Tăng đầu tư, đổi mới công nghệ để hút FDI
Nâng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp phụ trợ nội địa là mục tiêu chiến lược giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các dự án FDI công nghệ cao.
- 23-06-2023Gần 360 triệu USD vốn FDI đổ vào Vĩnh Phúc
- 23-06-2023Thuế tối thiểu toàn cầu tác động thế nào đến các “ông lớn” FDI?
- 19-06-2023TP Hồ Chí Minh - Điểm sáng hút FDI công nghệ cao
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 10,86 tỷ USD, tăng 10,6% so với 4 tháng đầu năm. Trong đó các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn, như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Để có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các doanh nghiệp FDI, đặc biệt các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, nhằm hút thêm nhiều dự án hơn nữa trong thời gian tới, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp mỗi tháng có khả năng sản xuất gần 30.000 con lăn công nghiệp cung ứng cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và xuất khẩu. Trong số các đối tác lâu năm, họ cho biết doanh nghiệp Nhật Bản chiếm phần lớn khách hàng của họ.
"Hiện tại chúng tôi có hàng trăm đối tác Nhật Bản. Họ yêu cầu rất khắt khe về mặt chất lượng. Sản phẩm họ làm ra chất lượng nên linh kiện mình cung cấp cho họ cũng phải đảm bảo chất lượng", ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Intech Group, cho biết.
Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Để có thể đón thêm nhiều đơn hàng từ các đối tác FDI Nhật Bản, doanh nghiệp cho biết họ đã tăng đầu tư nhập thêm nhiều máy móc công nghệ cao để có thể đáp ứng được những đơn hàng yêu cầu cao về mặt chi tiết.
Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng, nhưng vẫn còn rất chậm, trong khi ngày càng nhiều các đối tác Nhật Bản muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa Việt Nam.
"Ngày càng nhiều các tập đoàn muốn đặt trụ sở tại Việt Nam. Mới đây có công ty công nghệ hàng không đã xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động tháng 8 tới. Họ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Việt cần nâng chất lượng nhân sự để có thể làm được các đơn hàng khó", ông Ishida Takayuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư - Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, cho hay.
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ trong khi hoàn thiện và ban hành Luật về Công nghiệp hỗ trợ, cần xây dựng ngay chính sách thí điểm để giúp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có nguồn lực để đầu tư bài bản.
"Xây dựng các khu công nghiệp chuyên sâu đạt chuẩn quy định của quốc tế để giúp doanh nghiệp của Việt Nam và thế giới tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Các khu công nghiệp đó cần hướng tới một hệ sinh thái", ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, nói.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Vì vậy, nâng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp phụ trợ nội địa là mục tiêu chiến lược giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các dự án FDI công nghệ cao.
VTV.VN