MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng vốn điều lệ 4 NHTM trụ cột: Cần cách tiếp cận toàn diện

17-07-2019 - 08:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Nửa đầu năm 2019, vấn đề tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) trụ cột gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank lại nóng lên khi cơ quan quản lý và lãnh đạo các NH này đều lên tiếng được giữ lại phần cổ tức hay lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại NH để tăng vốn điều lệ (VĐL), nhằm vượt qua giới hạn tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đang lùi về dưới 9%.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
53 bài viết

Tuy nhiên, đề xuất của NHNN và 4 NH trụ cột cho đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan, cũng như tạo ra nhiều băn khoăn cho xã hội, giới chuyên môn, do căn cứ đề xuất chưa thực sự vững chắc và thiếu cách tiếp cận toàn diện.

Cần nhiều giải pháp riêng phù hợp

Trước hết, NHNN không nên đề xuất giải pháp chung là cho phép cả 4 NH trụ cột giữ lại phần quy ngân sách nhà nước (NSNN) từ phần vốn nhà nước tại NH, hoặc nộp bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt để tăng VĐL, do mỗi NH trụ cột có đặc điểm rất khác nhau. Theo đó, cần có nhiều phương án tăng VĐL (nếu cần), cũng như có nhiều chiến lược phát triển, đề án tái cấu trúc khác biệt phù hợp với từng NH. Nói cách khác, không thể có lời giải chung cho nhiều bài toán khác nhau.

 Giữ lại phần cổ tức hay lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại NH để tăng VĐL không chỉ vi phạm nguyên tắc an toàn vốn theo quy định hiện hành, còn ảnh hưởng tới khả năng thực hiện chuẩn mực Basel II trong những năm tới.
Thực tế, phần nộp NSNN của cả 4 NH trụ cột khoảng vài ngàn tỷ đồng/năm không phải quá lớn, so với hơn 1 triệu tỷ đồng thu NSNN năm 2018, song nếu thiếu khoản thu đó, thâm hụt NSNN có thể không dừng ở 3,46% GDP, hoặc gây áp lực lên các nhiệm vụ thu khác để bảo đảm chi NSNN, cũng như trang trải khoản chi trả nợ gốc lên đến 133.495 tỷ đồng năm 2018 và tăng cao hơn nữa trong những năm tới.

Hiện NSNN đang thực hiện cơ cấu lại theo hướng hạn chế đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có cả trường hợp các NH trụ cột có phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí tới 100% như ở Agribank.

Ngoài ra, việc quản lý vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước đang được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC), trong đó nòng cốt là Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), do vậy nếu thay khoản nộp NSNN bằng cổ phiếu sẽ tăng thêm tỷ trọng vốn nhà nước tại các NH trụ cột. Điều này đi ngược xu thế đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) DNNN và rút dần vốn nhà nước khỏi những DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần hoặc cổ phần chi phối.

Như vậy phải điều chỉnh cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các NHTM trụ cột, trong khi NHNN vẫn là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý phần vốn nhà nước tại các NH này (cơ chế bộ chủ quản), không phải là CMSC, như đối với trường hợp hàng loạt tập đoàn lớn như dầu khí, điện lực, khoáng sản…

Tăng vốn điều lệ 4 NHTM trụ cột: Cần cách tiếp cận toàn diện - Ảnh 1.

Tỷ trọng vốn nhà nước tại BIDV quá lớn, lên đến 95,28%.

Căn cứ năng lực cạnh tranh thật sự

Trong bối cảnh các khoản chi NSNN đang được cơ cấu lại theo hướng tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, dành vốn cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, việc tăng VĐL cho 4 NH trụ cột, nguồn vốn ngoài nhà nước, kể cả vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng, nhất là khi nguồn vốn nhà nước ngày càng khó bố trí sắp xếp.

Cuộc đua giữa các NHTM, không phân biệt trụ cột hay cổ phần, phải căn cứ vào năng lực cạnh tranh thật sự trên thị trường, không phải bằng nỗ lực tăng quy mô vốn hay tăng số lượng chi nhánh, đội ngũ nhân viên dựa vào tài trợ của Nhà nước.

 

Theo đó, vấn đề của Agribank là thúc đẩy nhanh tiến trình CPH hoặc thông qua bán một phần vốn nhà nước, hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn, không phải bơm thêm vốn nhà nước cho Agribank.

Tương tự như vậy đối với Vietinbank và BIDV, khi tỷ trọng vốn nhà nước sau CPH tại 2 NH này vẫn quá lớn, thậm chí ở BIDV đến 95,28%.

Vì thế, kinh nghiệm và bài học giảm tỷ trọng vốn nhà nước xuống 65% thông qua bán vốn, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước của Vietcombank, cần được lãnh đạo Vietinbank và BIDV tham khảo, học tập nghiêm túc, thay vì chỉ quẩn quanh trông chờ vào nguồn NSNN vốn đang rất khó khăn. Cũng chính Vietcombank là NH có quy mô lợi nhuận và các chỉ số tài chính tốt nhất, ngày càng củng cố vị trí dẫn đầu so với 3 NH trụ cột còn lại có phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng áp đảo tuyệt đối.

Nếu viện dẫn lý do tăng VĐL cho các NH trụ cột nhằm góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao năm 2019 (cao nhất là 15% đối với Vietcombank) là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, bản thân việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH chỉ là biện pháp tình thế, không nên kéo dài vì đi ngược các nguyên tắc của thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Vai trò và vị thế của các NHTM cổ phần đang tăng lên mạnh mẽ, với sức cạnh tranh ngày càng được nâng cao, đã và đang chiếm lĩnh thị phần của các NH trụ cột, cả trong huy động tiền gửi lẫn tín dụng cho vay, cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính phi tín dụng. Chính vì vậy, nếu các NH trụ cột không đảm đương được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, NHTM cổ phần sẽ sẵn sàng nhận lấy, do họ đang phải vật lộn để được giao tăng chỉ tiêu tín dụng cho vay.

Bên cạnh đó, môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế giữa khu vực nhà nước với ngoài nhà nước, đòi hỏi các nhiệm vụ mang tính chất chính trị - xã hội cần chuyển cho các định chế chuyên biệt, không phải là DNNN hay NH trụ cột. Vì thế, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội không thể biện minh cho việc xin tăng phần vốn nhà nước tại các NH trụ cột dưới bất kỳ hình thức nào.

Năm 2018 với tốc độ tăng trưởng tín dụng 14% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua - trong khi GDP tăng trưởng cao nhất với 7,08%, chứng tỏ vai trò của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đang thay đổi, có thể tạo ra xu hướng mới với hiệu quả sử dụng vốn nói chung, vốn tín dụng nói riêng tăng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2019, cho thấy dường như xu hướng này đang dần được thiết lập.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại

Xu thế chung hiện nay của thế giới là đa dạng hóa hoạt động NH, thông qua đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính phi tín dụng. Qua đó tăng tỷ trọng lợi nhuận từ các hoạt động phi tín dụng, thay vì lệ thuộc quá mức vào lợi nhuận từ tín dụng và chênh lệch lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, đồng thời tích cực áp dụng các công nghệ hiện đại, fintech... để nâng cao hiệu quả hoạt động NH, nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi NH cũng như của hệ thống NHTM, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) với các tổ chức tài chính phi NH đang từng ngày lấn sân các NH truyền thống.

Bí quyết lập kỷ lục về lợi nhuận của Vietcombank năm 2018, và vươn lên vị trí dẫn đầu vốn cách đây không lâu lần lượt thuộc về BIDV rồi Vietinbank, một phần quan trọng xuất phát từ ưu thế vượt trội của NH này trong lĩnh vực dịch vụ tài chính phi tín dụng. Ngay một số NHTM bình thường cũng trưởng thành nhanh chóng chính từ việc tập trung cung cấp dịch vụ tài chính phi tín dụng, không phải tập trung vào tín dụng truyền thống.

Xu thế trên ngày càng được khẳng định, củng cố và phát triển nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong thời đại 4.0. Mỗi NH trụ cột nên tập trung vào xây dựng và triển khai thực hiện đề án tái cấu trúc một cách toàn diện, từ cơ cấu vốn chủ sở hữu, quản trị ngân hàng, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đến quản lý rủi ro, quản lý nhân sự, phát triển sản phẩm mới, áp dụng công nghệ hiện đại, áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trên thị trường trong nước, còn trên thị trường khu vực và toàn cầu, không nên loay hoay vào mỗi việc tăng ít VĐL từ nguồn NSNN, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi có cần tăng VĐL cho 4 NH trụ cột của Việt Nam hay không, nếu tăng cho NH nào, tăng bao nhiêu, khi nào và bằng cách nào, cần được tiếp cận một cách toàn diện. Theo đó, từ vấn đề thể chế, nguồn lực tài chính quốc gia đến phương thức và hiệu quả sử dụng vốn của mỗi NH trụ cột, cần được đặt ra cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, đặt chiến lược phát triển, đề án tái cấu trúc toàn diện mỗi NH trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong chiến lược cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Có vậy, mỗi đề xuất điều chỉnh VĐL của các NH trụ cột mới có sức thuyết phục, đảm bảo tính khả thi, quan trọng hơn cả là đảm bảo mỗi đồng vốn của Nhà nước đều được sử dụng với hiệu quả cao nhất, ích nước lợi dân.

Theo TS. Vũ Đình Ánh

Sài gòn đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên