MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tân Hoàng Minh bỏ cọc "đất vàng", liệu các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại có bị ảnh hưởng tâm lý?

12-01-2022 - 08:06 AM | Bất động sản

Tân Hoàng Minh bỏ cọc "đất vàng", liệu các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại có bị ảnh hưởng tâm lý?

Thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc gây chấn động thị trường, tạo nên luồng ý kiến trong giới doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS. Câu hỏi đặt ra, liệu các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại sẽ lưỡng lự việc tiếp tục nộp tiền hay huỷ kết quả như Tân Hoàng Minh?

Chiều ngày 11/1, đại diện Tân Hoàng Minh xác nhận đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.

"Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khi đô thị Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công", Chủ tịch Tân Hoàng Minh nêu trong tâm thư.

Thông tin này ngay lập tức gây chấn động thị trường, tạo nên luồng ý kiến trong giới doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS. Câu hỏi đặt ra, liệu các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại sẽ lưỡng lự việc tiếp tục nộp tiền hay hủy kết quả như Tân Hoàng Minh?

Trước đó, trong phiên đấu giá ngày 10/12 tại Tp.HCM Công ty TNHH Đầu tư Ngôi Sao Việt thuộc Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất 3-12 diện tích 10.060 m2, giá 24.500 tỷ đồng (tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2). Đây là mức giá chưa từng có tiền lệ trên thị trường BĐS. Số tiền mà Tân Hoàng Minh đặt cọc là 588 tỷ đồng. Như vậy, với việc chấm dứt hợp đồng mua bán, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này mất đi gần 600 tỉ tiền cọc đấu giá.

Ngay sau thông tin gây chấn động này, nhiều người trong ngành đã bày tỏ quan điểm của mình. Theo một chuyên gia trong ngành, vụ đấu giá đạt đỉnh đất Thủ Thiêm đã đi đến hồi kết bằng tâm thư xin lỗi từ chối một lần nữa dấy lên sự nghi ngại về tính xác thực và nghiêm túc của các vụ đấu giá.

Rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra và bài toán bất khả thi trong kinh doanh đã được minh chứng bằng các số liệu. Tuy nhiên không ít sự kỳ vọng vẫn được đặt ra sẽ có hồi kết đẹp cho cuộc đấu giá này khi Tân Hoàng Minh sẽ chứng minh được điều mà khó ai có thể làm được với mảnh đất được mua với giá đỉnh này.

"Việc từ chối tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán lô đất trúng đấu giá cho thấy sự chưa sẵn sàng của đơn vị tham gia đấu giá. Đây không phải là cuộc chơi để có thể tham gia hay bỏ cuộc tùy hứng mà đó là thương hiệu và trách nhiệm thực hiện cam kết một cách nghiêm túc", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất vàng, liệu các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại có bị ảnh hưởng tâm lý? - Ảnh 1.

Ông Chủ Tân Hoàng Minh đã có xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm sau một tháng đấu giá thành công

Theo vị này, có lẽ cần sự rà soát và ràng buộc chặt chẽ hơn trong các quy định về đấu giá để đảm bảo tính khả thi và phù hợp của việc đấu giá đất khi mà sự ảnh hưởng của nó không mang tính riêng lẻ mà có tác động đến cả khu vực xung quanh. Bài học kinh nghiệm này cần được rút ra cho những lần đấu giá tiếp theo khi năng lực và sự cam kết thực hiện của các bên tham gia phải được chứng minh và có tính khả thi cao.

Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS bày tỏ quan điểm, với một doanh nghiệp BĐS đấu giá thành công nghĩa là họ đã tính đến phương án khả thi trong kinh doanh rồi. Thế nhưng, với giá trị lô đất quá lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải có kỹ thuật huy động vốn, ngoài vốn tự có rất linh động. Nhất là phải nộp trong thời gian ngắn sẽ gây những khó khăn nhất định.

Cùng với đó, với phiên đấu giá với mức giá hơn 2,4 tỉ đồng/m2 đã gây những ý kiến không đồng tình trên thị trường BĐS bởi e ngại việc làm giá, ảnh hưởng đến giá trị thật của BĐS. Từ đó cũng gây nên chuyện là doanh nghiệp trúng đấu giá bị các đơn vị quản lý tài chính để ý, sẽ khó huy động vốn.

Từ thông tin Tân Hoàng Minh hủy kết quả đấu giá khu đất vàng Thủ Thiêm hàng chục ngàn tỉ đồng, theo ông Quang, có thể thấy rõ hệ lụy như các doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại sẽ lưỡng lự việc tiếp tục nộp tiền hay huỷ. Nếu đấu giá lại chắc chắn giá trúng đấu giá sẽ thấp hơn 50%, từ đó dẫn đến ngân sách TP thất thu.

"Chưa kể, sau vụ này, các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính ở Tp. Thủ Đức sẽ thở phào nhẹ nhõm vì điều này; tạo tiền đề không tốt cho các cuộc đấu giá đất sau này", ông Quang nhấn mạnh.

Một chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ ý kiến xung quanh câu chuyện Tân Hoàng Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 24.500 tỉ đồng tại Thủ Thiêm. Vị chuyên này cho hay, nhiều người đã từng lo ngại vấn đề này sẽ xảy ra ngay khi có kết quả đấu giá, bởi họ không tin là Tân Hoàng Minh có thể bỏ ra số tiền chừng đó dù có khả năng tài chính hay không.

Có người thì thận trọng hơn khi cho rằng cần chờ thêm thời gian để thương vụ này hoàn thành đúng theo quy định đấu giá. Có điều không thể phủ nhận, trong suốt thời gian sau phiên đấu giá, nhiều luồng ý kiến lo ngại đã liên tục dấy lên trên thị trường địa ốc. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, phiên đấu giá là bất thường.

Theo vị chuyên gia này, dù có bất cứ giả thiết nào thì vụ đấu giá hơn 2,4 tỉ đồng/m2 đất đã gây nên những xáo trộn cho thị trường BĐS. Chẳng hạn, nếu kết quả đấu giá thực hiện được và thu về ngân sách cho nhà nước thì chắc chắn sẽ tác động đến mặt bằng giá BĐS khu vực Thủ Thiêm nói riêng, thị trường BĐS nói chung. Còn nếu thương vụ này không thành công thì vấn đề đấu giá của nhà nước có nhiều điểm cần phải xem xét lại để được chặt chẽ hơn và có chế tài nghiêm khắc hơn.

"Tuy nhiên, việc bể kèo này sẽ tác động đến thị trường BĐS thì cần thêm thời gian. Nhưng có một điều chắc chắn, nhiều người sẽ cảm thấy bớt lo lắng về việc giá nhà đất bị đẩy lên cao trong thời gian tới", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên