MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu vùng, mức đóng bảo hiểm xã hội có tăng?

Tiền đóng bảo hiểm xã hội là dựa trên mức tiền lương cơ bản cộng với phụ cấp của lương cùng các khoản khác. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đóng bảo hiểm trên mức lương tối thiểu công vói phụ cấp lương và một số ít khoản bổ sung khác.

Vừa qua, các thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng tiền lương tối thiểu năm 2019 lên 5,3%. Như vậy, tính theo các vùng quy định, người lao động sẽ được tăng từ 160.000 – 200.000 đồng/người/tháng.

Dù mức tăng này chưa có quyết định chính thức từ Chính phủ nhưng với thông lệ của hầu hết các năm trở lại đây, kết quả thường ít sai khác với ý kiến của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Điều này khiến cho thời điểm hiện tại, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu mức tăng lương tối thiểu có làm tăng thu bảo hiểm xã hội của người dân?

Trả lời vấn đề này tại họp báo định kỳ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 29/8, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết lương tối thiểu vùng chỉ là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường. "Đây là mức lương sàn cho lao động yếu thế", ông nói.

Trong khi đó, tiền đóng bảo hiểm xã hội là dựa trên mức tiền lương cơ bản cộng với phụ cấp của lương cùng các khoản khác.

Tuy nhiên, ông Quảng chia sẻ, qua thực tế, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đóng bảo hiểm trên mức lương tối thiểu công vói phụ cấp lương và một số ít khoản bổ sung khác.

"Cho nên khi tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho mức đóng bảo hiểm xã hội cao hơn, ví dụ năm 2019 có thể sẽ tăng tương ứng phần tăng của lương tối thiểu", ông nói.

Chính vì hiện tượng này, đại diện của Tổng Liên đoàn nhấn mạnh quyền lợi của người lao động sẽ bị thiệt thòi do mức đóng thấp, dẫn đến khi về già, mức hưởng thấp tương ứng.

Phần tiền có thể tăng thêm trong năm 2019, ông Lê Đình Quảng cũng khẳng định Bảo hiểm xã hội Việt Nam không lấy ra để chi mà chỉ nằm trong quỹ nhằm giải quyết các vấn đề của người lao động.

Làm rõ thêm về vấn đề chi tiêu Quỹ, ông Đào Việt Ánh, Phó TGĐ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết bản chất của quỹ là hoà đồng, được đầu tư theo đúng nguyên tắc của Chính phủ.

"Chỉ có tiền nhàn rỗi mới được mang ra đầu tư và được xem xét kỹ vưới góc độ thị trường, tính thanh khoản, đảm bảo an toàn", ông Đào Việt Ánh nói.

Theo ông, 90% Quỹ được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, là kênh đầu tư an toàn. Cách đầu tư này, ông Ánh cho rằng vừa đảm bảo cho Quỹ, vừa chia sẻ gánh nặng với Chính phủ thông qua việc giúp tái cơ cấu nợ công, bội chi, giảm áp lực trả nợ.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,97 triệu người; bảo hiểm tự nguyện là 241 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,93 triệu người; bảo hiểm y tế là 81,76 triệu người. Như vậy, tỷ lệ bao phủ đạt 87,25% dân số.

Trong tháng 8, toàn ngành thu 28.932 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 8/2018 toàn Ngành thu 202.917 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch cả năm; trong đó thu bảo hiểm xã hội là 138.402 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp là 9.881 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế  là 54.633 tỷ đồng.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên