MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng 650%, "đại gia" muối tôm Tây Ninh "thần thánh" chỉ ra bài học cực thấm khi khởi nghiệp

15-10-2021 - 08:05 AM | Sống

Tăng trưởng 650%, "đại gia" muối tôm Tây Ninh "thần thánh" chỉ ra bài học cực thấm khi khởi nghiệp

Bất chấp đại dịch, doanh số bán hàng của ông chủ DH Foods Nguyễn Trung Dũng vẫn bật vọt lên 650%.

Lối đi riêng của người khởi nghiệp

"Khởi nghiệp - Hãy chọn cho mình một lối đi riêng trong kinh doanh" - là tiêu đề của bài viết mới nhất trên trang cá nhân của CEO DH Foods Nguyễn Trung Dũng. Đây cũng là đúc kết sau nhiều năm khởi nghiệp, gây dựng "đế chế" gia vị mà nổi tiếng là món muối mì tôm "thần thánh" DH Foods. Việc chọn lối đi riêng cũng là 1 phần của những tăng trưởng thần kỳ mà doanh nghiệp này đạt được trong thời kỳ dịch bệnh.

Trong một thời gian ngắn, doanh số GT (phân phối sản phẩm qua nhà phân phối, đại lý bán sỉ, đại lý bán lẻ, chợ đầu mối và cửa hàng nhỏ lẻ) tăng trưởng vượt bậc, 9 tháng 2021 tăng 300% so với 9 tháng 2020, trong đó riêng tháng 9/2021 tăng 650% so với cùng kì 2020.

Tăng trưởng 650%, đại gia muối tôm Tây Ninh thần thánh chỉ ra bài học cực thấm khi khởi nghiệp - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Trung Dũng.

Theo vị CEO, ngay từ đầu, lối đi riêng của doanh nghiệp chính là chọn các sản phẩm gia vị đặc sản vùng miền, để có chỗ đứng riêng. Điều kiện tiên quyết chính là gia vị Việt ngon mà chưa ai làm, dồn tâm huyết từng sản phẩm ngon - sạch - tiện lợi.

"Đừng chung đụng với những "ông lớn" khi bạn mới khởi nghiệp", ông Dũng tâm sự,

Phân tích về thị trường gia vị, dù rằng tiềm năng rất lớn và nhu cầu sử dụng rất nhiều, nhưng người mới bắt đầu có chen vào được không? Và nếu cố gắng để chen vào được thì sẽ chống chọi bao lâu?

"Bạn có quyền tham vọng nhưng hãy ước lượng sức mình để chọn phân khúc phù hợp và tốt nhất", vị CEO bộc bạch.

Ông gợi ý người mới bắt đầu có thể tìm các đặc sản tại quê hương, các sản phẩm mà phổ biến trong cộng động địa phương nhưng chưa được biết rộng rãi trong cả nước. Hãy bắt đầu từ đó rồi phát triển dần ra cả nước, xa hơn là xuất khẩu đi nước ngoài.

Về kênh bán hàng, người mới cần bắt từ từ, từ kênh online, sau đó cung cấp cho các siêu thị nhỏ, cửa hàng thực phẩm sạch ngay tại thành phố, tỉnh thành nơi bạn đang sống. Đừng vội vàng.

Tăng trưởng 650%, đại gia muối tôm Tây Ninh thần thánh chỉ ra bài học cực thấm khi khởi nghiệp - Ảnh 2.

Công ty của ông Dũng tập trung sản xuất gia vị Việt nhưng đậm tính địa phương.

Ông Dũng cho biết, năm 2013, thời DH Foods mới có sản phẩm đầu tiên hay kể cả bây giờ, GT (General Trade – kênh phân phối hàng hóa truyền thống) vẫn là kênh bán hàng chính tại Việt Nam.

Vì thế, ông và đội ngũ bán hàng cũng xây dựng kế hoạch kinh doanh GT 5 năm với mục tiêu doanh số khủng, xây dựng đội ngũ sale đông đảo, nhưng kết quả không đạt được như mong muốn. Thậm chí, số vốn ít ỏi ban đầu của công ty cũng đã chi tiêu gần hết.

"Vì sao không thành công? vì tiêu chí về sản phẩm của mình là sản phẩm sạch, hoàn toàn không dùng màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo, bao bì đẹp nên giá bán sẽ cao hơn Sản phẩm trên thị trường. Trong khi bán GT 1 là giá phải rẻ – 2 là thương hiệu phải lớn thì mới thâm nhập được".

Khi nhận ra vấn đề, ông không chọn cách giảm chất lượng để giảm giá mà thay vào đó định hướng lại kênh bán hàng, tập trung đầu tư để đưa hàng vào MT (Modern Trade – kênh phân phối hàng hóa hiện đại), trong khi GT vẫn bán nhưng không bành trướng, tổ chức Sale nữa.

Kết quả, qua từng năm, doanh số công ty tăng trưởng ổn định và chủ yếu đến từ kênh MT, rồi lần lượt có những đơn hàng xuất khẩu từ những thị trường khó tính nhất. Dẫu vậy, ông Dũng cũng không quên GT vì đây vẫn là kênh bán hàng chủ lực tại Việt Nam.

Cuối năm 2020 khi thương hiệu và sản phẩm đã dần được biết đến và được sử dụng nhiều hơn, khi danh mục sản phẩm đã đa dạng hơn, ông Dũng bắt đầu thay đổi chính sách cho kênh GT, bỏ qua khái niệm về nhà phân phối truyền thống.

Doanh nghiệp khuyến khích đối tác có thể bán cả offline - online, ngoài bán chợ - tạp hóa vẫn có thể bán vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini, cửa hàng trong các chung cư. Có nhiều cấp bậc để đối tác có thể lựa chọn, ở cấp đại lý 2 đối tác chỉ cần bỏ ra số vốn chưa đầy 3 triệu là có thể bắt đầu kinh doanh.

"Bất ngờ với kết quả: Trong một thời gian ngắn, doanh số GT tăng trưởng vượt bậc, 9 tháng 2021 tăng 300% so với 9 tháng 2020, trong đó riêng tháng 9/2021 tăng 650% so với cùng kì 2020.

Những con số tưởng chừng như viễn vông thời 2013 bây giờ đã dần trở thành hiện thực. Dù hàng hóa chưa đủ để cung ứng trong giai đoạn dịch nhưng rất may nhận được sự thông cảm của đối tác", ông Dũng viết.

Bên cạnh việc chọn cho mình một lối đi riêng, vị CEO cũng dành lời khuyên cho người mới bắt đầu đừng từ bỏ ước mơ khởi nghiệp, kiên trì và nhẫn nại sẽ có thành công.

Ông Nguyễn Trung Dũng là ai?

Nguyễn Trung Dũng từng là du học sinh ngành IT tại Ba Lan. Từ khi còn rất trẻ, ông đã mở một quán ăn Việt Nam quy mô nhỏ, sau đó nhập khẩu thêm mỳ ăn liền từ Việt Nam để bán cho dân bản địa.

Dần dần món mỳ ăn liền cũng được tiếp nhận và ông trở thành một trong những doanh nhân đầu tiên bán mỳ tại Ba Lan. Thậm chí vào thời kỳ đầu những năm 90, ông từng thu về doanh số gần 10 triệu USD/năm nhờ việc bán mỳ.

Vài năm sau, ông bán cơ nghiệp mình đã gây dựng với giá 6 triệu USD. Khởi nghiệp nhiều lần tiếp theo, ông chọn mảng kinh doanh thức ăn chế biến sẵn trong túi nhôm nhưng gặp nhiều trắc trở.

Năm 2012, ở tuổi 50, ông Dũng khởi nghiệp lần thứ 4 với số vốn 1,2 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp của ông có tới 150 sản phẩm, với dòng muối chấm có muối tôm Tây Ninh, muối ớt, muối ớt xanh, muối tiêu lá chanh... nổi tiếng.

Trong dịch Covid-19, nhiều container hàng của doanh nghiệp này vẫn đều đặn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo Hoàng Linh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên