Tạo tiền lệ xấu nếu giải cứu Mai Linh
Trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam không chấp thuận kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ BHXH hơn 180 tỉ đồng của Tập đoàn Mai Linh.
Ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu - BHXH Việt Nam, cho biết cơ quan bảo hiểm vừa nhận được kiến nghị của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh liên quan đến việc tập đoàn nợ BHXH. Trước đó, Mai Linh đã có văn bản "cầu cứu" đến Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam về những khó khăn của tập đoàn.
Xin khoanh nợ, giãn nợ BHXH 180 tỉ đồng
Ông Đại xác nhận trong kiến nghị gửi đến BHXH Việt Nam, Tập đoàn Mai Linh cho biết do bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với mức lãi suất cho vay khá cao trong thời gian vừa qua, Mai Linh đã tìm giải pháp huy động mọi nguồn lực để chi trả các khoản nghĩa vụ thuế, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và vốn vay cá nhân. Bên cạnh đó, Mai Linh cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải khác đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt, không công bằng của Uber, Grab, dẫn đến doanh thu hoạt động kinh doanh của Mai Linh giảm khoảng 30% so với các năm chưa có Uber, Grab... Mai Linh cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì thời gian tới, đơn vị này sẽ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế, BHXH, BHYT cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.
Taxi Mai Linh hoạt động tại TP HCMẢnh: Gia Minh
Cũng theo ông Đại, trong số liệu thống kê trên toàn hệ thống do Mai Linh cung cấp, tính đến ngày 31-10-2017, số nợ đọng nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN của tập đoàn trên 180 tỉ đồng. Trong đó nợ gốc trên 105 tỉ đồng (tính đến thời điểm 31-10-2017), lãi chậm nộp gần 77 tỉ đồng.
Đứng trước nguy cơ 24.000 lao động mất việc và mất đi thương hiệu lớn, Mai Linh đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam giải quyết những khó khăn thực sự cấp bách trước mắt để công ty duy trì, phát triển lâu dài. Cụ thể, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỉ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 năm từ năm 2018, mỗi năm 6 tỉ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm. Trong quá trình trả nợ gốc, Mai Linh đề nghị BHXH Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để đơn vị vượt qua khó khăn có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và bảo đảm công việc cho 24.000 lao động.
Phải nộp đầy đủ
Liên quan đến kiến nghị của Tập đoàn Mai Linh, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 18-1, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nêu rõ: Cho đến thời điểm này chưa có văn bản nào quy định việc cho phép việc khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp (DN) nên về nguyên tắc, DN phải có trách nhiệm nộp đầy đủ các khoản nợ BHXH, BHYT, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Trí Đại khẳng định BHXH Việt Nam chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện thu BHXH, BHTN, BHYT chứ không có thẩm quyền khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị như trong trường hợp của Mai Linh. Thẩm quyền này thuộc về Chính phủ, áp dụng theo quy định tại khoản 7, điều 10 Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên, theo điều khoản này, trong trường hợp DN gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất - kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng BHXH thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng. Tuy nhiên, DN vẫn phải đóng BHYT, BHTN và đóng BHXH vào các quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1, điều 88 Luật BHXH năm 2014. Hết thời hạn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3, điều 122 của Luật BHXH năm 2014. Như vậy, các đơn vị thuộc Tập đoàn Mai Linh không thuộc trường hợp này.
Không có đặc thù
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết chưa nắm thông tin về kiến nghị thuế của Mai Linh. Về phía vụ chức năng, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, nói nếu văn bản DN gửi về Bộ Tài chính thì bộ sẽ chuyển xuống cục, vụ chức năng. Trong trường hợp này, theo Luật Quản lý thuế sẽ do Tổng cục Thuế xử lý. "Các kiến nghị về thuế đều phải được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế, không có đặc thù" - ông Thi nhấn mạnh.
Chiếu theo quy định của pháp luật, tại khoản 1, điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22-7-2013 của Chính phủ, việc gia hạn nộp thuế chỉ áp dụng đối với một số trường hợp, như DN bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; DN phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất - kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền... Do đó, trường hợp của Mai Linh là khó được chấp thuận.
Hiện nay, tình trạng nợ đọng BHXH còn diễn ra phổ biến với 102.900 đơn vị, DN đang nợ BHXH của 2,6 triệu lao động, tương đương số tiền 14.700 tỉ đồng. Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự 2015, kể từ ngày 1-1-2018, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, tùy mức độ sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tù lên đến 7 năm. Hiện BHXH Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan tố tụng xây dựng văn bản pháp quy hướng dẫn việc thanh tra, xử phạt, xử lý vi phạm ở lĩnh vực này. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng sẽ có nghị quyết để hướng dẫn xử lý, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến BHXH. Đó là lý do mà theo quan điểm của các cơ quan thẩm quyền, mọi cá nhân, tổ chức phải bình đẳng trước pháp luật.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright:
Ai cũng xin hỗ trợ thì giải quyết sao?
Cần phải đánh giá việc Mai Linh đang nợ hơn 180 tỉ đồng các dịch vụ bảo hiểm và xin khoanh nợ, giãn nợ vì nguyên nhân gì. Nhìn khách quan thì dù tình hình kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, lãi suất cao... cũng không thể chịu trách nhiệm thay DN vì bản thân DN khi hoạt động cần dự phòng rủi ro, có chiến lược khôn ngoan để cạnh tranh, tồn tại trên thị trường. Thực tế mỗi năm, có cả ngàn DN bị phá sản, ngừng hoạt động và rời khỏi thị trường, nếu ai cũng xin hỗ trợ là không thỏa đáng.
Sự xuất hiện của loại hình taxi công nghệ Uber, Grab… buộc taxi truyền thống phải thay đổi để tồn tại Ảnh: Gia Minh
Theo tôi, một trong những sai lầm về chiến lược của Mai Linh là đầu tư ngoài ngành, cụ thể là vào bất động sản rồi sa lầy. Mai Linh phải chịu trách nhiệm cho sai lầm chiến lược của mình. Còn lập luận về việc bị Uber, Grab cạnh tranh dẫn đến khó khăn cũng không ổn. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc cạnh tranh với các DN ứng dụng công nghệ như Uber, Grab... là tất yếu mà DN nào chậm nắm bắt xu thế về công nghệ, thị trường và chuyển mình chậm sẽ có nguy cơ bị đào thải. Khi gặp khó khăn như vậy đi xin được hỗ trợ, được "cứu" sẽ là tiền lệ xấu. T.Phương
Người lao động