MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng hơn 2 vạn đại biểu HĐND, ngân sách lo khoảng 1.461 tỷ đồng/năm

Tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 25/4, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Dự toán ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phí của 324.551 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là “khoảng 1.461,4 tỷ đồng/năm tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng”.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói: Dự kiến tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 khoảng 324.551 đại biểu, tăng 21.903 đại biểu so với nhiệm kỳ 2011 - 2016 do tổ chức lại Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường của 10 tỉnh, thành phố và do tăng dân số.

Trong đó có 3.842 đại biểu cấp tỉnh, 25.140 đại biểu cấp huyện và 295.569 đại biểu cấp xã. Và dự toán ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phí của 324.551 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là “khoảng 1.461,4 tỷ đồng/năm tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng”.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng trình ra 2 mức hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, phương án 1: Giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh.

Còn phương án 2 là tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp so với quy định tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11. Theo đó, 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp huyện; 0,6 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh.

Bộ trưởng Tân cũng đưa ra tính toán rằng, dự kiến quỹ hoạt động phí chi cho đại biểu Hội đồng nhân dân theo phương án này là 1.932,6 tỷ đồng/năm.

“Thực hiện phương án này thì mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân tăng lên sẽ động viên, khuyến khích đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước phải bố trí tăng thêm khoảng 471,2 tỷ đồng/năm và mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ phát sinh bất hợp lý cao hơn với mức phụ cấp trách nhiệm của cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương” - Bộ trưởng Tân nhận định.

Sau khi thảo luận, với sự tán thành 100%, Ủy ban thường vụ đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân. Qua đó bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1, tức là vẫn giữ nguyên như 10 năm trước đây.

Trước đó cũng trong buổi sáng nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban này.

Dự phiên họp còn có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển; Uông Chu Lưu; Tòng Thị Phóng. Đây là phiên họp đầu tiên của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi kiện toàn bộ máy mới diễn ra tại kỳ họp thứ 11.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 nội dung quan trọng.

Đó là cho ý kiến: Đánh giá kỳ họp 11 Quốc hội khóa 13 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa 14; việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân; Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung sau: về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;

Về bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước; các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.

Theo V.Thắng

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên