Tập đoàn Hóa chất đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giảm lãi suất
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kiến nghị với các ngân hàng chấp thuận cho phép được khoanh nợ hoặc giảm lãi suất, kéo dài thời hạn vay...
Bộ Công Thương vừa lập đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) liên quan đến tình hình hoạt động của tập đoàn và các đơn vị thành viên. Theo ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Vinachem cho hay, 5 tháng đầu năm, doanh thu tập đoàn đạt 19.314 tỷ đồng tăng 10,8%.
Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước đạt 54 tỷ đồng… Đáng chú ý 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón thua lỗ nghìn tỷ (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Vinachem, DAP số 2 Vinachem) cũng khởi sắc. Dẫu thế, ông Tường cũng cho hay, tập đoàn đang nỗ lực thu xếp, huy động mọi nguồn lực để trả nợ cho các ngân hàng đúng kỳ hạn, đồng thời cũng đề xuất, kiến nghị với các ngân hàng chấp thuận cho phép được khoanh nợ hoặc giảm lãi suất, kéo dài thời hạn vay.
Liên quan đến kế hoạch thoái vốn, tái cơ cấu, theo ông Tường, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinachem, tập đoàn đã báo cáo Bộ Công Thương phương án và lộ trình cổ phần và thoái vốn. Đến nay, Bộ Công Thương đã có văn bản nhất trí và Vinachem đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020. Năm 2018, tập đoàn thực hiện thoái hết vốn tại 7 doanh nghiệp, bán bớt phần vốn tại 8 doanh nghiệp. Năm 2019, tập đoàn thực hiện thoái hết vốn tại 8 doanh nghiệp, bán vớt vốn tại 6 doanh nghiệp. Dự kiến năm 2020, tập đoàn thực hiện thoái hết vốn tại 4 doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, việc quan trọng nhất là vấn đề về tài chính, Vinachem bằng mọi biện pháp giải quyết dứt điểm vấn đề tài chính tại công ty mẹ (trả nợ những khoản vay cho Dự án Đạm Ninh Bình) cũng như huy động tiền nhàn rỗi tại các đơn vị có lãi và thoái vốn tại 8 đơn vị đã phê duyệt. Đồng thời lãnh đạo Tập đoàn cần sát sao hơn nữa trong việc chỉ đạo tăng cường quản trị sản xuất, rà soát lại tất cả các quy trình sản xuất, nhằm hạn chế tiêu hao năng lượng, nếu yếu ở khâu nào thì cho thay thế nhân sự ở khâu đó. Theo ông An, các dự án có chi phí phát sinh bất hợp lý thì phải ngừng ngay.
Tiền phong