MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tấn Trường hóa "streamer", tiết lộ loạt chi tiết cảm động về sự nghiệp và cuộc sống: "Tôi đi đá là để thoát nghèo"

18-06-2021 - 08:17 AM | Sống

Tấn Trường hóa "streamer", tiết lộ loạt chi tiết cảm động về sự nghiệp và cuộc sống: "Tôi đi đá là để thoát nghèo"

Tấn Trường cho biết, anh chưa bao giờ chọn đi đá bóng để kiếm tiền. Anh chỉ mong có thể thoát nghèo, mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình.

Tôi sai thì tôi nhận tôi sai, không thể đổ cho ai hết

Ngày 17/6, sau vòng loại thứ hai World Cup 2022, ĐT Việt Nam đã chính thức về nước trong sự chào đón của người hâm mộ. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, HLV Park Hang-seo và các học trò hiện sẽ thực hiện cách ly tại một khách sạn ở TP. HCM trong vòng 7 ngày.

Trong buổi livestream vào tối cùng ngày, thủ môn Bùi Tấn Trường cho biết các cầu thủ được phân mỗi người một phòng, không tiếp xúc với nhau. Phòng ở của họ cũng khá tiện nghi tiện nghi, có cả máy chạy bộ.

Khi nhìn thấy một bình luận chỉ trích mình "chinh chiến nhiều giải mà vẫn mắc sai lầm", thủ môn gốc Đồng Tháp đã bình tĩnh cảm ơn và giải thích:

"Con người mà, đâu có ai hoàn thiện, phải có thiếu sót. Tôi mà hoàn thiện quá thì đâu có ở Việt Nam, đi thi đấu ở CLB nước ngoài rồi. Tôi cũng là con người mà, các bạn có dám chắc cả đời này các bạn không sai không?"

Tấn Trường cho biết, anh chẳng ngại những lời đàm tếu, nhận xét về mình sau mỗi trận thi đấu không thành công. Anh chỉ lặng lẽ tiếp thu và sửa chữa, không bao giờ phản bác người hâm mộ.

"Tôi chỉ biết tập luyện cho tốt. Những trận nào thi đấu không tốt là tôi buồn. Tôi không quan tâm mọi người nhận xét gì đâu, vì đó là công việc của tôi. Tôi sai thì tôi nhận tôi sai, không thể đổ cho ai hết."

Tấn Trường hóa streamer, tiết lộ loạt chi tiết cảm động về sự nghiệp và cuộc sống: Tôi đi đá là để thoát nghèo - Ảnh 1.

Sau thất bại tại SEA Games 2009 trên đất Lào, thủ môn gốc Đồng Tháp nhận về loạt chỉ trích vì những sai lầm "khó hiểu" của mình. Thậm chí, một bộ phận dư luận còn nghi ngờ Tấn Trường tham gia bán độ nên mới chơi tệ như thế.

"Tôi chấp nhận lời nhận xét về cái sai. Tôi sẽ lắng nghe và khắc phục. Còn nói tôi bán độ hay những chuyện tiêu cực khác, tôi cũng không quan tâm đâu. Cuộc sống của tôi, tôi biết. Tôi mà làm sai, người khác sẽ biết và trừng trị tôi", Tấn Trường bàn về chuyện cũ.

May mắn trở thành thủ môn bắt chính tại vòng loại thứ hai World Cup 2022, Tấn Trường đã thi đấu xuất sắc và làm thay đổi cái nhìn của mọi người về mình. Dù nhận về "cơn mưa" khen ngợi từ báo giới và người hâm mộ, anh chia sẻ rằng bản thân vẫn luôn luôn lo lắng mỗi khi chơi bóng.

"Khoảng thời gian trước phạm sai lầm, tôi sợ lắm. Bị mọi người chỉ trích, bị báo chí công kích rất áp lực.

Tôi không sợ cho bản thân, nhưng sợ gia đình, con cái bị ảnh hưởng. Tôi vẫn còn chơi bóng đến giờ này vì tôi có bản lĩnh vượt qua được áp lực đó. Nhưng tôi sợ cảm giác con cái tự ti vì ba bị chỉ trích, bị kêu bán độ. Tôi rất sợ điều đó. Vì thế, nhiều khi tôi bị áp lực trước mỗi trận đấu.

Còn tôi thì không sao. Sống trên đời này sống nay chết mai thôi, rất lẹ, không biết mai ra sao. Vậy nên, hãy sống thật tốt, thật ý nghĩa, có ích cho gia đình và xã hội."

Hồi 9-10 tuổi, tôi mơ ước được làm tài xế xe để hỗ trợ cho gia đình

Bóng đá chuyên nghiệp mang lại cho Tấn Trường một thu nhập khá ổn định. Anh cho biết, số tiền mình kiếm được chủ yếu là để hỗ trợ cho gia đình.

" Tôi làm không xài tiền nhiều đâu, cố gắng để hỗ trợ cho gia đình thôi. Nếu dư dả, tôi sẽ hỗ trợ cho xã hội này. Đó là tâm nguyện của tôi", anh chia sẻ.

"Một ngày ăn nhiều lắm 4 buổi thôi, một buổi ăn chẳng hết bao tiền. Dù làm nhiều tiền, chết cũng không mang theo được. Nhưng tôi muốn cho gia đình một cuộc sống tốt, cho con cái một tương lai tốt, nên tôi cố gắng".

Sau hàng loạt biến cố không may, cuối năm 2019, Tấn Trường từng có ý định giải nghệ. Anh tiết lộ rằng suốt 7 tháng trời ngồi nhà, anh đã quyết định trở thành streamer, thậm chí còn đầu tư dàn máy.

"Mỗi lần live chỉ có 100 người xem nhưng tôi mừng lắm. Có những khi tôi livestream 3-4 tiếng đồng hồ chỉ có 10 người xem, nên tôi rất quý những người như vậy. Họ theo tôi từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ. Có lần lên 400 mấy mắt, tôi nghĩ bữa nay trúng số hay sao", anh nhớ lại.

Ngoài ra, thủ môn gốc Đồng Tháp cũng dành khá nhiều thời gian để kể lại cuộc đời gian truân của mình. Trước khi có được thành công như ngày hôm nay, Tấn Trường đã phải trải qua rất nhiều thách thức trong cuộc sống và sự nghiệp.

"Hồi 9-10 tuổi, tôi mơ ước được làm tài xế xe để hỗ trợ cho gia đình. Cầu thủ là một thứ gì đó xa vời lắm, chưa từng nghĩ tới", anh cho biết.

Tấn Trường cho biết, đến năm 12 tuổi, anh mới nhận thức được gia đình mình khó khăn và nợ nần ra sao. Ba mẹ ly dị khi anh mới chỉ 4 ngày tuổi, nên mẹ một mình nuôi cả 4 chị em trong nhà khôn lớn.

"Mẹ tôi làm buôn bán, hồi đó mẹ đi đâu thì tôi đi đó. Tài sản lớn nhất trong nhà là một chiếc Cup50. 1h đêm, mẹ chở tôi ra chợ lấy thịt; 2h đêm tôi chạy xe đi giao thịt cho các nhà hàng; sau đó tôi về đi ngủ để 7h sáng đi học.

Có lần, tôi vấp ổ ngả nên ngã xe. Tôi không sao, nhưng nguyên một giỏ thịt heo đổ xuống đường. 2h đêm, tôi đứng giữa đường òa khóc vì không biết phải làm gì. Giỏ thịt nặng quá, một mình tôi khiêng không nổi. May mắn thay, 15 phút sau, có người đi ngang qua giúp, tôi mừng lắm", anh hổi tưởng về tuổi thơ gian khó của mình.

Tấn Trường hóa streamer, tiết lộ loạt chi tiết cảm động về sự nghiệp và cuộc sống: Tôi đi đá là để thoát nghèo - Ảnh 2.

Năm 13 tuổi, Tấn Trường kiếm tiền bằng cách đi đội cát, đội đá thuê, mỗi ngày chỉ được 12.000 VNĐ. "Đau lắm, nhưng kiếm được tiền thì rất mừng", anh nói. Một năm sau, anh theo mẹ lên Sài Gòn mở quán cơm.

