Tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục tạo động lực khôi phục nền kinh tế
Nhiều DN phục hồi sản xuất, có đơn hàng xuất khẩu dài hạn đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Xuất khẩu những tháng đầu năm khởi sắc cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng cũng là tiền đề vững chắc cho những tháng cuối năm.
- 15-07-2022Một doanh nghiệp năng lượng Việt Nam đầu tư hơn 173 triệu USD sang Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan
- 15-07-2022Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất
- 15-07-2022Xếp hạng tăng trưởng GDP trung bình các nước từ năm 1990 đến nay: Việt Nam đứng thứ mấy?
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tăng đều, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như dệt may, da giày, thủy sản… nên có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Điều này cho thấy sự nỗ lực của các DN trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung các doanh nghiệp (DN) đã tận dụng tốt các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đạt hơn 186 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,3 tỷ USD và cơ bản được kiểm soát tốt. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Đánh giá kết quả xuất nhập khẩu 6 tháng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu như dầu thô, than đá cũng góp phần tăng trị giá xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
"Việt Nam là một nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu nhiên liệu. Sự căng thẳng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine đã góp phần đẩy mặt bằng giá nhiên liệu trên thế giới lên. Một mặt, Việt Nam phải nhập khẩu xăng dầu, điều này cũng ảnh hưởng về trị giá nhập khẩu đối với nhóm mặt hàng này. Mặt khác, Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô và than đá. Trong 6 tháng đầu năm, dù lượng xuất khẩu các mặt hàng này giảm nhưng trị giá xuất khẩu vẫn gia tăng. Điều này cho thấy sự cân bằng ở mức tương đối trong cán cân xuất nhập khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến năng lượng, nhiên liệu…", ông Trần Thanh Hải phân tích.
Dệt may là một trong những ngành hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu điển hình, ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong những tháng đầu năm với lượng đơn hàng dồi dào. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi, mới nhất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, chính là động lực để các DN cơ cấu lại cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Ở góc độ nhất định, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid” cũng tạo thuận lợi cho dệt may Việt Nam có thêm nhiều đơn hàng khi đón nhận sự chuyển dịch đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Giang nói.
Giá nguyên, nhiên liệu tác động những tháng cuối năm
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây xuất khẩu hàng hoá nửa cuối năm khi xu hướng bảo hộ vẫn đang tiếp diễn. Việc dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc cùng chính sách “Zero-Covid” ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hoá và cả hoạt động xuất khẩu hàng hoá qua biên giới của Việt Nam. Ngoài ra, giá cước vận tải đang ở mức cao, giá năng lượng và các mặt hàng nguyên vật liệu đang gia tăng mạnh; xung đột Nga-Ukraine cũng tác động nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc phong tỏa chống dịch Covid-19 trên diện rộng khiến nguồn cung ứng bị gián đoạn. Cùng với đó, chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên DN khó đáp ứng kịp thời các đơn hàng.
Một số chuyên gia kinh tế lưu ý, tình hình lạm phát ở rất nhiều quốc gia đang có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt là tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… sẽ kéo giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam. Đây là khía cạnh mà các DN xuất nhập khẩu phải quan tâm, có tính toán phương án ứng phó phù hợp.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải chỉ rõ, giá cả các mặt hàng nhiên liệu và các mặt hàng cơ bản có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến yếu tố đầu vào của DN. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao làm cho giá thành vận chuyển tổng thể tiếp tục tăng. Đây là những yếu tố tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Trước những biến động của thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng, dầu, than... để vừa có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và bảo đảm nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Đặc biệt trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ DN khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao…
Cùng với đó, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt, ổn định lâu dài.
VOV