Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam không liên quan đến Casumina
Ngày 30-5, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc dư luận có sự hiểu lầm Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) thuộc VRG.
- 30-05-2024Quốc Cường Gia Lai ra văn bản khẳng định chưa bao giờ làm việc trực tiếp với Tập đoàn Cao su về dự án 39-39B Bến Vân Đồn
- 24-05-2024Khởi tố nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Lê Quang Thung
- 24-04-2024Khởi tố Tổng Giám đốc một công ty cao su trên sàn chứng khoán
Việc này gây ảnh hưởng đến thương hiệu và hình ảnh của VRG.
Theo VRG, tối ngày 29-5, nhiều tờ báo đưa tin về việc Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo VRG, tuy cùng có tên "công nghiệp cao su" nhưng Casumina là nhà sản xuất săm lốp xe và là doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem, hiện nắm hơn 50% vốn điều lệ).
VRG cho biết dư luận đã có sự hiểu lầm Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam thuộc VRG gây ảnh hưởng đến thương hiệu và hình ảnh của VRG.
Do đó, VRG đã báo cáo đến Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP HCM và các cơ quan truyền thông quan tâm hỗ trợ thông tin đầy đủ, chính xác để không ảnh hưởng đến thương hiệu và hình ảnh của VRG.
VRG hiện có 101 công ty con và 16 công ty liên kết, sản xuất kinh doanh 5 ngành nghề chính: trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tập đoàn có 59 nhà máy và xưởng chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế 636.400 tấn/năm. Ngoài diện tích cao su ở Việt Nam, VRG còn đầu tư trồng và chế biến cao su tại Lào và Campuchia với tổng diện tích gần 115.000 ha.
Người Lao động