MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tan tành giấc mơ tỷ phú từ 'vàng đen'

03-04-2017 - 15:26 PM | Thị trường

Với Tây Nguyên, nếu cây cao su được mệnh danh là "vàng trắng" thì ngược lại, hồ tiêu nơi đây được nhiều người gọi "vàng đen", bởi hồ tiêu đã đưa không ít nông dân trở thành tỷ phú. Vậy mà giờ đây...

Vậy mà giờ đây, không ít chủ vườn từng là tỷ phú ấy, lại là con nợ khổng lồ, phải trốn khỏi địa phương, khi mà những vườn tiêu ngày một héo rũ...


Tiêu chết hàng loạt ở Chư Pưh

Tiêu chết hàng loạt ở Chư Pưh

Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) được xem là hai huyện trọng điểm hồ tiêu của Tây Nguyên, bởi ngoài diện tích thì năng suất, chất lượng hồ tiêu nơi đây luôn dẫn đầu cả nước. Vậy mà nay, "giấc mộng vàng đen" bỗng tan thành mây khói ở chính ngay thủ phủ hồ tiêu này.

Tiêu chết đồng loạt

Giữa những cơn nắng gắt của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi lại về thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh. Nếu trước kia, nơi đây là bát ngát những vườn hồ tiêu với ngằn ngặt xanh và lúc lỉu quả thì giờ đây, những vườn tiêu đổi màu xám xịt, vàng úa. Nhiều vườn tiêu đã bị chết cháy. Những dây tiêu khô đét quấn quanh thân trụ mà chỉ cần đụng khẽ ngón tay vào, dây tiêu lả tả rụng xuống những bột khô.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là nông dân Lê Ngọc Dũng (thôn Phú Bình, xã Ia B'lứ, huyện Chư Pưh). Ông Dũng là một trong những người trồng tiêu sớm nhất vùng này. Cây tiêu đã mang lại cho ông cũng như nhiều người dân nơi đây những căn biệt thự to với đầy đủ tiện nghi, thậm chí không ít người lái ô tô tiền tỷ đi thăm vườn tiêu.

Cách đây vài năm, ai đi ngang vườn tiêu của ông đều dừng lại khen cảnh vườn tiêu xanh ngắt, phủ trụ mượt mà. Vậy mà vài năm trở lại đây, vườn tiêu nhà ông bỗng xuống cấp nghiêm trọng, héo rũ và chết dần. Hết xử lý bồn, xử lý đất, rồi rải vôi, sục rễ; rồi thì ủ cá làm phân, mua bánh dầu phụng, mật đường dội vào… Chết vẫn chết!

Ông Dũng đang thuê người đào lại hố để tiếp tục dựng trụ, trồng lại gần 500 trụ tiêu đã chết. Ông nói: "Đã trót theo cây tiêu, giờ không biết làm gì khác nên theo cho đến cùng, mặc dù biết đây là "canh bạc" rủi ro nhiều hơn may mắn".

Cùng thôn Phú Bình, ông Lê Văn Láng có vườn tiêu 8 sào (1.300 trụ) trồng từ năm 2000. Đây là vườn tiêu được dân trồng tiêu nhận xét là “đẹp nhất vùng”. Vậy mà đến giữa năm 2013, vườn tiêu 1.300 trụ của ông đột ngột chết sạch. Năm 2015, ông Láng đầu tư trồng lại hơn 800 trụ tiêu. Thế nhưng đến nay, gần 800 trụ tiêu mới trồng lại tiếp tục có hiện tượng "tiêu điên".


Nông dân Lê Văn Láng bên vườn tiêu chết khô

Nông dân Lê Văn Láng bên vườn tiêu chết khô

Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, tính đến cuối năm 2016, diện tích hồ tiêu toàn huyện là 2.888ha. Từ năm 2013 đến hết tháng 2/2017, diện tích hồ tiêu chết do bệnh chết nhanh, chết chậm, già cỗi và bị hạn không thể phục hồi là trên 312ha.

Ông Láng đưa chúng tôi đi khắp vườn tiêu nhà mình: Đây là vườn tiêu 8 sào đã chết, chỉ còn trơ lại trụ với cỏ dại vượt quá đầu người; còn đây là gần 800 gốc tiêu mới trồng lại, cũng đang có hiện tượng "tiêu điên". Dáng người nhỏ thó nhưng hết sức nhanh nhẹn của ông Láng, đôi khi cũng chùng lại xót xa khi mà bao nhiêu vốn liếng dốc cả vào vườn tiêu, để rồi "giấc mơ tỷ phú" cứ ngày một dần xa.

Không riêng gì ông Dũng, ông Láng, hầu hết người trồng tiêu ở Chư Sê, Chư Pưh cũng đang bất lực nhìn những vườn tiêu chết dần chết mòn, theo đó là khoản nợ nần ngày một lên cao.

Chồng chất nợ nần

Một thời, thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh thay nhau mọc lên cơ man là những căn biệt thự kiểu Thái, nhà lầu kiểu Tây. Trong nhà là những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Rồi xe tay ga đời mới, xe ô tô tiền tỷ được người trồng tiêu ở đây "tậu" về không chút đắn đo. Vậy mà bây giờ, không ít tài sản phải bán đổ bán tháo, không ít căn biệt thự cửa đóng then cài, trong nhà là những khuôn mặt não nề với những khoản vay ngân hàng sắp đến kỳ đáo hạn...


Ảnh: Trần Đăng Lâm

Ảnh: Trần Đăng Lâm

Đi dọc tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã Ia Blứ, Ia Le, Ia Phang, thị trấn Nhơn Hòa... (huyện Chư Pưh), không khó bắt gặp nhiều vườn tiêu hai bên đường chết khô, xơ xác...

Bà Nguyễn Thị Vân (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) xây được ngôi nhà trị giá hơn 1,7 tỷ đồng là nhờ vào 4.000 trụ tiêu. Nhà vừa xây xong, cũng là lúc vườn tiêu đồng loạt trụi lá, chết trắng cả vườn. Giờ, để có tiền trả lãi ngân hàng, bà Vân buộc phải nhắm mắt nhổ dần trụ tiêu để bán.

Ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, xác nhận: Tiêu chết ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong xã. Không ít hộ dựa vào hồ tiêu để vay vốn xây nhà, giờ hóa ra vỡ nợ, có người bán nhà, bán đất, có nhà bỏ đi làm ăn xa. Không còn nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng phải nhổ trụ bán. Thậm chí, một số hộ dân trong xã còn vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng. Do không có tiền trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, có gia đình phải bỏ trốn biệt xứ để tránh sự truy tìm của chủ nợ.

Ông Lê Văn Túc - Trưởng thôn Phú Bình: "Trong thôn có 480 hộ thì có đến 99% hộ trồng tiêu. Hầu như hộ nào cũng bị ảnh hưởng, thậm chí chết hoàn toàn. Nhiều hộ trồng tiêu đang rất hoang mang mà chưa tìm ra đáp án cho bài toán tiêu chết.

Chỉ mới hôm qua, có nhà thu hơn chục tấn tiêu, hiển nhiên trở thành tỷ phú. Giờ cũng vườn tiêu đó, họ chỉ thu chưa đầy tấn, có hộ chỉ thu được vài ba tạ trên những cây tiêu không còn sức sống".

Cũng theo ông Túc, một số hộ trồng tiêu vì khoản nợ vay này mà phải bỏ đi xứ khác làm ăn để kiếm tiền trả nợ, có hộ đã bị cơ quan thi hành án niêm phong tài sản, chờ bán đấu giá trả nợ ngân hàng.

Gia đình ông Nguyễn Văn H. vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng phải bỏ nhà sang tỉnh Đắk Nông trốn nợ và tiếp tục… trồng tiêu với hy vọng trả được số nợ đã vay; gia đình ông Nguyễn Văn Q. bị cơ quan thi hành án niêm phong nhà cửa, phong tỏa tài sản chờ bán đấu giá trả khoản nợ vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng…

Theo Trần Đăng Lâm

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên