MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng cường vai trò của nữ giới trong nền kinh tế và bài học từ Philippines

Trong một báo cáo xếp hạng chỉ số bình đẳng giới đầu năm 2020 được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Philippines đứng thứ 16 trên thế giới. Quốc gia này có khoảng cách giới nhỏ nhất ở châu Á ở thời điểm hiện tại, thậm chí còn vượt qua các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản, Úc, Canada và Thụy Sĩ.

Ba trong số bốn tiêu chí đánh giá bình đẳng giới trong báo cáo trên đã được Philippines nỗ lực cải thiện thời gian qua. Trong tiêu chí "Cơ hội tham gia vào nền kinh tế", 80% khoảng cách bất bình đẳng đã bị xóa bỏ. Đây được coi là một thành tựu lớn với một quốc gia ASEAN khi nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới cũng khó lòng thực hiện được.

Phân tích cũng cho thấy nữ giới tại Philippines có phần nhỉnh hơn so với phái mạnh trong vai trò quản lý và lãnh đạo. Điều tương tự cũng được tìm thấy trong các vị trí đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật. Đáng nể hơn, Philippines cũng là một trong bốn nước trên thế giới đạt được thành tựu này.

Trong khi nhiều nước vẫn đang bế tắc trong việc thu hẹp bất bình đẳng thu nhập giữa 2 giới, thậm chí một số nơi còn gia tăng, thì ở Philippines khoảng cách này đã thu hẹp tới 81,2%, xếp thứ 5 trên thế giới.

Tăng cường vai trò của nữ giới trong nền kinh tế và bài học từ Philippines - Ảnh 1.

Xếp hạng cải thiện bình đẳng giới của các nước ASEAN Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Có nhiều cách để lý giải vì sao phụ nữ thường không được trao nhiều cơ hội như nam giới. WEF lựa chọn hiệu ứng "Hình mẫu tiêu biểu" để đánh giá vì sao một số quốc gia lại thành công trong việc thu hẹp bất bình đẳng giới hơn quốc gia khác.

Đây là một hiệu ứng mô tả một cá nhân có thể là người truyền cảm hứng, là hình mẫu của sự thành công, thúc đẩy người khác tin rằng họ cũng có thể đạt được thành tựu tương tự. Do đó, khi tỷ lệ nữ giới tham gia vào các công việc thường được đảm nhận bởi nam giới tăng lên, điều này sẽ đem lại động lực cho nhiều người vượt qua các rào cản về giới tính.

Bởi vậy, khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị thì tỷ lệ nữ giới tham gia vào các vị trí quản lý cấp cao trong nền kinh tế sẽ tăng lên.

Câu chuyện thành công của Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo được coi là một ví dụ điển hình. Là người có tầm ảnh hưởng trong nước, bà Robredo được biết đến với những phê phán thẳng thắn về các hạn chế trong hoạt động chống tội phạm ma túy của chính quyền Tổng thống Duterte.

"Chúng tôi luôn tin rằng để có thể thu hẹp bất bình đẳng giới, bước đầu phải tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế đã. Nếu mọi phụ nữ đều có cơ hội phát triển và thành công, cả cộng đồng sẽ có động lực lớn để thoát khỏi đói nghèo", bà Robredo chia sẻ. Bà cũng ủng hộ sự bình đẳng trong quyền lợi cũng như cơ hội việc làm của phụ nữ.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thành công từ hiệu ứng trên như Philippines. Cũng theo báo cáo của WEF, Malaysia và Myanmar là hai nước ASEAN có thứ hạng thấp nhất trong việc cải thiện bình đẳng giới. Điều kỳ lạ là ở Malaysia đã có Phó thủ tướng nữ đầu tiên trong lịch sử là bà Wan Azizah Wan Ismail, trong khi ở Myanmar là bà Aung San Suu Kyi với vị trí cố vấn cấp cao.

Rõ ràng, việc chỉ tham gia các chức vụ trong bộ máy chính trị không thôi là chưa đủ. Thêm nữa, bất bình đẳng giới vẫn sẽ có nguy cơ gia tăng nếu thiếu các kế hoạch nâng cao chất lượng nhân lực nữ giới trong nền kinh tế có hàm lượng công nghệ cao trong tương lai.

Bà Robredo giải thích: "Trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng, chúng ta cần tăng cường các dự án đào tạo nguồn nhân lực để đạt tới tiêu chuẩn chung trên toàn cầu. Với việc đảm bảo chất lượng nhân lực, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể tận dụng những cơ hội do chính chúng ta tạo ra".

"Khi đạt tới mục tiêu đó, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng sẽ không một ai, nhất là phụ nữ, bị bỏ lại phía sau. Thay vào đó, họ sẽ được trang bị những năng lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động quốc tế".

Hoàng Linh

The ASEAN Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên