MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn của Mỹ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi 13 tỷ USD tại Việt Nam

Tập đoàn của Mỹ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi 13 tỷ USD tại Việt Nam

Tập đoàn AES mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận với tổng kinh phí 13 tỷ USD, công suất dự kiến 4.000 MW.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đối thoại thường niên An ninh Năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ vừa diễn ra từ ngày 27 đến 28/7 tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Phái đoàn Việt Nam do ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn cùng các thành viên bao gồm: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương); Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao; Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, đại diện hai bên cùng trao đổi các vấn đề then chốt trong hợp tác năng lượng song phương bao gồm sản xuất điện sạch, phát triển thị trường điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, truyền tải và lưu trữ năng lượng; vai trò của khí tự nhiên hoá lỏng và các bước cần thiết để chuyển đổi năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Đồng thời, thảo luận chi tiết về tương lai của các công nghệ năng lượng sạch như điện gió ngoài khơi, hydrogen, pin lưu trữ và điện hạt nhân.

Đặc biệt, trong khuôn khổ đối thoại, Tập đoàn AES của Hoa Kỳ đã đề xuất ý định thư với Phái đoàn Việt Nam với mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận, Việt Nam với tổng kinh phí là 13 tỷ USD, công suất dự kiến 4.000 MW.

Việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi này của Tập đoàn AES với mong muốn đóng góp vào kế hoạch giảm phát thải carbon của Việt Nam và đạt được mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.

Ngoài ra, Cục Tài nguyên Năng lượng của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã gửi lời mời chính thức đoàn Việt Nam tham dự hai chuyến công tác thăm quan thực tế thị trường điện và năng lượng tái tạo dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022 tại Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã công bố hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Việt Nam (NPT) nhằm thúc đẩy việc triển khai các công nghệ lưới điện thông minh theo lộ trình công nghệ thông tin 2.0 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). NPT đã chọn LLC để triển khai hỗ trợ kỹ thuật này.

Được biết, về dài hạn đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, ngành điện sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện khoảng 400.000 MW.

Bộ Công Thương Việt Nam mới đây cũng đã yêu cầu chính phủ loại bỏ các dự án nhiệt điện than trong tương lai với tổng công suất 14.120 MW khỏi quy hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia.

Theo thống kê, đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 84 dự án điện gió kịp vận hành thương mại với tổng công suất hơn 3,980 MW. Trong số đó, các nhà máy có công suất lớn nhất như Phong Điện Trung Nam đặt tại Ninh Thuận, công suất 151,1 MW/năm; Nhà máy điện gió Ea Nam đặt tại Đắk Lắk, công suất 399,6 MW/năm; Trang trại điện gió BT1 đặt tại Quảng Bình, công suất 109,2 MW/năm; Nhà máy điện Đông Hải 1 đặt tại Trà Vinh, công suất 100 MW/năm.

Theo Nguyễn Nga

BizLIVE

Trở lên trên