MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập hợp nguồn lực người Việt ở nước ngoài hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam

17-07-2021 - 09:01 AM | Doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Văn Tùng (trái) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu ký biên bản hợp tác và phát động chương trình “Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Văn Tùng (trái) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu ký biên bản hợp tác và phát động chương trình “Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu”.

Đây là sự kiện nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân kiều bào chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam; đồng thời tạo không gian để kiều bào trao đổi, đề xuất những kiến giải nhằm xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Chiều ngày 16/07/2021 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là sự kiện nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân kiều bào chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam; đồng thời tạo không gian để kiều bào trao đổi, đề xuất những kiến giải nhằm xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. 

Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả là đại diện Startup người Việt thành công quốc tế, dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp như: Bà Lê Diệp Kiều Trang (Giám đốc tài chính Arevo/ Đồng sáng lập Quỹ Alabaster), Ông Cao Anh Tuấn (Giám đốc Công nghệ Genetica), Ông Trần Bảo Khánh (Tổng Giám đốc và Đồng sáng lập Rens Original), Ông Phạm Kim Cương (Nhà sáng lập Cohost AI). Tại đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) sẽ có cơ hội lắng nghe các diễn giả bàn luận và chia sẻ bài học của mình trong hành trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng cho sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế, để từ đó phát huy tối đa tiềm năng tại thị trường nội địa và phát triển, mở rộng kinh doanh sang nước ngoài. Những chia sẻ đó thể hiện vai trò và sức mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như sự cần thiết của việc thúc đẩy mạng lưới kết nối những người Việt, startup Việt ở nước ngoài hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.  

Hội thảo cũng đánh dấu sự hợp tác chính thức giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ban Điều hành Đề án 844 trong hành trình huy động, tập hợp nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, hình thành mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. 

Tập hợp nguồn lực người Việt ở nước ngoài hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Quang Hiệu

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, về lâu dài các doanh nghiệp khởi nghiệp, dựa trên nền tảng đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới sẽ là đầu tầu của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tại Việt Nam, năm 2016 được lựa chọn là năm "Quốc gia khởi nghiệp" cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cho vấn đề khởi nghiệp.  Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành cơ chế pháp lý, chính sách, những đề án cụ thể hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Từ đó đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã từng bước được hình thành, củng cố và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng đáng ghi nhận, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, nhân sự, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp v..v, cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt từ những doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp thành công đi trước để tiếp tục tăng tốc, bứt phá hơn nữa.

Tập hợp nguồn lực người Việt ở nước ngoài hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Đề án 844 Trần Văn Tùng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ, việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Ban điều hành Đề án 844 và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài sẽ mở ra hướng đi mới cho việc tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia, người Việt tại nước ngoài và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, với hai định hướng chính: Thứ nhất, thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật nhất đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai, sự hợp tác giữa 2 bên sẽ là đòn bẩy giúp thu hút và thúc đẩy vai trò, sự tham gia của các chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước.

Theo số liệu từ chương trình "Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020", cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là dịch vụ nền tảng, có tác động mạnh mẽ đến việc tăng doanh thu gấp 3.5 lần và cơ hội gọi vốn thành công tăng 7 lần cho người khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, chương trình cố vấn khởi nghiệp tại các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam 2020 còn gặp hạn chế liên quan đến dịch vụ cố vấn và lập kế hoạch triển khai dịch vụ. Theo đó, tại hội thảo lần này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Văn phòng Đề án 844 phối hợp cùng đối tác chuyên môn là Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss Entrepreneurship Program) cùng Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) sẽ khởi động Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu (Global Mentoring Program for V-startups). 

Trong chương trình, các chuyên gia người Việt ở nước ngoài sẽ cố vấn, hỗ trợ các startup Việt Nam giải quyết các vấn đề, khó khăn mà startup đang gặp phải dưới dạng hình thức cố vấn 1-1. Chương trình dự kiến có sự tham gia của các chuyên gia người Việt về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ Silicon Valley (Mỹ), Đức, Vương Quốc Anh, Nhật Bản,... trên nhiều lĩnh vực như Fintech, Edtech, Agritech,... Từ đó, hình thành mạng lưới chuyên gia cố vấn người Việt ở nước ngoài hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. 

Việc phát huy, thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp phát triển đất nước là một nội dung quan trọng của công tác ngoại giao phục vụ phát triển trong nhiều năm qua. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định năm 2016 là "Năm khởi nghiệp quốc gia", Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động đề xuất, phối hợp cùng UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn "Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam" ngày 9/12/2017 tại San Francisco, Hoa Kỳ và Diễn đàn "Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước" ngày 26/6/2018 tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, trí thức trẻ ở cả trong và ngoài nước. Kể từ đó đến nay, Uỷ ban thường xuyên đồng hành cùng các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kiều bào trẻ khởi nghiệp, sáng tạo như các cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu hàng năm của Viet Challenge (Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ), và cuộc thi đổi mới sáng tạo Hack4growth của AVSE (Hội chuyên gia và khoa học Việt Nam toàn cầu), thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam…

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên