Tạo “vốn mồi” cho doanh nghiệp
Nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng cần nhìn về tương lai để đẩy mạnh cho vay tín chấp nhằm tạo vốn mồi cho doanh nghiệp phục hồi.
- 17-09-2021HSBC dự báo tỷ giá USD/VND sẽ giảm tiếp, cuối năm chỉ còn 22.525 đồng/USD
- 17-09-2021Cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại phong độ
- 17-09-2021Ngân hàng nào đang dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số?
Tăng trưởng tín dụng trong của nhiều địa phương trong giãn cách xã hội, gần như đứng yên hoặc tăng thấp.
Tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2021.
Doanh nghiệp chững nhu cầu vốn
Theo thống kê của NHNN, lãi suất liên ngân hàng cuối tháng 8, đầu tháng 9 đã giảm xuống rất thấp ở tất cả các kỳ hạn. Đặc biệt, lãi suất qua đêm đối với VND có thời điểm chỉ còn 0,50% nhưng không phát sinh doanh số giao dịch cao, tương tự là lãi suất qua đêm đối với USD chỉ còn 0,10%, mức rất thấp ở các kỳ hạn chủ chốt mà các nhà băng thường vay mượn.
Điều này được cho là đến từ việc các ngân hàng thực tế không có nhu cầu vay mượn ở thị trường 2 khi đầu ra tín dụng đang tạm chững lại, đặc biệt khi trong tháng 8, đầu tháng 9, hàng loạt địa phương và 19 tỉnh thành phía Nam vẫn giãn cách xã hội, dẫn đến doanh nghiệp không thể vận hành sản xuất kinh doanh như bình thường nên cũng không phát sinh nhu cầu vốn.
Kích thích lan tỏa
Theo thống kê của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, nhóm khách hàng có tăng trưởng tín dụng tích cực, thuộc về các doanh nghiệp khu công nghiệp – khu chế, với mức tăng 11,7% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi so với mức tăng bình quân chung trên địa bàn. Đây là nhóm chủ yếu có các doanh nghiệp nước ngoài hoặc xuất khẩu, trong đại dịch vẫn phải "3 tại chỗ" để đảm bảo đơn hàng quốc tế.
Do đó, các chuyên gia cho rằng trong những tháng cuối năm, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ được đặt trước hết ở nhu cầu của nhóm xuất khẩu. "Khi những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam phục hồi nhu cầu, thì tín dụng ngoại tệ giá rẻ cần được đẩy mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn ký tiếp đơn hàng", ông Nguyễn Ngọc Hưng, đại diện một Công ty Xuất nhập khẩu phía Nam bày tỏ.
Theo ông Đỗ Thanh Năm, Chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp, bên cạnh đó, cần lưu ý trọng tâm khối doanh nghiệp có nhu cầu vốn theo thời vụ cuối năm như khối bán lẻ, khối sản xuất các mặt hàng sản xuất tiêu dùng phục vụ thị trường bán lẻ. "Nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có quy mô rất nhỏ. Họ không còn năng lực đáp ứng tài sản thế chấp để vay mới, vì vậy, rất cần ngân hàng nhẫn nại tư vấn quản lý dòng tiền, nhìn về triển vọng có dòng tiền tương lai mà chấp nhận cho vay tín chấp, ưu tiên các doanh nghiệp có ứng dụng chuyển đổi số thích ứng với đại dịch. Chỉ cần được "mồi" vốn rẻ, họ sẽ có cơ hội phục hồi, góp phần tạo sức lan tỏa lớn", ông Năm nhận định.
Diễn đàn doanh nghiệp