Tập đoàn Thuận An có Chủ tịch, TGĐ vừa bị bắt: Vốn điều lệ tăng 200 lần, nổi danh nhờ loạt dự án nghìn tỷ
Khi mới thành lập, Tập đoàn Thuận An có vốn điều lệ chỉ 3,9 tỷ đồng. Đến nay, con số này là 800 tỷ đồng.
- 16-04-2024Tổng giám đốc PNJ: Biên lợi nhuận kinh doanh vàng miếng chưa đến 1%
- 16-04-2024Chủ tòa nhà đắt giá nhất khu Ba Son tại TP.HCM kinh doanh ra sao?
- 16-04-2024Trước khi Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc ngỏ ý lần 2, đã có không ít “tay chơi” nhắm vào Kho báu top 2 thế giới tại Việt Nam
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan; đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự; Ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc về tội "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự; Ông Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Sáng 16/4, website của công ty này không thể truy cập.
Tập đoàn Thuận An, tiền thân là CTCP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch, được thành lập vào tháng 8/2004 với vốn điều lệ 3,9 tỷ đồng.
Tập đoàn Thuận An (hay Thuận An Group) được biết đến là tập đoàn chuyên về lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, kinh doanh và đầu tư bất động sản.
Giai đoạn 2011-2018, Tập đoàn Thuận An bắt đầu mở rộng quy mô với đích đến là xây dựng hạ tầng kỹ thuật với 3 lần tăng vốn điều lệ đều tính bằng lần. Đến năm 2014, vốn đăng ký của doanh nghiệp đã lên 300 tỷ đồng, tức tăng gần 80 lần sau 10 năm.
Năm 2021, doanh nghiệp tăng tiếp vốn điều lệ lên gần 3 lần (800 tỷ đồng, hơn 200 lần so với khi mới thành lập).
Nhiều năm gần đây, Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô vài trăm tỷ đồng.
Trong vai trò là nhà thầu độc lập, hoặc thành viên liên danh, Thuận An đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Loạt dự án giao thông nghìn tỷ của Tập đoàn Thuận An
Tháng 7/2020, liên danh Công ty CP thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng - Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng - Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP phát triển xây dựng và thương mại Thuận An là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu gói thầu số 5 thi công xây dựng thuộc dự án sửa chữa cầu Thăng Long. Giá trúng thầu là 242,846 tỷ đồng, giảm 0,2% so với giá gói thầu (243,444 tỷ đồng).
Tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Tập đoàn Thuận An tham gia thi công gói thầu XL10: xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km81+500 - Km94+500 (bao gồm các cầu Khải Định, cầu số 6, cầu số 7, cầu Km88 - Km88+987,07).
Trong năm 2023, liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1 – CTCP đầu tư xây dựng Trường Sơn - CTCP Tập đoàn Đạt Phương –Thuận An Group đã trúng gói thầu số 11-XL: Thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến có giá gói thầu 2.073 tỷ đồng, giá trúng thầu 1.727 tỷ đồng.
Liên danh Thuận An Group - CTCP xây lắp và Cơ khí Phương Nam - CTCP xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam- CTCP tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam trúng gói thầu xây lắp số 02: Thi công xây dựng đoạn Km22+000 - Km32+000 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với giá trúng 2.078 tỷ đồng.
Liên danh Thuận An Group - CTCP tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam cũng đã trúng gói thầu số 04-XL thi công xây dựng đoạn Km12+500 đến Km19+120 thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Hà Giang với giá trúng thầu là hơn 815 tỷ đồng…
Tập đoàn Thuận An còn xây dựng các cầu sông Rút nằm trên tuyến cao tốc nối Hạ Long với Bạch Đằng; Cầu Cửa Hội - dây văng Extradosed bắc qua sông Lam; Cầu Vĩnh Tuy 2 - cửa ngõ ra vào Thủ đô Hà Nội; cầu Rạch Miễu 2...
Công ty CP Tập đoàn Thuận An cũng thi công cầu Kỳ Lộ - cây cầu dài nhất (1,8km) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Tập đoàn Thuận An cũng chính là 1 trong 2 nhà thầu chính thi công cầu dây văng Máy Chai nối từ mương Cầu Tre (Ngô Quyền) sang đảo Vũ Yên (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Công trình nằm ngay cửa biển có các tàu tải trọng lớn ra - vào.
Tại cầu dây văng Đồng Việt nối tỉnh Bắc Giang với Hải Dương, Thuận An là nhà thầu đảm nhận khối lượng công việc lớn nhất dự án với giá trị thi công gần 800 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Đời Sống Pháp Luật