MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng tín dụng vượt xa huy động, nhờ đâu thanh khoản vẫn dồi dào?

03-07-2017 - 13:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo số liệu mới nhất vừa được Thủ tướng công bố, tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng 8% so với đầu năm. Chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đang trái ngược hoàn toàn so với cùng kỳ 2016.

"Vượt mặt" tăng trưởng huy động, tín dụng tăng kỷ lục 6 năm

Tính đến thời điểm 20/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng 8,07%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 8,23% cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/6 đạt 7,54%. Theo số liệu mới nhất vừa được Thủ tướng công bố tại phiên họp với các lãnh đạo các địa phương, tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng tới 8%, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 6,2%. Đây tiếp tục là mức tăng trưởng kỷ lục của tín dụng trong vòng 6 năm trở lại đây. Liên tiếp nhiều tháng nay, tăng trưởng lập kỷ lục tương tự.

So với kế hoạch 18% đề ra cả năm, tăng trưởng tín dụng mới chỉ hoàn thành 44,4%. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tín dụng chủ yếu tập trung tăng trưởng vào những tháng cuối năm. Việc tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cũng chính là yêu cầu của Thủ tướng tới NHNN để chỉ đạo hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh chủ trương từ Chính phủ, nhiều động lực đã hỗ trợ cho đà tăng của tín dụng nửa đầu năm qua. Từ phía cung, nhiều ngân hàng đã tích cực gia tăng tỷ lệ cho vay ngắn hạn như ACB, BIDV, VietinBank. Đẩy nhanh tín dụng ngay từ đầu năm khi các ngân hàng hưởng tới tập trung vào tín dụng ngắn hạn sẽ giúp vòng quay vốn cho vay cao hơn và giúp các ngân hàng đạt được hiệu quả tốt hơn.

Về phía cầu, tăng trưởng tín dụng ở mức cao cũng cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Xét riêng về chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp thành lập mới, con số này trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng ghi nhận mức cao kỷ lục với 61.276 DN thành lập mới cùng số vốn đăng ký là 596.196 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12,4% và 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi năm 2012 và 2013, cùng với việc tín dụng nửa đầu năm cũng như cả năm chỉ ở mức thấp, đây cũng là khoảng thời gian hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh giải thể, phá sản.

Thanh khoản vẫn dồi dào nhờ tiền gửi Kho bạc Nhà nước

Trong khi tín dụng đi những bước dài thì tăng trưởng huy động lại khá khiêm tốn. Từ tháng 4/2017, tăng trưởng tín dụng đã sớm “vượt mặt” huy động. Đến 20/6/2017, chênh lệch này tiếp tục nới rộng, lên tới 1,65%. Điều này trái ngược với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2016 khi tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng tới 2,03%. Nhờ đó, thời điểm cùng kỳ năm 2016, lãi suất liên ngân hàng cũng được duy trì ở mức thấp.


Huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế tăng trưởng thấp

Huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế tăng trưởng thấp

Điểm đáng ngạc nhiên đó là thị trường tiền tệ trong thời gian gần đây lại không cho thấy dấu hiệu căng thẳng. Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng tới ngày 9/6 đã giảm mạnh. Lãi suất qua đêm đã giảm tới 2,6% so với giai đoạn căng thanh khoản sau tết. Lãi suất liên ngân hàng nhích lên tuần sau đó tuy nhiên vẫn đang ở mức thấp theo đánh giá của một số công ty chứng khoán. Các biện pháp hỗ trợ thanh khoản thị trường đều không cần được sử dụng. Khối lượng OMO lưu hành chỉ còn không đáng kể, 5 tỷ đồng vào ngày 23/6.

Không chỉ trên thị trường tiền tệ, lượng cầu trái phiếu Chính phủ gấp 3-4 lần số trái phiếu mà Kho bạc Nhà nước (KBNN) chào bán cũng phản ánh tình trạng thanh khoản dồi dào của thị trường.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thanh khoản thời gian qua được hỗ trợ thêm từ tiền gửi của KBNN. Tính đến tháng 4/2017, tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng là 122 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm. Điều này có được cùng bởi vì giải ngân đầu tư ngân sách nhà nước chậm. Theo số liệu 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công nửa năm mới chỉ hoàn thành 30% kế hoạch đề ra.

Khoản tiền mà các định chế tài chính, TCTD, bảo hiểm,.. đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ chưa được rót vào các dự án đầu tư công như kế đã được tạm gửi vào các ngân hàng, qua đó hỗ trợ nguồn vốn trong bối cảnh huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế tăng trưởng thấp.

Một nguồn vốn khác được bơm ra thị trường cũng phải kể tới đó là cung nội tệ từ việc NHNN đẩy mạnh mua ngoại tệ. Báo cáo hoạt động ngành ngân hàng tháng 5 vừa qua, NHNN cho biết khi có điều kiện thuận lợi đã thực hiện mua ngoại tệ từ TCTD để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Dù không rõ số lượng nhưng diễn biến tỷ giá chiều mua vào tại Sở Giao dịch Ngân hàng nhà nước trong nửa năm qua (tăng từ 22.300 đồng/USD hồi đầu năm lên 22.725 đồng/USD), phần nào phản ánh động thái mua vào tích cực của NHNN.

Nhập siêu 2,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nhưng nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện là 7,7 tỷ USD. Cùng đó, vốn đầu tư gián tiếp FII cũng mang về lượng ngoại tệ lớn, trong đó riêng đấu giá 5,4% vốn Vinamilk đã giúp thu về nửa tỷ USD.

Theo nhận định của SSI Retail Research, khi NHNN đẩy mạnh mua ngoại tệ đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lớn cung nội tệ được bơm ra giúp tăng thanh khoản mà không cần phải sử dụng công cụ thị trường mở.

Những nguồn lực này đã hỗ trợ thanh khoản hệ thống, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng tín dụng, dù huy động từ dân cư chỉ tăng trưởng thấp.

Kế hoạch tăng tưởng tín dụng đề ra cho cả năm 2017 là 18%. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng giao NHNN phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch với cơ cấu hợp lý. Từ phía NHNN, chỉ tiêu tín dụng cả năm cũng để ngỏ việc "có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế".

Thực tế diễn biến 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát đã được giữ ở mức thấp (chỉ tăng 0,2%) nhưng tăng trưởng GDP lại mới chỉ đạt 5,73% dù quý II đã có sự cải thiện vượt bậc. Để hoàn thành chỉ tiêu 6,7% đề ra, nhiệm vụ của nửa cuối năm là "rất nặng nề".

Trong khi đó, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý là một trong các mục tiêu mà NHNN đề ra khi điều hành các công cụ chính sách tiền tệ bên cạnh kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ. Không chỉ có những giải pháp về tín dụng như yêu cầu tăng trưởng từ đầu năm, Thủ tướng cũng giao NHNN xem xét, điều chỉnh mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn của tổ chức tín dụng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn này, qua đó thực hiện đầu tư phát triển doanh nghiệp.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên