MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng mạnh từ đầu năm, cổ phiếu phân bón vẫn còn cơ hội đầu tư khi kết quả kinh doanh bứt phá

Tăng mạnh từ đầu năm, cổ phiếu phân bón vẫn còn cơ hội đầu tư khi kết quả kinh doanh bứt phá

Mặc dù một số cổ phiếu giá đã tăng tương đối mạnh, mức định giá không còn hấp dẫn, tuy nhiên Agriseco Research đánh giá vẫn có nhiều cơ hội đầu tư khi kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng.

Nhu cầu thế giới phục hồi nhằm tái thiết nền kinh tế trong khi nguồn cung vẫn bị gián đoạn đã đẩy giá thành hàng loạt hàng hóa tăng kỷ lục từ hồi giữa năm 2020 tới nay. Trong đó, giá phân bón đã liên tục leo dốc kể từ vùng đáy tháng 5/2020, giá phân DAP tăng 125%, giá phân Urea tăng 121%, giá phân lân tăng 130%.

Trong báo cáo cập nhật gần đây, Agriseco Research nhận định xu hướng tăng mạnh của giá phân bón do sự đứt gãy nguồn cung của các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như lưu huỳnh, khí thiên nhiên hay than - các mặt hàng này cũng đã tăng giá mạnh thời gian qua. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt cung để bù đắp nhu cầu, trong khi Trung Quốc có những chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa đã góp phần đẩy giá phân bón ngày càng leo thang.

Tăng mạnh từ đầu năm, cổ phiếu phân bón vẫn còn cơ hội đầu tư khi kết quả kinh doanh bứt phá - Ảnh 1.

Agriseco Research cho rằng yếu tố giá tăng là nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp phân bón Việt Nam có kết quả kinh doanh rất tốt trong 6 tháng đầu năm 2021. Nổi bật như Đạm Phú Mỹ (DPM) với LNST quý 2 đạt 684 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, Đạm Cà Mau (DCM) thì báo lãi bán nên đạt 434 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch cả năm, doanh nghiệp khác là Phân bón Bình Điền (BFC) cũng ghi nhận lãi 6 tháng đầu năm tăng gần gấp đôi lên mức 113 tỷ đồng.

Đánh giá tổng quan về ngành phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đều có thể sản xuất được và cung ứng ra thị trường các loại phân Urea, phân lân, phân NPK, phân DAP và MAP. Tuy nhiên đối với phân đạm SA và phân Kali, do hạn chế nguồn cung Quặng bồ tạt – magie trong nước nên toàn bộ phải nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu trong nước và làm nguyên liệu để sản xuất phân phức hợp NPK.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón vô cơ các loại đạt 4,69 triệu tấn, tăng 11,7% so với năm 2020. Tổng lượng phân bón nhập khẩu là 2,31 triệu tấn, lượng phân bón xuất khẩu đạt 667.000 tấn, tăng lần lượt 15% và 44,7% so với cùng kỳ. 

Agriseco Research cho rằng mức tăng đáng kể này là do mức nền thấp năm 2020 và nền kinh tế hồi phục cũng dẫn đến các nhà máy hoạt động với công suất cao hơn để phục vụ nhu cầu. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ chững lại khiến CAGR ngành sụt giảm, trong đó năm 2020 chỉ tăng trưởng 0,11% do tác động của dịch bệnh.

Tăng mạnh từ đầu năm, cổ phiếu phân bón vẫn còn cơ hội đầu tư khi kết quả kinh doanh bứt phá - Ảnh 2.

Đà tăng giá ngành phân bón sẽ dừng lại hay tiếp tục gia tăng?

Kể từ vùng đáy năm 2020, giá khí thiên nhiên và giá than - 2 nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của sản xuất phân bón đều đã bật tăng rất mạnh. Agriseco Research cho rằng đà tăng sẽ tiếp diễn vào khi mùa đông tới, các nước có nhu cầu tiêu thụ khí đốt cao hơn trong bối cảnh lượng dự trữ khí đang sụt giảm. Với than, việc Trung Quốc có những kế hoạch để cắt giảm sản lượng khai thác và sản xuất than có thể khiến giá than duy trì ở mức cao.

Agriseco Research cho rằng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón khiến giá phân bón tăng cao sẽ có thể tiếp tục tuy nhiên chỉ duy trì trong ngắn hạn đến khi cung cầu trở nên bình ổn. Đặc biệt, đây lại là một tin mừng cho những nhà sản xuất nội địa như DPM, DCM hay BFC có thể cải thiện được thị phần trong nước và tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu ra các nước khác trên thế giới.

Như vậy, hai yếu tố chính hỗ trợ đà tăng giá phân bón là sự tăng giá nguyên vật liệu đầu vào và chuỗi cung ứng đứt gãy ngắn hạn. Tuy nhiên, Agriseco Research cũng chỉ ra việc giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng mạnh sẽ là một yếu tố bất lợi tới biên lợi nhuận khi ngành nghề có tính cạnh tranh cao như phân bón thì sẽ khó khăn nếu tiếp tục đẩy cao giá bán.

Cơ hội và rủi ro cho ngành phân bón Việt Nam

Tầm nhìn cuối năm 2021 và sang đến năm 2022, giá phân bón có thể sẽ chững lại đà tăng nóng nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao. Do đó, cơ hội cho các doanh nghiệp phân bón Việt Nam tới từ nhu cầu tăng cao khi phục hồi sản xuất nông nghiệp và đặc biệt khi bước vào vụ lúa Đông Xuân. Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc được hoàn thuế GTGT đầu vào sẽ giúp giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phân Urea sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do chênh lệch thuế giữa đầu vào và đầu ra lớn. 

Tăng mạnh từ đầu năm, cổ phiếu phân bón vẫn còn cơ hội đầu tư khi kết quả kinh doanh bứt phá - Ảnh 3.

Ngoài ra, chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần trong nước cũng như xuất khẩu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phân bón Việt Nam vẫn có thể đối mặt với rủi ro khi tình trạng giá phân bón tăng mạnh có thể sẽ có những biện pháp nhằm bình ổn giá phân bón trên thị trường, từ đó gây giảm lợi nhuận. Đồng thời một trong những đầu ra rất quan trọng với phân bón ở thị trường Việt Nam là sản xuất lúa gạo đang giảm về mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm, điều này có thể tác động tiêu cực lên nhu cầu phân bón, ngoài ra là sự sụt giảm nhu cầu trong dài hạn.

Lựa chọn cổ phiếu phân bón nào khi giá đã tăng tương đối mạnh?

Bất chấp đại dịch, ngành phân bón vẫn là một trong số ít ngành được hưởng lợi và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021. Mặc dù một số cổ phiếu giá đã tăng tương đối mạnh, mức định giá không còn hấp dẫn, tuy nhiên Agriseco Research đánh giá vẫn có nhiều cơ hội đầu tư khi kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng. 

Báo cáo đã lựa chọn hai cổ phiếu đầu ngành là DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau. Theo đó, các doanh nghiệp này có nền tảng cơ bản tốt, hưởng lợi từ chính sách cũng như đà tăng giá của phân bón. Đây sẽ là những cơ hội tích lũy cổ phiếu tại các nhịp giảm điểm của thị trường và kỳ vọng tăng giá trong 3 - 6 tháng tới.

Cụ thể, DPM đang được giao dịch với mức định giá P/E là 12-13 lần, P/B là 1,6 lần; DCM đang giao dịch với mức định giá P/E là 16 lần, P/B gần 2 lần. Đối với một ngành nghề đã bão hòa và mang tính chu kỳ, đây là một mức định giá phù hợp và không còn hấp dẫn, kỳ vọng đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tuy nhiên những thông tin hỗ trợ tích cực về kết quả kinh doanh sẽ là cơ hội của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Giá mục tiêu đưa ra là 38.000 đồng/cổ phiếu với DPM và 27.500 đồng/cổ phiếu đối với DCM.

Tăng mạnh từ đầu năm, cổ phiếu phân bón vẫn còn cơ hội đầu tư khi kết quả kinh doanh bứt phá - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu DPM và DCM 1 năm gần đây

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên