Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc mua, bán thuốc điều trị COVID-19 trên mạng xã hội
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội.
- 07-03-2022Đề xuất cho phép nhà thuốc được kê đơn thuốc Molnupiravir
- 07-03-2022Đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, chuyên gia nói gì?
- 06-09-2021Có hiện tượng buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc
- 10-09-2018Tài sản không rõ nguồn gốc: Cấp dưới có dám đưa cấp trên ra toà?
Cục Quản lý Dược vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra việc mua bán thuốc điều trị COVID-19.
Theo Cục Quản lý Dược, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 nói chung và thuốc Molnupiravir nói riêng là các thuốc khi sử dụng phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có hiện tượng nhiều cá nhân rao bán thuốc Molnupiravir trên các nền tảng mạng xã hội như phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tượng mua bán thuốc điều trị COVID-19 không được kiểm soát nêu trên dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và hiệu quả điều trị...
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thực hiện nghiêm Luật dược 2016 và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 976/BYT-QLD về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố như Ban chỉ đạo 389, Quản lý thị trường, Công an tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép theo quy định hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
Cục Quản lý Dược cũng nêu rõ: Kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có), đề nghị Sở Y tế các địa phương thông tin cho báo chí theo thẩm quyền và báo cáo về Cục Quản lý Dược.
Trước đó, tại Công văn số 976/BYT-QLD do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành gửi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 đúng quy định.
Ngoài việc tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bản các quy định về kê đơn, bán thuốc theo quy định, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).
Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị COVID-19 có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn. Tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị COVID-19 và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược...