Tăng giá vé xe buýt, chất lượng có tăng theo?
Quyết định tăng giá vé xe buýt từ ngày 1-5 được Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho là phù hợp thực tế nhưng vẫn vấp phải nhiều ý kiến băn khoăn liệu chất lượng xe buýt có tương ứng với giá vé sau khi tăng
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa ban hành quyết định điều chỉnh giá vé xe buýt áp dụng trên các tuyến có trợ giá. Theo đó từ ngày 1-5, mức giá mới điều chỉnh sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lượt, chủ yếu ở các tuyến có cự ly dài và đối tượng là học sinh, sinh viên.
Không thể không tăng
Cụ thể, đối với các tuyến xe buýt có cự ly từ 15 km trở xuống, giá vé giữ nguyên 5.000 đồng/lượt. Còn các tuyến có cự ly trên 15 km đến dưới 25 km, giá vé áp dụng 6.000 đồng/lượt và từ 25 km trở lên, mức giá là 7.000 đồng/lượt, tăng 1.000 đồng so với hiện nay. Theo bảng liệt kê, trên địa bàn TP có tổng cộng 10 tuyến xe buýt cự ly dưới 15 km, 66 tuyến từ 15 km đến 25 km và 21 tuyến dài hơn 25 km. Trong khi đó, với đối tượng là học sinh, sinh viên, giá vé sẽ được điều chỉnh tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/lượt. Để hưởng mức giá như trên, nhóm đối tượng này khi lên xe phải xuất trình thẻ học sinh, sinh viên hoặc giấy tờ liên quan khác để chứng minh. Trường hợp không xuất trình thẻ học sinh, sinh viên hoặc giấy tờ liên quan thì vẫn phải mua vé như hành khách thường. Mức giá cho vé tập (30 vé) được điều chỉnh tương ứng đối với vé lượt.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở GTVT TP HCM, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt lần này là cần thiết và mức tăng không quá cao, phù hợp với thu nhập bình quân của người dân tại TP HCM. Hơn cả là để giảm gánh nặng cho ngân sách chi trợ giá xe buýt. Tính toán của trung tâm này cho thấy sau khi tăng giá vé, doanh thu sẽ tăng thêm 92,5 tỉ đồng mỗi năm.
Còn theo Sở GTVT TP phân tích thì giá vé xe buýt tại TP HCM đang áp dụng đã được ban hành cách đây 6 năm, được xem là không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Bởi những năm qua, chi phí cho các yếu tố đầu vào đối với hoạt động xe buýt như giá nhân công, phương tiện, xăng dầu… tăng cao nên việc tăng giá vé là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, trước khi đề xuất tăng giá vé xe buýt, đơn vị đã tổ chức khảo sát ý kiến hơn 2.000 hành khách đi xe buýt và hơn 80% cho rằng giá vé hiện khá rẻ, đồng ý tăng thêm 1.000 đồng/lượt.
Nếu tăng giá vé mà chất lượng dịch vụ không được cải thiện thì rất dễ khiến người dân quay lưng với xe buýt
Phải cam kết chất lượng
Trước quyết định tăng giá vé và những phân tích nguyên do tăng của Sở GTVT TP, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng là phù hợp và cần thiết cho hệ thống xe buýt tại TP HCM nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Điều này đòi hỏi các đơn vị quản lý xe buýt phải cam kết chịu trách nhiệm nếu chất lượng xe buýt không được cải thiện. "Nếu tăng giá vé mà chất lượng dịch vụ không được cải thiện thì rất dễ khiến người dân quay lưng với xe buýt" - ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, khuyến cáo.
Tương tự, qua khảo sát từ một số sinh viên - đối tượng chịu tác động nhiều nhất của mức giá mới thì đa số yêu cầu khi tăng giá vé, chất lượng phương tiện và cung cách phục vụ trên xe cũng phải tăng theo. "Thực tế, ở nhiều tuyến xe không trợ giá, giá vé cao hơn nhưng chất lượng tốt thì vẫn luôn đông khách. Vì vậy, chất lượng là vấn đề quyết định và tôi yêu cầu phải được cải thiện, nhất là cần có biện pháp hạn chế tình trạng móc túi, bảo đảm an ninh trên xe buýt khi giá vé tăng. Nếu cơ quan chức năng làm không được thì không chỉ tôi và nhiều người khác sẽ tính toán lại phương án di chuyển. Như vậy, mục tiêu kêu gọi người dân sử dụng phương tiện công cộng của TP có thể gặp khó" - Hạ Giang, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nói.
Trước những khuyến cáo và yêu cầu trên, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cam kết giá vé xe buýt tăng thì chất lượng phục vụ cũng được nâng lên. Theo ông Trung, xe buýt đang được đầu tư ngày càng hiện đại, thái độ phục vụ của đội ngũ tài xế, tiếp viên cũng đã được cải thiện đáng kể.
Ảnh hưởng thời gian đầu
Theo một số HTX xe buýt, giá vé xe buýt tại TP HCM sau khi điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lượt vào năm 2013, thời gian đầu đã tác động đến tâm lý hành khách sử dụng loại hình này, kéo theo sản lượng giảm. Tuy nhiên, sau khi nhiều phương tiện được đầu tư mới cùng việc cải tạo, hiện đại hóa hạ tầng bến bãi, chất lượng phục vụ nâng lên, lượng người sử dụng xe buýt lại tăng mạnh.
Người lao động