩu sang thị trường còn nhiều dư địa này, các giải pháp và những chính sách xuất nhập khẩu có tính cập nhật đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị tổng kết sau 2 năm thực thi EVFTA.

Theo Bộ Công Thương, riêng trong 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - EU đã đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn còn khó khăn với việc định vị thương hiệu và xây dựng một kế hoạch cung ứng ổn định chất lượng tốt theo chuẩn đặt ra của nước nhập khẩu.

"Chúng ta phối hợp với các hiệp hội, các cơ quan ở trung ương và địa phương tạo một hệ kết nối sinh thái. Chúng tôi cũng kỳ vọng tập trung vào các mặt hàng có thế mạnh ở mỗi tỉnh để từ đó tạo một hệ sinh thái bao gồm các cơ quan quản lý, cơ quan liên quan đến xuất khẩu, doanh nghiệp, hiệp hội, tạo hệ sinh thái cho từng mặt hàng", ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết.

Tập đoàn Lộc Trời đang xuất khẩu gạo sang 12 quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU), năm 2020 sản lượng được 11.000 tấn, nhưng sau 2 năm EVFTA có hiệu lực, con số này đã tăng gấp đôi.

"Chúng tôi đã có gạo mang thương hiệu riêng xuất khẩu vào Pháp. Sắp tới chúng tôi có kế hoạch mở rộng xuất khẩu thêm sang khu vực Bắc Âu, các nước như Thụy Điển", ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ.

Còn Công ty Thực phẩm Phú Gia Food, mặc dù đã lên kế hoạch và đầu tư dây chuyền chế biến thịt gà 3 năm nay, với kỳ vọng xuất khẩu sang châu Âu, nhưng vẫn còn gặp rào cản.

"Chúng tôi đã liên kết với một số tập đoàn chuyên về dinh dưỡng và thực phẩm của châu Âu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số thủ tục còn vướng mắc như các hiệp định thú y song phương giữa hai nước", ông Phạm Tuấn Khải, Giám đốc Công ty Thực phẩm Phú Gia Food, cho hay.

Thời gian tới Bộ Công Thương cho biết, để doanh nghiệp chủ động nâng cao sức cạnh tranh, Bộ sẽ có thêm cổng thông tin FTA để doanh nghiệp có thể chủ động tìm hiểu thị trường mình định xuất khẩu và những ưu đãi, bên cạnh đó phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại châu Âu để được hỗ trợ đàm phán, nhằm nâng cao vị thế xuất khẩu bền vững cho hàng hóa Việt với thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.

Theo Hải Vân

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên