MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, các cơ quan Trung ương đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của công trình, dự án nhằm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.

* Gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Minh Huy, Trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều dự án còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là thủ tục ban đầu và quá trình giải phóng mặt bằng. Thời gian lập, phê duyệt quy hoạch thường kéo dài do phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các đơn vị liên quan nhiều lần, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn.

Bên cạnh đó, việc đền bù chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ thi công dẫn đến không đủ khối lượng để giải ngân, đồng nghĩa với việc giải ngân vốn chậm so với kế hoạch được giao. Ví dụ như dự án Nâng cấp, cải tạo đường ĐT601, dự kiến hoàn thành tháng 9/2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giải tỏa đền bù.

Để tháo gỡ các khó khăn, ông Nguyễn Minh Huy kiến nghị thành phố cần có giải pháp rút ngắn thời gian lấy ý kiến quy hoạch thiết kế đồ án, sớm hoàn thiện hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án. Đồng thời, các sở chuyên ngành ưu tiên thẩm định hồ sơ các dự án trọng điểm, động lực; hỗ trợ Ban quản lý dự án xử lý kỹ thuật và điều chỉnh bản vẽ trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện triển khai giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thi công, ưu tiên những vị trí cần triển khai theo đề xuất của Ban.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, hàng loạt công trình, dự án chậm tiến độ cũng được xác định do chậm giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Điển hình như Dự án công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư vào năm 2009 có tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng chậm trễ khiến dự án triển khai đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, qua theo dõi tình hình dự án đầu tư công và tham mưu về kế hoạch đầu tư công, nhận thấy một số bất cập, hạn chế, như việc tính chi phí đền bù giải phóng mặt bằng không đúng thực tế, thiếu cơ sở, các số liệu tính toán chỉ mang tính ước lượng, dẫn đến không tính chính xác chi phí đề bù giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư và khó khăn trong quá trình lập dự án đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nhiều dự án không tính đầy đủ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Đặc biệt, khi thực hiện dự án, về nguyên tắc phải ưu tiên vốn để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án hoặc một phần dự án mới ký kết hợp đồng thi công xây lắp. Trong thực tế, những năm qua nhiều dự án chưa phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng đã ký kết hợp đồng xây lắp, cho nhà thầu ứng vốn, nhưng do không có mặt bằng thi công dẫn đến không có khối lượng để giải ngân…

Trước thực tế trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung nhân lực để thẩm định, tham mưu phê duyệt hồ sơ liên quan đến công trình, dự án đầu tư theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hả trong quá trình thẩm định hồ sơ. Đồng thời chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công sử dụng vốn đầu tư năm 2022 để sớm hoàn thành việc giao kế hoạch vốn, đảm bảo tiến độ giải ngân.

Đặc biệt, khắc phục tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do phát sinh chi phí bồi thường quá lớn xuất phát từ việc không tính toán đầy đủ ngay từ ban đầu, nhất là chi phí giải phóng mặt bằng. Không để xảy ra tình trạng ký hợp đồng xây lắp, ứng vốn khi chưa có mặt bằng thi công.

* Ưu tiên các dự án trọng điểm

Đứng trước “sức ép” giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã thành lập 4 Tổ công tác để kiểm tra việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt tình hình và quyết liệt chỉ đạo nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị liên quan nỗ lực khắc phục khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết số vốn theo kế hoạch cả năm; kịp thời tham mưu điều chuyển vốn từ các chương trình, dự án chậm giải ngân sang công trình, dự án có khối lượng và nhu cầu về vốn để tăng tỷ lệ giải ngân. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đấu thầu, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng theo quy định để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, góp phần tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa và vốn ngân sách trung ương, nhất là các dự án trọng điểm, như: Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng; Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng…

Bên cạnh đó, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình đã cam kết gồm: Nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; Đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; Tuyến đường vành đai phía Tây (đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh); Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); Dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà... từ đó sẽ tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vào những tháng cuối năm 2022.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng khẳng định, Quảng Ngãi chỉ sợ không có tiền để giải ngân chứ không phải có tiền mà không giải ngân được. Trên tinh thần đó, trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp, kiểm tra thực tế hiện trường thi công dự án, qua đó đã chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai dự án.

Đến nay, đa số dự án đảm bảo điều kiện tiếp tục triển khai thi công. Đối với những dự án có vướng mắc cần thời gian xử lý lâu dài thì trước mắt tỉnh điều chuyển vốn sang dự án khác để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo tiến độ. Ngoài ra, các dự án khởi công mới đã hoàn tất đấu thầu, ký hợp đồng, dự kiến trong tháng 7, 8 sẽ giải ngân kế hoạch vốn giao.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức thì số vốn đầu tư công chưa giải ngân ở các địa phương vẫn còn khá lớn. Do đó, “sứ mệnh” tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương phải được hiện thực hóa bằng cách đưa các dự án, công trình “về đích” đúng tiến độ...

Theo Nhóm PV

Báo tin tức

Trở lên trên