Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền có tổng tài sản 41.000 tỷ, lãi vỏn vẹn chỉ 16 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Geleximco - CTCP đạt 40.992 tỷ đồng, tuy nhiên lãi sau thuế chỉ 15,8 tỷ đồng, giảm 95% so với kỳ trước.
- 29-09-2023Phép thử của kỷ cương về đất đai
- 29-09-2023Thị trường bất động sản sắp "chuyển mình" vào chu kỳ mới?
- 29-09-2023Một doanh nghiệp bất động sản “lạ” có nợ phải trả âm 256 lần so với vốn chủ sở hữu
Tập đoàn Geleximco - CTCP vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế giảm mạnh từ 337 tỷ đồng ở kỳ trước xuống 15,8 tỷ đồng ở kỳ này, tức giảm 95%.
Tại thời điểm 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Geleximco là 12.810 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kỳ trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 0,12%, trong khi ở kỳ trước con số này là 2,6%.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2.2 lần, tương đương 28.182 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 40.992 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là 4.611 tỷ đồng.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ ngày 11/5 – 5/6, Geleximco có 6 lần mua lại trái phiếu trước hạn đối với lô GLXCH2123001 với tổng giá trị gần 259 tỷ đồng. Sau khi mua lại, giá trị đang lưu hành của lô trái phiếu này còn hơn 741 tỷ đồng.
Lô trái phiếu GLXCH2123001 được phát hành vào ngày 10/11/2021 có tổng giá trị theo mệnh giá 1.000 tỷ đồng, là trái phiếu được phát hành ở thị trường trong nước và sẽ đáo hạn vào ngày 10/11/2023.
Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi bán niên 2023, tính đến 30/6/2023, Geleximco có 4 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị theo mệnh giá 3.871 tỷ đồng, bao gồm GELEXIMCO.BOND.2020.2023 (1.147,4 tỷ đồng), GLXCH2123001 (735,5 tỷ đồng), GLXCH2124002 (979,73 tỷ đồng) và GLXCH2123003 (1.008 tỷ đồng).
Trong 4 lô trái phiếu của Tập đoàn Geleximco đang lưu hành, ngoại trừ lô GLXCH2124002 đáo hạn vào năm 2024, 3 lô trái phiếu còn lại với tổng trái phiếu đang lưu hành là 2.723 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong 3 tháng cuối năm 2023.
Geleximco là Tập đoàn kín tiếng tại Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch kiêm người sáng lập Vũ Văn Tiền .Geleximco tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Năm 2001, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng, hợp tác với Tập đoàn LILAMA đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức đầu tư lên tới 350 triệu USD. Hiện vốn điều của lệ của doanh nghiệp này đạt 9.600 tỷ đồng.
Geleximco xây dựng mô hình phát triển đa ngành, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Sản xuất công nghiệp; tài chính ngân hàng; bất động sản và thương mại dịch vụ.
Với mảng Bất động sản, Geleximco được biết đến với nhiều dự án như Dragon Ocean Do Son (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng) tại Đồ Sơn - Hải Phòng, Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, khu đô thị An Bình City...
Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng , Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank), CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình... Trong đó, Geleximco đang nắm 12,8% cổ phần của ABBank, là cổ đông lớn thứ hai sau Malayan Banking Berhad (Maybank). ABBank thuộc nhóm ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ trong hệ thống, hiện ông Vũ Văn Tiền nắm giữ vai trò Phó chủ tịch HĐQT.
Còn lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tập đoàn sở hữu sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club. Hiện doanh nghiệp này đang có ý định tiếp tục đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Lào Cai, Hải Phòng…
Năm 2022, Geleximco nổi đình đám với thông tin ký kết thỏa thuận thuê đất, hạ tầng… để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô với tổng vốn đầu tư lên đến 800 triệu USD (gần 19.000 tỷ đồng) tại Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Nhịp sống thị trường