Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc nợ hơn 600 tỷ USD
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRC) cho biết, tập đoàn này đang nợ hơn 600 tỷ USD.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRC) cho biết, tập đoàn này đang nợ hơn 600 tỷ USD. Con số này gần gấp đôi số nợ của Hy Lạp.
Nhu cầu vận tải bằng đường sắt giảm
CRC vận hành hệ thống tàu hỏa của Trung Quốc , trong đó có 19.000 km đường sắt cao tốc. Nhưng theo báo cáo tài chính, đến cuối tháng 4 vừa qua, nợ của tập đoàn này đã lên tới 4,14 nghìn tỷ NDT (614 tỷ USD) cao gần gấp đôi Hy Lạp, quốc gia lâm vào cuộc khủng hoảng nợ với số tiền ước tính 311 tỷ euro vào cuối năm ngoái. Khoản nợ này của Hy Lạp đã làm cả khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu lao đao.
Theo Tổng giám đốc CRC Sheng Guangzu, khối lượng vận tải đường sắt năm 2015 giảm 10% so với năm 2014 và là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay. Khối lượng hàng hóa vận chuyển giảm nhiều nhất là than đá và thép. Khối lượng vận chuyển trong quý I/2016 giảm 9,43% so với cùng kỳ năm 2015 xuống còn 788 triệu tấn. Doanh thu từ vận chuyển hàng hóa cũng giảm 14,59% xuống còn 52,11 tỷ NDT.
Cuối năm 2015, Hãng thông tấn Caixin dẫn Báo cáo kiểm toán nội bộ của CRC cho thấy: 3 quý năm 2015, CRC đã thiệt hại tới 9,4 tỷ NDT (1,5 tỷ USD), do nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong nước sụt giảm mạnh. Doanh thu từ các đơn vị vận chuyển hàng hóa giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy mức tổng doanh thu của CRC xuống còn 444,8 tỷ NDT. 3 quý năm 2015, mức thiệt hại của CRC cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa tại Trung Quốc đã đem lại cho CRC những khoản lợi nhuận vô cùng khổng lồ trong nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 3/2013, nhu cầu sử dụng các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong nước đã bắt đầu giảm đáng kể. Tính đến tháng 9/2015, tổng dư nợ cho vay của CRC đã lên tới 3,2 nghìn tỷ NDT, trong đó 34,4 tỷ NDT được vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Đức.
Mô hình không bền vững
Hồi đầu năm nay, CRC công bố kế hoạch chi 800 tỷ NDT vào cơ sở hạ tầng. Báo cáo quý I cho biết, công ty này đã đầu tư 72,74 tỷ NDT trong 3 tháng đầu năm nay, chiếm khoảng 9% tổng kế hoạch.
Ngành Đường sắt Trung Quốc không ngừng mở rộng các dự án trên khắp thế giới. Tham vọng của Trung Quốc là phổ biến công nghệ đường sắt giá rẻ của mình với các nước, từ những nước nghèo, đến các nước đang phát triển và cả những nước phát triển, Trung Quốc coi đây là lợi thế của mình trong cuộc cạnh tranh đường sắt với Nhật Bản. Bên cạnh đó, để ngăn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cũng dựa vào một biện pháp không phải là mới đối với nước này: Đầu tư mạnh vào lĩnh vực đường sắt cao tốc.
Dự kiến, số nợ của ngành Đường sắt Trung Quốc trong năm nay sẽ tiếp tục tăng khi mới đây, ông Yin Weimin, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội cho biết, nước này dự kiến sẽ sa thải khoảng 1,8 triệu công nhân ngành Than và thép nhằm giảm tình trạng dư cung, theo Bloomberg.
Đồng thời, giới chức dự kiến giảm công suất ngành Than tới 500 triệu tấn và ngành Thép tới 150 triệu tấn từ nay đến năm 2020. Điều này đồng nghĩa vận chuyển hàng hóa đường sắt sụt giảm theo.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào đường sắt cao tốc cũng làm gia tăng gánh nặng nợ nần vốn đã lớn do gói kích thích kinh tế khổng lồ hậu khủng hoảng tài chính. Năm 2015 là năm thứ tư liên tiếp CRC là nhà phát hành nợ nội địa lớn nhất Trung Quốc. Để giảm bớt sức ép về vốn đầu tư đường sắt đối với Nhà nước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu ngành Đường sắt nước này mở rộng cửa hơn cho khu vực tư nhân tham gia.
Các khoản vay của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc tăng đều hơn 8% mỗi năm, để đáp ứng cơn sốt mở rộng hệ thống tàu hỏa cao tốc, một trong những niềm tự hào của Trung Quốc. Theo Giáo sư Zhao Jian thuộc trường Đại học Giao thông Bắc Kinh, số nợ đang tiếp tục tăng, cho thấy mô hình kinh doanh của tập đoàn này không bền vững. Thua lỗ của tập đoàn tăng 35% so với năm trước, riêng quý I/2016 đã lỗ 8,73 tỷ NDT.
Trung Quốc hiện nay cũng đang cố gắng chuyển nền kinh tế sang hướng giảm phụ thuộc tăng trưởng vào các dự án xây dựng lớn và xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh khó kiềm chế được "cơn nghiện" tăng trưởng GDP của mình, với "thuốc chích" là các dự án hạ tầng lớn, điển hình là ngành Đường sắt, được Bắc Kinh cấp nhiều vốn để phát triển hệ thống đường sắt hiện đại nhằm kết nối với các vùng dân cư thưa thớt phía Tây.
Báo Giao thông