'Tăng sức đề kháng' cho nền kinh tế 2023
Là nền kinh tế có độ mở cao, mỗi khi thế giới “hắt hơi, sổ mũi”, kinh tế Việt Nam dễ bị “cảm cúm”. Năm 2023, kinh tế thế giới dự báo có nguy cơ bước vào giai đoạn suy thoái ngắn hạn, Việt Nam được xem hứng chịu nhiều “cơn gió ngược”. Các chuyên gia đã chẩn bệnh, bốc thuốc nhằm giúp nền kinh tế tăng sức đề kháng.
- 27-01-2023Kinh tế cửa khẩu - Động lực tăng trưởng kinh tế của Lạng Sơn
- 27-01-2023Bài toán kinh tế đầu năm: Cầm tiền mừng tuổi của con nên tiêu ngay, cất đi, gửi ngân hàng, mua vàng hay đầu tư chứng khoán?
- 27-01-2023Kinh tế 3 địa phương dự kiến lên TP trực thuộc trung ương tăng trưởng ra sao trong năm 2022?
Khơi thông “mạch máu” cho nền kinh tế
Năm 2022, giữa môi trường vĩ mô đầy biến động, Việt Nam vẫn trở thành điểm sáng của thế giới khi kinh tế đạt mức tăng trưởng 8%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 730 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Dù vậy, nền kinh tế vẫn còn những khối u cần đại phẫu. Thị trường vốn được ví như “mạch máu” của nền kinh tế nhưng dưới tác động của những ngoại lực và bất cập trong nội tại đã có những thời điểm tắc nghẽn gây “co giật” cho nền kinh tế.
Nhu cầu thị trường thế giới giảm, dự báo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 hạ nhiệt
Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường vốn của Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5% giai đoạn 2016-2021, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các DN. Tính đến cuối tháng 11/2022, quy mô của thị trường vốn Việt Nam đạt khoảng 105% GDP năm 2021. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 64% GDP; trái phiếu đạt 41% GDP (trong đó trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 15% GDP).
Tuy nhiên, việc xử lý những sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu “3 không” của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, tình trạng thổi giá cổ phiếu “họ” FLC và “họ” nhà Louis…, cùng những thông tin thất thiệt đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Nhà đầu tư dường như mất niềm tin với thị trường TPDN khiến lượng trái phiếu phát hành mới của DN “đóng băng”, trong khi nhu cầu vốn để hoạt động và dòng tiền để đảo nợ rất lớn.
Theo thống kê, khối lượng TPDN đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025 lên tới hơn 700.000 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi). Trong đó, chiếm phần lớn là của DN bất động sản gây nguy cơ vỡ nợ nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời. Chưa kể, mối quan hệ dây mơ giữa “ngân hàng - chứng khoán – bất động sản” có thể khiến “bom nợ” này lan rộng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, điều quan trọng nhất trong năm 2023 đối với thị trường vốn là cần lấy lại niềm tin đối với nhà đầu tư. Cụ thể, Nhà nước cần minh bạch thông tin và sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan. Cùng với đó có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu.
Đặc biệt, trong khi nguồn vốn huy động bằng trái phiếu gặp khó, Chính phủ cần đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Trong đó, cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, không để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng. Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần nên sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phát sinh mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về giải pháp giữ vững ổn định, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành quyết liệt thực hiện các chỉ đạo đã đôn đốc. Với chính sách tiền tệ, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo sự cân bằng; giữa tăng trưởng và lạm phát; cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá; điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các đơn vị tập trung vào các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm.
"Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mục tiêu không phải tăng thu mà phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; có chính sách giãn thuế, phí, hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi tối đa", Thủ tướng nói và đề nghị 2 chính sách này cần phải hỗ trợ, kết hợp với nhau một cách linh hoạt, hiệu quả. Dù vậy, trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, của các đối tượng liên quan.
Là một trong các thành phần quan trọng của nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản gần như “đóng băng” do tắc vốn và mất thanh khoản. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiện nhiều DN bất động sản tự cứu mình bằng giải pháp như: thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn.
"Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư. Hiện, Bộ lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia để điều chỉnh sửa đổi Nghị định 65, trong đó có nội dung liên quan quyết định nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư"
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi
“Do tắc nguồn vốn từ trái phiếu, ngân hàng, đến khách hàng, doanh nghiệp bất động sản phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao. Cùng với đó, DN bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu lên tới 40-50% giá hợp đồng”, ông Châu cho biết.
Theo ông Châu, trong bối cảnh này, Nhà nước cần hỗ trợ các DN bất động sản thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết. DN bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất. Cùng với đó, cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường.
Chủ tịch HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với dự án BĐS có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, các dự án đang xây dựng dở dang, sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở giá vừa túi tiền người dân.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho rằng, giải quyết khủng hoảng thanh khoản cho DN bất động sản sẽ lập tức ổn định được thị trường chứng khoán. Về dài hạn, Việt Nam cần cải thiện thị trường bất động sản bằng cách đánh thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán cho người mua cuối cùng thay vì DN bất động sản trả phí cố định.
Đối với “bom nợ” trái phiếu DN bất động sản, theo ông Don Lam trong ngắn hạn, có thể thông qua một số hình thức bảo lãnh một phần trái phiếu của những DN này. Còn để đạt mục tiêu nguồn vốn trái phiếu/GDP tăng từ 11% lên 25% vào năm 2050, Việt Nam cần nâng cao năng lực của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và yêu cầu tất cả trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm.
“Việt Nam nên thành lập công ty bảo hiểm bảo lãnh trái phiếu do Chính phủ hỗ trợ, tương tự như Danajamin Nastonal Berhad ở Malaysia, tăng cường quy định bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời điều chỉnh khuôn khổ pháp lý đối với tổ chức ủy thác trái phiếu và yêu cầu bên ủy thác tham gia đảm bảo doanh nghiệp phát hành trái phiếu tuân thủ giao ước...”, ông Don Lam khuyến nghị.
“Song kiếm hợp bích” chính sách tài khóa và tiền tệ
Năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại; một số nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn, rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn hiện hữu…, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam (kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP), dự báo GDP Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại. Đặc biệt, hiện chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) thế giới đã liên tục giảm từ tháng 5/2021 và đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9/2022 (tức dưới mốc 50 điểm) với số lượng đơn hàng mới sụt giảm. Dự báo, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới có thể rơi vào tình trạng chững lại.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, không chỉ thách thức ở bên ngoài, ở trong nước áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong năm 2023 vẫn còn rất lớn; thu ngân sách sẽ khó khăn hơn do DN gặp nhiều rào cản.
Theo ông Lực, năm 2023 dự báo kinh tế Việt Nam có thể hạ nhiệt đạt khoảng 6-6,5%. Còn CPI bình quân có thể tăng lên khoảng 4-4,5% (so với 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022.
Đặc biệt, trong năm nay cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, y tế, giáo dục…) càng tạo ra nhiều áp lực cho việc điều hành của Chính phủ.
Ông Andrea Coppola - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng nhận định, trong thời gian tới, các biến động trên thế giới diễn ra tương đối mạnh. Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đang trải qua thời kỳ suy yếu, nhất là việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm trầm trọng thêm những “cơn gió ngược” đối với các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, giải quyết vấn đề thanh khoản của thị trường tài chính và bất động sản. Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường các khung chính sách giám sát và xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này hiện đã có những gói tài khóa khác nhau để ứng biến với diễn biến trong năm 2023. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn một số khoản thuế (như thuế đất, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu) và phí. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn về dòng tiền và thanh khoản.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ cố gắng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế trên cơ sở tăng thu ngân sách, giảm chi, huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Qua đó, đảm bảo tiến độ của các dự án đầu tư công, cũng như các dự án trong việc phục hồi kinh tế.
Về chính sách tiền tệ, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, năm 2022 dù mục tiêu ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, số liệu lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng trong thời gian tới. Với diễn biến đó, để kiểm soát lạm phát trong năm 2023 và ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước sẽ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành hợp lý và đồng bộ cả lãi suất và tỷ giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý với diễn biến thị trường và diễn biến kinh tế vĩ mô, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và chính sách vĩ mô khác.
Chữa bệnh kinh niên chậm giải ngân vốn đầu tư công
Trong bối cảnh các dòng vốn khác đang thiếu ổn định, một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế là dòng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm đang trở thành điểm nghẽn của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, thời gian qua, giải ngân đầu tư công chậm và hiệu quả chưa cao đã trở thành căn bệnh kinh niên của Việt Nam.
“Trong 5 năm gần đây, giải ngân vốn đầu tư công liên tục suy giảm theo từng năm. Nếu năm 2017, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 73%, năm 2018 giảm xuống còn 66%, đến năm 2019 đạt khoảng 67%, năm 2020 đạt 82% và trong 11 tháng của năm nay, giải ngân chỉ đạt khoảng 58%. Nhiều khoản vốn chúng ta phải đi vay, việc giải ngân chậm làm tăng chi phí cơ hội và lãng phí nguồn lực của đất nước”, ông Hưng cho biết.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu năm với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 (khoảng 140 nghìn tỷ). Đặc biệt, năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Nếu tính cả nguồn vốn thừa trong năm 2022 chuyển sang, lượng tiền phải giải ngân trong năm 2023 có thể tăng gấp đôi. Trong khi những nút thắt lớn trong nhiều năm và trong thời gian ngắn chưa được xử lý như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu… gây áp lực rất lớn đối với nguồn vốn khổng lồ này.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá, thách thức giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 còn đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự báo nhiều bất định, đặc biệt chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, khó dự báo. Bóng ma lạm phát vẫn phủ bóng trên toàn cầu...Do đó, ông Phương cho rằng, để năm 2023 đạt được mục tiêu thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cần xem đây là ưu tiên hàng đầu, thường trực trong tư duy nhận thức của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Từ các ví dụ ở một số địa phương, bộ ngành thành công, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng nơi nào có quan tâm tốt hơn đến đầu tư công, nơi đó giải ngân vốn tốt hơn.
“Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022, khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Sắp tới, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ những vướng mắc đã nhận diện", ông Phương nói.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, để đẩy nhanh đầu tư công cần phân rõ, và xác định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, đồng thời kiểm soát chặt mục tiêu, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.
Tiền phong