Tăng vốn: Thể hiện “sức khỏe” nhà băng
Các NHTM đang đứng trước làn sóng tăng vốn khủng thông qua các hình thức tăng vốn cấp 1 và cấp 2.
Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động tăng vốn của các NH cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa những NH khỏe mạnh, hiệu quả kinh doanh cao với NH có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả.
Đẩy mạnh tăng vốn cấp 1
Mới đây, ACB đã thông báo điều chỉnh lại tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Cụ thể, căn cứ vào công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đề nghị của ACB, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) có thông báo điều chỉnh tỷ lệ room NĐTNN của mã chứng khoán ACB từ 29,88% lên 30% từ ngày 28-5-2018.
Hiện cơ cấu cổ đông nước ngoài của ACB bao gồm Dragon Financial Holdings Ltd (7,1%); 2 quỹ thuộc nhóm Alp Finance là Whistler Investments Limited và Sather Gate Investments Limited (9,95%); 2 công ty con của Connaught Investors Limited là First Burns Investments (4%) và Asia Reach Investments (3,26%)…
Đồng thời, ngày 4-6, toàn bộ 98,5 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung sẽ chính thức về tài khoản NĐT. Đây là lượng cổ phiếu ACB chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2016.Theo đó, khối lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên 1.125.914.025 cổ phiếu, đưa vốn điều lệ tăng lên khoảng 11.259 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ hiện nay chỉ thuận lợi với nhóm NHTMCP có quy mô lớn, hoạt động tốt. Một số NHTM có vốn nhà nước dù vướng mắc về vấn đề bán vốn nhưng cũng có rất nhiều NĐTNN đàm phán hợp tác. Các NHTMCP có quy mô nhỏ, kết quả kinh doanh bình thường hầu như vẫn giậm chân tại chỗ, cơ hội tăng vốn rất thấp. |
Sắp tới thị trường cũng sẽ chứng kiến một loạt NH tăng vốn điều lệ lên mức khủng. Cụ thể, MB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 18.150 tỷ đồng lên 21.600 tỷ đồng theo phương án đã được ĐHCĐ 2018 thông qua.
Theo đó, MB sẽ phát hành hơn 344,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với các hình thức như trả cổ tức đợt 2 năm 2017 tỷ lệ 5%, tương đương 90,8 triệu cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng 14%, tương đương 254,2 triệu cổ phiếu.
VPBank cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 15.706 tỷ đồng lên gần 25.300 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thông qua, chia thành 5 đợt phát hành cổ phiếu gồm chia cổ tức và cổ phiếu thưởng; cổ phiếu ESOP, cổ phiếu riêng lẻ và mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức thành cổ phiếu quỹ.
NH này cũng dự tính phát hành tăng vốn trong năm nay, lên mức 27.800 tỷ đồng chia thành 5 đợt gồm cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng; cổ phiếu ESOP; cổ phiếu riêng lẻ và mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức thành cổ phiếu quỹ.
Vừa lên sàn, Techcombank cũng đã công bố kế hoạch tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 14-6 tới nhằm thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu của NH lên gần 35.000 tỷ đồng. Hiện tại, vốn điều lệ của Techcombank là 11.655 tỷ đồng. Nguồn tăng vốn dự kiến đến từ nguồn vốn chủ sở hữu gồm lợi nhuận sau thuế hơn 5.827 tỷ đồng, 3.496 tỷ đồng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và 13.986 tỷ đồng từ nguồn vốn thặng dư.
Được NHNN chấp thuận tăng vốn lên 25.300 tỷ đồng, VPBank thể hiện sức khỏe tốt của mình. Ảnh: L.THANH
Chạy đua hút vốn cấp 2
VietinBank cho biết từ ngày 5 đến 25-6 sẽ phát hành trái phiếu ra công chúng bằng VNĐ với số lượng đăng ký chào bán 400.000 trái phiếu, tương đương 4.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành.
Thời hạn trái phiếu 10 năm, định kỳ trả lãi 1 năm 1 lần với lãi suất thả nổi tính theo lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VNĐ kỳ hạn 12 tháng của 4 NHTM có vốn nhà nước) cộng thêm 0,8%. Như vậy, một lần nữa VietinBank tiếp tục tìm đến giải pháp tăng vốn cấp 2, sau khi đã có nhiều kiến nghị hỗ trợ tăng vốn điều lệ.
Hồi đầu năm, VIB cũng công bố thông tin về việc phát hành trái phiếu. Theo đó, VIB đã phát hành thành công 2.800 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị mệnh giá phát hành 2.800 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành kỳ hạn 3 năm, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền. Nguồn tiền thu về từ việc phát hành trái phiếu được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động của VIB.
Đồng thời, VIB cũng vừa hoàn tất đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VNĐ, lãi suất lên tới 8,7%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ. Chứng chỉ tiền gửi của VIB có mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, với 2 lựa chọn kỳ hạn 61 tháng và 84 tháng, lãi suất tương ứng 8,5%/năm và 8,7%/năm.
Sacombank cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VNĐ dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức vào tháng 4 vừa qua. Đây là loại chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh với mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (84 tháng) với mức lãi suất 8,5%/năm (trong năm đầu tiên).
Cơ hội dành cho NH tốt
Trong khi kế hoạch tăng vốn cấp 1, cấp 2 của các NH trên gần như đã nằm trong tầm tay, một số NH cũng công bố thêm những thông tin tích cực về việc đàm phán với đối tác để tìm kiếm cơ hội tăng vốn. Năm ngoái, NCB đã đàm phán với đối tác ngoại để hoàn thiện phương án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại ĐHCĐ năm nay, nhóm NĐTNN muốn trở thành cổ đông chiến lược của NH này đã xuất hiện. Tuy vậy, một số thông tin cho biết NCB vẫn đặt mục tiêu chỉ chốt 1 trong 3 NĐT hiện tại để soát xét, đàm phán các điều kiện trở thành cổ đông chiến lược trước ngày 30-6.
Theo dự kiến, phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng nâng tổng số vốn điều lệ NH lên hơn 5.000 tỷ đồng vào cuối năm của NH này sẽ có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài. NH cũng kỳ vọng sẽ đàm phán xong thương vụ trước tháng 7 để thực hiện kế hoạch này.
Trong khi đó, lãnh đạo VIB cũng tiết lộ đang thảo luận với 5 NĐTNN có trụ sở tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản về việc bán cổ phiếu quỹ để nâng vốn điều lệ. LienVietPostBank cũng cho biết đã có quỹ đầu tư của Na Uy đã tìm hiểu và đề nghị mua cổ phiếu NH này với mức giá trên 30.000 đồng/cổ phần, nhưng NH vẫn chưa quyết định về việc này.
Thời gian qua, trước áp lực tăng vốn, nhiều NH đã tăng mạnh vốn tự có bằng nhiều biện pháp khác nhau như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có hoặc tăng vốn điều lệ theo hai hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, một số NH cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn.
Theo Sài Gòn Đầu tư