Tăng trưởng GRDP Cà Mau đứng thứ 5 cả nước nhưng mặt hàng chủ lực vẫn khó khăn
Tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Cà Mau lũy kế 6 tháng đầu năm ước tăng 8,61%, đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL và thứ 5 cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực nuôi và chế biến tôm là thế mạnh kinh tế của tỉnh này đang gặp khó.
- 15-05-2023Thành phố là "phên dậu phía Đông" của Tổ quốc: Tăng trưởng kinh tế cực mạnh, GRDP gấp 3 lần bình quân chung cả nước
- 15-05-2023Tỉnh duy nhất có thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình nhưng quy mô GRDP thuộc top 10 cao nhất cả nước
- 25-04-2023Thứ hạng GRDP quý 1/2023 của 5 địa phương từng tăng trưởng cao nhất cả nước 2022 thay đổi ra sao, Khánh Hòa còn ở top 1?
Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Cà Mau quý II tăng trưởng ở mức 7,69% so cùng kỳ, cao hơn bình quân chung cả nước (3,55%). Lũy kế 6 tháng đầu năm ước tăng 8,61%, đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL và thứ 5 cả nước. Cà Mau đạt mức tăng trưởng cao như vậy là nhờ tăng trưởng mạnh ở khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 14,08%.
Trong lĩnh vực kinh tế chủ lực của tỉnh là nghề nuôi tôm lại đang gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu thủy sản, chủ yếu từ con tôm trong 5 tháng qua ước đạt 383,4 triệu USD, bằng 32% kế hoạch, giảm 24,5% so với cùng kỳ. Do biến động thị trường xuất khẩu và chưa có dấu hiệu khởi sắc đã kéo giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Ngay cả con tôm sú, vốn rất ổn định về giá nay cũng chịu tác động tiêu cực.
Tại các huyện có thế mạnh nuôi tôm thâm canh của tỉnh Cà Mau như: Phú Tân, Cái Nước,… nhiều hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt năng suất nhưng hầu hết đều lỗ, hòa vốn; nhiều hộ dân treo ao không tiếp tục nuôi.
Trong phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND tỉnh Cà Mau ngày 5/6, cơ quan chức năng Cà Mau nhận định, đầu ra cho con tôm sẽ tiếp tục gặp nhiều trở ngại do sức mua giảm, người tiêu dùng trên thế giới thắt chặt chi tiêu, nhất là tại thị trường châu Âu.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cấp ngành chức năng địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai, nhân rộng các hình thức sản xuất hiệu quả, nhất là những hình thức liên kết sản xuất, tạo chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo đầu ra ổn định; Cần quan tâm thị trường trong nước cho các sản phẩm được chế biến từ con tôm, đặc biệt, các mặt hàng đạt chuẩn OCOP, việc tạo ra nhiều kênh phân phối, không để mặt hàng từ ngành tôm bị ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy sản xuất phải cần được chú trọng./.
VOV