Tập đoàn Thuận An xin rút khỏi dự án cao tốc gần 21.000 tỷ đồng sau khi Chủ tịch HĐQT, TGĐ bị bắt
Tập đoàn Thuận An được chỉ định thực hiện gói thầu xây cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhưng hiện đã xin rút lui.
Tập đoàn Thuận An xin rút khỏi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Tại buổi họp báo định kỳ do tỉnh Khánh Hòa tổ chức vào chiều 10/7, ông Nguyễn Thanh Hà - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong các gói thầu thuộc giai đoạn 1 Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, liên danh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) đứng đầu được chỉ định thầu gói thầu số 2 - xây dựng 10km đường cao tốc.
Sau khi lãnh đạo của Tập đoàn này bị khởi tố, cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã chủ động làm việc với đại diện Tập đoàn Thuận An. Tại đây, Tập đoàn cho biết sẽ rút khỏi gói thầu thi công số 2 của dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
"Thuận An nói sẽ không tham gia thi công nữa. Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ họp và có phương án sắp xếp, xử lý để sớm triển khai đoạn cao tốc này vì đây là các dự án đã được Quốc hội thông qua", báo Dân Trí dẫn lời ông Hà thông tin tại họp báo.
Gói thầu mà liên danh Tập đoàn Thuận An thực hiện có tổng giá trị hơn 2.078 tỷ đồng, để thi công xây dựng đoạn km22+000 - km32+000 đường cao tốc, bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công.
Báo Lao Động Chánh trích lời Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm rằng, đối với gói thầu do Tập đoàn Thuận An đến nay vẫn chưa thi công do vướng mặt bằng dù dự án đã khởi công từ tháng 6/2023.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, tổng mức đầu tư gần 21.000 tỷ đồng, quy mô giai đoạn 1 bốn làn xe (không có làn dừng khẩn cấp), được chia thành 3 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, dài 31,5 km, thuộc địa bàn TX.Ninh Hòa có bốn làn xe, tổng mức đầu tư hơn 5.330 tỷ đồng.
Vụ án tại Tập đoàn Thuận An
Những vi phạm của Tập đoàn Thuận An hiện đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ”.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, đến thời điểm hiện tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can.
Trong đó có bị can Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; bị can Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Ba bị can là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.
Ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Quá trình điều tra vụ án này cho thấy trong giai đoạn từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên doanh, tham gia và trúng 32 gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố với tổng giá trị hơn 23.000 tỷ đồng.
Đặc biệt trong 2 năm 2022-2023, Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỷ đồng.
Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đời sống và pháp luật