Tăng trưởng NAV của Vietnam Holding vượt nhiều quỹ ngoại
NAV của Vietnam Holding tăng 6,2% sau 8 tháng, vượt qua PYN Elite, VEIL, và VOF. FPT, MWG, PNJ là các khoản đầu tư giúp tăng trưởng NAV của quỹ này. Định hướng đầu tư của quỹ hướng vào lĩnh vự bán lẻ, tiêu dùng nội địa và công nghiệp hóa.
Giá trị tài sản ròng (NAV) của Vietnam Holding đạt 147,8 triệu USD, NAV/ccq ở mức 2.893, tăng 6,2% từ đầu năm. Kết quả này vượt qua con số 1% của chỉ số Vietnam All Share và 5% của MSCI Emerging Market.
Kết quả của Vietnam Holding trong 8 tháng qua cũng vượt nhiều quỹ ngoãi trên thị trường, đơn cử như PYN Elite báo NAV tăng 4%, VEIL của Dragon Capital với NAV tăng hơn 3,8%, hay VOF của Vina Capital vẫn đang tăng trưởng âm NAV -3%.
Theo thông tin từ quỹ, kết quả tích cực trong tăng trưởng NAV đến từ nhóm cổ phiếu bị giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL), gồm FPT tăng 11,8%, PNJ tăng 7,1%, MWG tăng 9,5% và MBB tăng 4,1%. Riêng trong tháng 8, NAV của quỹ tăng 3,3%.
Nguồn: Vietnam Holding |
FPT là khoản đầu tư có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Vietnam Holding, chiếm 11,5% NAV. Theo sau là Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) với 10,2% NAV và Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS), cùng Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đều chiếm 7,9% NAV.
Khoản đầu tư vào Vincom Retail (HoSE: VRE) và Thiên Long (HoSE: TLG) là yếu tố hạ thấp tăng trưởng lần lượt giảm 6,8% và 5,8%. 2 cổ phiếu này chiếm 4,7% và 4,6% NAV của Vietnam Holding.
10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm hơn 67% NAV của quỹ, tương đương gần 100 triệu USD. Quỹ giữ tỷ lệ tiền mặt ở mức 1,5%, tương đương gần 2,2 triệu USD.
Xét theo ngành, bán lẻ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khoản đầu tư với 22,7% NAV. Đứng thứ hai là công nghiệp thực phẩm và dịch vụ chiếm 20% và bất động sản chiếm 18%. Vietnam Holding cho biết thị trường tiêu dùng nội địa, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa là những định hướng đầu tư cốt lõi. của quỹ.
|
Nguồn: Vietnam Holding |
NDH