Tập đoàn Thuận An thi công chậm tiến độ dự án giao thông quan trọng nối Hà Nội - Nội Bài
Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An trúng 1 gói thầu bị chậm tiến độ nhiều lần, gây bức xúc
Tập đoàn Thuận An, trước đây là Công ty cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, được thành lập từ năm 2004. Công ty này nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, cũng như đầu tư vào bất động sản.
Đến năm 2023, Công ty cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, đại diện pháp luật khi này là ông Trần Anh Quang (SN 1985), Tổng giám đốc và ông Nguyễn Duy Hưng (SN 1974) là Chủ tịch HĐQT.
Trong những năm gần đây, Tập đoàn Thuận An liên tục trúng nhiều gói thầu xây lắp, bao gồm cả những gói thầu quy mô lớn, trị giá hàng trăm tỉ đồng ở nhiều địa phương. Tập đoàn này tham gia dưới nhiều hình thức như nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong các liên danh và hiện đang thi công hàng loạt các dự án tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
Tại TP Hà Nội, Công ty Thuận An đã góp mặt ở nhiều gói thầu dự án giao thông trọng điểm do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban giao thông) làm chủ đầu tư, nhiều dự án đã hoàn thành. Hiện Công ty này đang thực hiện 1 gói thầu tại Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) với vai trò liên danh cùng với 1 công ty khác.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Phòng I thuộc Ban giao thông Hà Nội cho biết Công ty Thuận An đã hoàn thành cơ bản các hạng mục gói thầu, chỉ còn một phần nhỏ khối lượng công việc. Đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc để nhà thầu hoàn thiện gói thầu, trong trường hợp "khó", chủ đầu tư sẽ phân phối lượng công việc hợp lý để bảo đảm tiến độ thi công công trình theo chỉ đạo của thành phố.
Dự án này ban đầu dự kiến thi công từ 2018 đến 2020, tuy nhiên đến nay dự án này chưa hoàn thành khiến người dân bức xúc. Đây là một trong những dự án chậm tiến độ gây bức xúc nhất ở Hà Nội hiện nay.
Lý giải nguyên nhân dự án mở rộng đường Âu Cơ bị chậm tiến độ, đại diện Ban Giao thông Hà Nội cho rằng dự án nhiều lần phải điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của Bộ ngành khi áp quy định theo Luật Đê điều; cùng với đó mỗi năm vào mùa lũ dự án phải dừng thi công khoảng 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9); trong quá trình thi công nhà thầu gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tại thời điểm xây dựng hồ sơ thầu dự án với thời điểm thi công tại tăng cao…
Ngoài ra, tại công trình tại dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (giai đoạn 1), sau khi dự án thông xe, đưa vào sử dụng được hơn 1 năm thì nhiều công nhân thi công tại gói thầu do Tập đoàn Thuận An thi công đã có đơn phản ánh với cơ quan chức năng việc họ chưa nhận được lương trong thời gian thi công tại công trình.
Sau khi nắm bắt sự việc, chủ đầu tư đã làm việc với nhà thầu là Tập đoàn Thuận An, qua đó đã xác định, sự việc xảy ra là do các nhà thầu phụ của Tập đoàn Thuận An nợ lương công nhân, từ thực tế này chủ đầu tư đã yêu cầu Tập đoàn Thuận An làm việc với các nhà thầu phụ tháo gỡ, giải quyết vụ việc.
Ngoài dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm, Tập đoàn Thuận An đã trúng thầu và thi công nhiều dự án khác ở Hà Nội, như: dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long; dự án cầu Vĩnh Tuy 2 (dự án trọng điểm); dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên.
Với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, dự án do Cục Đường bộ Việt Nam-Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An là một trong các nhà thầu thi công dự án, công trình đã hoàn thành năm 2021 và bàn giao cho Hà Nội tiếp quản và tổ chức giao thông.
Với dự án cầu Vĩnh Tuy 2, do Ban giao thông làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An liên doanh cùng Công ty Cổ phần cầu 7 Thăng Long trúng thầu và thực hiện gói thầu số 2, gói thầu có giá trị 289 tỉ đồng; hiện dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đã thi công xong và mới được đưa vào sử dụng.
Tại dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, do Ban Giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An trúng thầu gói số 12 giá trị khoảng 100 tỉ đồng, hiện dự án cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018.
Người lao động