MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng chịu nhiều sức ép

Sáng 20/10, báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đối mặt nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng…

Về nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh một số trọng tâm như: điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Tăng trưởng chịu nhiều sức ép - Ảnh 1.

Với nhiệm vụ 2023, Thủ tướng nêu mục tiêu tổng quát là ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Một số chỉ tiêu ước thực hiện trong năm 2022

- GDP: đạt 8% (mục tiêu 6-6,5%)

- GDP bình quân đầu người: đạt 4.075 USD (mục tiêu 3.900 USD)

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP: 25,7-25,8% (mục tiêu 25,5-25,8%)

- Chỉ số giá tiêu dùng: 4% (mục tiêu 4%)

- Tốc độ tăng năng suất lao động: 53,8-4,3% (mục tiêu 5,5%)

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 67% (mục tiêu 67%)

- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo: 1% (mục tiêu 1-1,5%)

Minh bạch điều hành giá điện, xăng dầu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có chính sách phù hợp, công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội.

Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư; một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay.

Ðiểm nghẽn đầu tư công tác động tiêu cực

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, đầu tư công vẫn là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Thống kê cho thấy, hiện có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kiến nghị.

Theo Nhóm PV

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên