MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương - có thành “đập” ngăn “sóng” công chức nghỉ việc?

Tăng lương - có thành “đập” ngăn “sóng” công chức nghỉ việc?

Phần tăng lương này chỉ đủ làm vui người ở lại, chứ với người quyết tâm dứt áo ra đi thì phần tăng này không đủ hấp dẫn giữ chân họ.

Nhiều ý kiến, trong đó có cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV, mong muốn tăng lương cho công chức, viên chức khối hành chính, sự nghiệp, quân đội, công an, giáo dục, y tế… ngay từ ngày 01/01/2023 chứ không để đợi đến tháng 07/2023.

Tăng lương - có thành “đập” ngăn “sóng” công chức nghỉ việc? - Ảnh 1.

Rất nhiều công chức nghỉ việc bởi lý do chính là lương thấp.

Vì nếu để sang đến tháng 07/2023 mới tăng thì là tới 04 năm liền mới được tăng lương, và như vậy người lao động trong khối nhà nước lại phải dài cổ ra chờ đợi. Trong khi giá cả thị trường mới có hơi hướng tăng lương đã tăng giá ầm ầm. Các doanh nghiệp FDI thì lương tăng hàng năm theo thâm niên miễn là không vi phạm khuyết điểm gì lớn.

Phải ghi nhận nỗ lực rất lớn của Chính phủ khi quyết định tăng lương trong bối cảnh nền kinh tế vừa ổn định sau đại dịch Covid-19. Phần tăng lương làm đội vọt dự toán ngân sách, nhiều khoản chi vào đầu tư công sẽ bị cắt, để hướng tới ổn định cuộc sống cho công chức, viên chức, ngăn chặn làn sóng bỏ việc, nghỉ việc đang diễn ra ồ ạt, đặc biệt là ở hai ngành y tế và giáo dục - hai ngành mang danh xưng hết sức cao đẹp gắn bởi chữ thầy: thầy giáo và thầy thuốc.

Nhưng nói luôn, phần tăng lương này chỉ đủ làm vui người ở lại, chứ với người quyết tâm dứt áo ra đi thì phần tăng này không đủ hấp dẫn giữ chân họ. Nếu nhân theo hệ số lương trung bình thì lần này tăng thêm được tầm 20%, xấp xỉ hai triệu đồng/tháng.

Ở các vùng nông thôn, miền núi, chi tiêu và mức sống thấp con số này là tín hiệu hết sức vui mừng. Còn ở các thành phố, đô thị lớn, khoản tăng này chẳng đáng bao nhiêu, không thể thay đổi được cuộc sống, mức sinh hoạt hay tích lũy cho công chức, viên chức được.

Nếu muốn giữ được công, viên chức làm việc cống hiến bằng tiền lương thì tối thiểu số lương phải chiếm 70% cơ cấu thu nhập, sau đó mới đến các khoản trợ cấp, phụ cấp, bồi dưỡng… Người lao động phải đủ mức chi tiêu cho sinh hoạt, con cái học hành… có tích lũy để có thể mua nhà, mua xe, thì họ mới trân trọng, tận tâm cống hiến cho công việc được, bởi nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống là nhu cầu chính đáng tự nhiên của mọi người.

Tăng lương - có thành “đập” ngăn “sóng” công chức nghỉ việc? - Ảnh 2.

Các nguyên nhân chính dẫn đến công chức thôi việc, gồm: chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.

Xã hội Việt Nam còn luẩn quẩn giữa quan niệm cũ và mới đan xen lẫn nhau, công thức “sĩ, nông, công, thương” một thời coi trọng cái danh xưng làm thầy hơn làm thợ. Mong muốn công việc ổn định, nhàn nhã, sạch sẽ, thu nhập khá đang mâu thuẫn với quan niệm “làm gì cũng được miễn là giàu” ở không ít giới trẻ.

Đội trẻ có sự năng động, nhiều nhu cầu, không thể chấp nhận cuộc sống đơn điệu, buồn tẻ, kiểu như người trong bài hát “Chuyện năm người” của nhạc sĩ Trần Tiến: "Sớm lại chiều đi lên cơ quan, chiếc xe cà tàng một lon cơm khô, Họ chẳng chết bao giờ... Vì có sống bao giờ đâu, Họ chẳng sống bao giờ ....Thì có chết bao giờ đâu".

Họ không chấp nhận đánh đổi tuổi trẻ lấy số tiền lương ít ỏi, trong khi hệ thống kiểm soát quyền lực của nhà nước ngày càng siết chặt. Công việc họ làm dần trở thành công việc dịch vụ, phục vụ các thủ tục của người dân. Cơ hội kiếm thêm ngày càng bó hẹp, nguy cơ bị phát hiện, bị pháp luật xử lý nếu làm việc trái pháp luật ngày càng tăng.

Mang danh công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, quần áo là lượt, nhưng việc nhiều, áp lực, rủi ro tai nạn nghề nghiệp cao, môi trường làm việc chưa đảm bảo công bằng, cơ hội thăng tiến khó khan, thu nhập từ lương ít ỏi…, nên không ít giáo viên, bác sĩ, cán bộ y tế lựa chọn bung ra ngoài làm việc.

Họ so sánh đơn giản vì cùng đầu tư một khoảng thời gian, tiền bạc cho học tập thì người thợ cắt tóc lành nghề, hay cô thợ làm móng tay ở spa có thể có thu nhập gấp đôi công chức, trong khi rất tự do tự chủ về thời gian, tự do sống cho các sở thích thú vui hưởng thụ cuộc sống.

Thêm nữa, tăng lương phải đi kèm kiểm soát kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, chứ lương tăng 20% mà chỉ số CPI tăng tương ứng thì “mèo lại hoàn mèo”. Đi chợ mà thấy như bị móc túi, cầm tờ tiền mệnh giá to nhất mà vẫn không tự tin thì việc tăng lương không còn ý nghĩa.

Tăng 20% với mức sống hiện nay thì sẽ chưa đủ thành con đập ngăn làn sóng nghỉ việc của công chức, viên chức nhà nước. Chỉ có tinh giản lại bộ máy, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh áp dụng công nghệ điện tử, số hóa..., để người dân có thể gửi, nhận kết quả các thủ tục hành chính ngay tại nhà.

Việc kiểm soát giám sát vận hành hệ thống mới cần đến con người. Có như thế, lương dôi ra từ sự tinh giản biên chế sẽ được bù cho những người làm việc. Phải cơ cấu lương để cán bộ công chức, viên chức sống được bằng lương, hơn là vừa làm vừa bán hàng online, mánh mung, chỉ trỏ, chụp giật, tham nhũng vặt để trang trải cuộc sống.

Tạo sự công bằng trong cơ chế trả lương, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít theo số lượng và hiệu quả công việc. Ở các trung tâm, thành phố lớn cùng vị trí nhưng lượng công việc phải xử lý của cán bộ công chức sẽ nhiều hơn người làm việc tại vùng sâu vùng xa, phải có mức trợ cấp tương xứng. Còn với các cán bộ công chức năng động rời khối nhà nước, đừng lo, họ có bản lĩnh rời bỏ công việc ổn định, họ sẽ thành công theo cách khác.

Đừng để cán bộ công chức viên chức ngậm ngùi khi áo quần “sơ vin bồng cốt”, nhưng cả nhà gặm bánh mỳ, nhìn hàng xóm làm dịch vụ thôi nhưng xì xụp bánh canh.

Theo Nhật Quang

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên