Tập trung các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả trong 6 tháng cuối năm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.
Sáng ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
- 13-07-2022Sống ở TP. HCM và Hà Nội đang đắt rẻ ra sao so với các thành phố lớn khác ở Đông Nam Á như Singapore, Bangkok, Manila?
- 30-06-2022Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 13 lần trong quý II so với cùng kỳ, dòng khách từ đâu đổ về nhiều nhất?
- 28-06-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Cái người lao động cần thì không sửa
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022 là thời điểm diễn ra rất nhiều những sự kiện và những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của thế giới nói chung.
Tại Việt Nam, những yếu tố khác như chính sách Zero COVID của Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung về nguyên liệu cho các ngành sản xuất. Đồng thời ảnh hưởng đến đầu ra cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông sản.
Về xăng dầu, cùng với sự khó khăn của cả thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn cung do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm được theo kế hoạch. Cho nên trong 3 tháng đầu năm, việc điều hành xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhất là do nguồn cung về xăng dầu cùng với việc giá cả leo thang.
Tuy nhiên, trước bối cảnh đó, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật về kinh tế xã hội, chính trị ổn định, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng chỉ rõ, vẫn còn nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước như tình hình lạm phát trên phạm vi toàn cầu, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng nguồn cung về nguyên vật liệu, các vật tư chiến lược như xăng dầu, phân bón hoặc các hóa chất cơ bản là các nguyên liệu cho các ngành sản xuất mà Việt Nam đang có lợi thế trong việc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng chưa có dấu hiệu kết thúc. Cho nên, dự báo tình hình thế giới cả về chính trị và kinh tế sẽ còn rất bất ổn và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nước ta.
Theo đại diện Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm, nền kinh tế dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; Điện thương phẩm tăng 7,1 - 9,1%, trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.
Đặc biệt, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Uỷ Ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất: Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
Về kết quả 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2021 tăng 5,74%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết thêm, đối với hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 29,2%), đạt hơn 186 tỷ USD. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 19,5% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3%).
Nhìn chung, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu: 6 tháng năm 2022 cấp C/O mẫu CPTPP đạt 1,32 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ…
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,8%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 5,8%.
“Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, bà Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh.
Báo tin tức