Vừa học xong lớp 8, Tấn Trường xin mẹ nghỉ học vì muốn đi làm phụ giúp gia đình. Ban đầu, cả nhà anh ngăn cản, quyết tâm cho anh ăn học đến nơi đến chốn dù khó khăn cỡ nào.

"Nhưng tôi vẫn quyết định nghỉ, bởi gia đình nghèo đến mức không có tiền đóng học phí, nợ lên nợ xuống", anh giải thích.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đi đá bóng để kiếm tiền

Suốt 6 tháng tiếp theo, Tấn Trường ra Vũng Tàu làm việc với bạn, mỗi ngày kiếm được vỏn vẹn 6.000 VNĐ. Sau đó, anh đi bán chôm chôm cùng mẹ. Việc kinh doanh ban đầu rất khá khẩm, nhưng dần dần không ai tới mua nữa, hai mẹ con phải ăn chôm chôm trừ bữa. Cuối cùng, cả gia đình dắt nhau về Đồng Tháp nghỉ ngơi.

Đây cũng là lúc cơ hội đầu tiên đến với Tấn Trường. Khi đó, Đồng Tháp đang tuyển cầu thủ cho đội năng khiếu lứa tuổi U16, lại thiếu đúng vị trị thủ môn. Nghe lời rủ rê của em họ, anh liền đăng ký ứng tuyển.

"Hồi còn nhỏ, tôi làm thủ môn trong xóm vì… không biết đá", Tấn Trường hài hước tiết lộ.

Tập được vài ngày thì Tấn Trường được gọi đi đá giải chính thức đầu tiên trong đời. Sau 4 trận, anh để lọt lưới tới 29 trái.

"Lần đầu tiên bước vào SVĐ Cao Lãnh, tôi đeo găng tay mà không bắt được, khung thành thì rộng bao la. Tôi không biết phát bóng, không biết chụp, chỉ biết đỡ thôi. Hồi đó, tôi không biết bóng đá chuyên nghiệp là gì’, anh nhớ lại.

Sau đợt đó, Tấn Trường lại về nhà, định đi làm tiếp. Thế nhưng, không hiểu sao đội năng khiếu lại gọi anh lên chơi bóng tiếp. Ban đầu, mẹ thủ môn này không cho anh đi vì sợ con bị thương. Tuy nhiên, nhờ người thân kiên trì thuyết phục nên mẹ anh lại đồng ý.

Theo Tấn Trường, đó là năm 2001, anh tập được 2 tuần thì xin về vì không theo nổi. "Thời đó, không biết chụp bóng nên tôi hay ngã, bị đau hai bên hông. Tôi đau đến nỗi không ngủ được, lăn qua lăn lại chảy nước mắt cả đêm", anh nhớ lại.

Dù vậy, khi nghe người quen nói rằng lên đội tuyển chơi bóng sẽ được nuôi, được cho ăn cho học, Tấn Trường lại quyết tâm quay lại. Suốt nhiều năm liền, anh chỉ được làm dự bi cho các thủ môn khác. Thế nhưng, Tấn Trường vẫn coi đây là điều may mắn, vì nhờ vậy mà anh mới có thể học hỏi rất nhiều từ các HLV và đồng nghiệp xung quanh.

Năm 2007 là bước ngoặt xoay chuyển cả cuộc đời Tấn Trường. Khi ấy, anh đang làm thủ môn dự bị hai, sau thủ môn chính và một thủ môn người Thái. Thủ môn chính mắc nhiều sai lầm, khiến đội thua và đứng cuối bảng.

Tấn Trường cho biết, không hiểu sao người được trao cơ hội cầm găng trong trận đấu tiếp theo lại là anh, mà không phải thủ môn người Thái kia. Cuối cùng, đội bóng của anh đã giành chiến thắng trận đó. Kể từ đó, Tấn Trường được cất nhắc lên vị trí chính thức và tên tuổi anh cứ thế ngày một đi lên.

"Nghề bóng đá chọn tôi; tôi không chọn nghề. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đi đá bóng để kiếm tiền. Đi đá bóng để thoát nghèo, đi đá bóng để được học hành, đi đá bóng để có cuộc sống tốt hơn và giúp đỡ gia đình", thủ môn gốc Đồng Tháp chia sẻ.

Linh Hân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên