Tăng thời gian khấu hao giàn khoan, PVDrilling lãi ròng hợp nhất 111,5 tỷ đồng trong quý 2/2019
Trong 6 tháng đầu năm, PVDrilling ghi nhận 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 24,2 tỷ đồng.
CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí – PVDrilling (Mã CK: PVD) công bố báo cáo KQKD hợp nhất quý 2/2019 với doanh thu thuần 1.002 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm doanh thu PVDrilling trong quý 2 chủ yếu đến từ thị trường trong nước khi chỉ đóng góp 585 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, thị trường trong nước mang về 1.434 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường Malaysia đã mang về cho PVDrilling doanh thu 417 tỷ đồng, giúp bù đắp sự thiếu hụt của thị trường trong nước.
Dù doanh thu quý 2 sụt giảm nhưng PVDrilling vẫn ghi nhận sự bứt phá về lợi nhuận với lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 111,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, PVDrilling lỗ ròng 67,2 tỷ đồng.
Theo PVDrilling, việc lợi nhuận công ty tăng mạnh do hiệu suất sử dụng giàn khoan tăng, đạt 90% so với cùng kỳ là 85%. Bên cạnh đó, PVDrilling cũng ghi nhận thuế nhà thầu tạm nộp tại Malaysia như là một khoản phải thu trong tương lại.
Ngoài ra, việc áp dụng thời gian khấu hao lên 35 năm khi tính khấu hao giàn khoan cho một giờ hoạt động của giàn khoan biển PVDrilling II, PVDrilling III và PVD Drilling VI cũng góp phần cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp. Trong quý 2/2019, chi phí khấu hao tài sản cố định của PVDrilling chỉ là 147 tỷ đồng, giảm 71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí khấu hao tài sản PVDrilling giảm mạnh trong quý 2/2019
Khoản lợi nhuận đột biến trong quý 2 đã giúp PVDrilling thoát lỗ trong nửa đầu năm 2019. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, PVDrilling ghi nhận 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 24,2 tỷ đồng.
Năm 2019, PVDrilling đặt kế hoạch không lỗ và với kết quả thực hiện trong nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.
Tính tới cuối quý 2/2019, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của PVDrilling có giá trị 1.415 tỷ đồng, giảm 200 tỷ so với đầu năm. Nợ xấu PVDrilling tăng nhẹ 18 tỷ lên 310 tỷ đồng và công ty đã trích lập dự phòng 279 tỷ đồng cho các khoản này. Trong đó, nợ xấu chủ yếu đến từ PVEP (187,5 tỷ đồng, đã trích lập 186,5 tỷ đồng) và PVEP POC (91 tỷ đồng, đã trích lập 76,1 tỷ đồng).
Trí Thức Trẻ