MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu vùng 2021: Cần xem xét kỹ nguồn lực và thứ tự ưu tiên

Tăng lương tối thiểu vùng 2021: Cần xem xét kỹ nguồn lực và thứ tự ưu tiên

Bài toán có tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021 hay không cần được nhìn nhận trong tổng thể chung, cũng như xem xét kỹ về mặt nguồn lực, thứ tự ưu tiên...

Liên quan đến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình lao động việc làm quý 4 và năm 2020 ngày 6/1, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, vấn đề tăng lương cần phải được nhìn trong bối cảnh chung, đặc biệt có xem xét kỹ về nguồn lực.

Theo ông Vinh, khi nhìn vào các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội cũng như lao động việc làm năm 2020, có thể nói nước ta đã có những thành tích nổi bật, song nếu đi sâu vào từng vấn đề sẽ còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, xét đến số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, nếu tính chung cả năm 2020 so với năm 2019 cũng tăng lên đáng kể.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

"Điều này chứng tỏ hiện nay các doanh nghiệp đang còn rất khó khăn, tình hình lao động việc làm có chuyển biến nhưng vẫn chưa thể khôi phục lại như trước kia. Do đó, cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Vinh cho biết.

Về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021, ông Vinh cho rằng, Chính phủ sẽ có những ưu tiên chung, mục tiêu trước mắt là làm sao phát huy được tốc độ tăng trưởng như quý 4 vừa rồi để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2021.

Sau đó mới tính đến các đối tượng, doanh nghiệp cụ thể. Theo ông Vinh, cần phải hướng đến doanh nghiệp ở những lĩnh vực, ngành nghề bị giảm sút doanh nhu nhiều, chú ý đến những doanh nghiệp lớn, mang tính dẫn dắt tạo động lực phát triển, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Đối với người lao động, ông Vinh cho rằng có thể ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai so với lần 1 thì mức độ không lớn bằng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ nên tập trung vào những đối tượng bị giảm thu nhập sâu, bị mất việc làm và nhóm lao động phi chính thức.

"Bài toán có tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021 hay không tôi nghĩ cần được nhìn nhận trong tổng thể chung, cũng như xem xét về mặt nguồn lực, thứ tự ưu tiên để có chiến lược và kế hoạch phù hợp. Chắc chắn Chính phủ sẽ cân nhắc kỹ để đưa ra các chính sách nhằm đảm bảo tính bền vững chung cho toàn xã hội", Phó Tổng cục trưởng Thống kê nhấn mạnh.

Trước đó, liên quan đến đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ cũng chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm.

Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý 2/2021.

Theo Phúc Minh

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên