MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng kinh tế năm 2019: Dự báo nhiều khó khăn

Tổng cục Thống kê đánh giá, dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,79% ở quý 1 nhưng để đạt mục tiêu cả năm 2019 tăng 7% vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tăng giá điện và giá xăng dầu thế giới tăng gây nhiều áp lực lên lạm phát.

Dịch tả lợn làm giảm GDP năm 2019

Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế xã hội quý 1 năm 2019 với tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước đạt 6,79%; thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1 năm 2018. Nền kinh tế có nhiều điểm sáng. Động lực của nền kinh tế đến từ ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Thống kê đánh giá, năm 2019, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Điều này thể hiện qua số DN đăng ký quý 1 năm nay cao hơn quý 1 tất cả các năm với gần 28.500 DN thành lập mới. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt cao nhất so với các năm với  số vốn giải ngân 4,12 triệu USD. Về ngành dịch vụ, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 4,5 triệu lượt người, tăng cao nhất từ trước tới nay.

Theo ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), GDP quý 1 năm 2019 thấp hơn cùng kỳ năm 2018 do ngành khai khoáng và công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm. Với ngành khai khoáng, quý 1 năm 2019 giảm 2,1% trong khi năm 2018 tăng 0,2%. Đây là xu hướng chung và đã được báo trước bởi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, chi phí khai thác và sản xuất cao. Ngành chế biến chế tạo dù tăng 11,7% nhưng vẫn thấp hơn năm 2018 tới 4,6% vì ngành mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao là sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, quang học không có mức tăng đột biến.

"Để CPI quý 2 giữ mức phù hợp và CPI cả năm dưới 4%, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý không điều chỉnh tăng giá bất cứ mặt hàng nào do nhà nước quản lý. Liên bộ Tài chính – Công Thương cần sử dụng quỹ bình ổn giá linh hoạt để hạn chế tác động lên CPI".

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê)

“Năm 2019, quy mô ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, quang học ổn định, không còn yếu tố tăng đột biến cho thấy ngành đã bắt đầu chững lại”, ông Thuý cho biết.

Theo ông Thuý, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN cho thấy, trong quý 2/2019, có gần 55% DN đánh giá tốt hơn, 34,8% DN cho rằng ổn định và trên 10% DN dự đoán tình hình khó khăn.

Về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 chỉ đạt 58,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với năm 2018, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân chính do sự suy giảm thương mại toàn cầu. Việt Nam có 9 mặt hàng xuất khẩu trị giá tỷ USD nhưng chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao gồm giày dép và đồ gỗ. Một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực là điện thoại di dộng giảm tới 4,6% cũng khiến chỉ số xuất khẩu không được như kỳ vọng. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo giảm trên 26%; hạt điều giảm trên 15%, cà phê trên 15%.

Đánh giá về tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2019, đại diện Tổng cục Thống kê dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Tiêu biểu như tác động của dịch tả lợn châu Phi có thể kéo giảm 0.04% GDP cả năm. Theo ông  Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ thống kê nông nghiệp (Tổng cục Thống kê), dịch tả lợn châu Phi lan ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn. 82,2 nghìn con lợn con bị tiêu huỷ làm ảnh hưởng ngành chăn nuôi các quý tiếp theo.

Sau giá điện đề nghị không tăng giá mặt hàng khác

Năm 2019 là áp lực tăng lạm phát là rất lớn khi các yếu tố  đầu vào của sản xuất như tăng giá điện, xăng dầu tăng giá. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng Cục thống kê) cho biết, tăng giá điện vào tháng 3/2019 sẽ khiến CPI tăng 0,29 %.

Mặc dù lạm phát quý 1 tăng chỉ 1,83%, thấp nhất trong 3 năm gần đây nhưng lạm phát các quý tiếp theo phải chịu sức ép của nhiều yếu tố như: tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, tăng tiền lương cơ sở từ ngày 1/7 và giá thịt lợn sẽ tăng từ tháng 6 do thiếu hụt nguồn cung.

“Với các tháng còn lại của năm 2019, CPI chịu tác động của việc điều hành tăng giá dịch vụ y tế để tiệm cận giá thị trường và tính chi phí quản lý, khấu hao, tiền lương vào chi phí khám chữa bệnh. Với giáo dục, sau 8 năm giữ nguyên, các nhà xuất bản đang đề nghị tăng giá bán sách giáo khoa”, bà Ngọc cho biết.

Theo bà Ngọc, để CPI quý 2 giữ mức phù hợp và CPI cả năm đạt mức dưới 4%, Tổng cục Thống kê đề nghị cơ quan quản lý không điều chỉnh tăng giá bất cứ mặt hàng nào do nhà nước quản lý. Nếu CPI tăng thấp hơn năm 2018 sẽ đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Liên bộ Tài chính - Công Thương cần sử dụng quỹ bình ổn giá linh hoạt để hạn chế tác động lên CPI.

“Trước việc tăng giá điện, DN cần triệt để áp dụng biện pháp tiết kiệm như sản xuất vào giờ thấp điểm, cải tiến máy móc để giảm chi phí sản xuất. Từ đó đảm bảo lợi nhuận cho DN”, bà Ngọc khuyến nghị.

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên