MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập trung chống dịch cao nhất cho TP HCM

05-07-2021 - 07:23 AM | Xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP HCM.

Ngày 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP HCM và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Dịch bệnh được kiểm soát trên tổng thể

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát về tổng thể.

Trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm trên 3.600 ca mắc mới. Đáng chú ý, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang liên tục tăng số ca mắc do địa bàn tiếp giáp với TP HCM, có nhiều nhà máy, khu công nghiệp với số lượng lớn người lao động giao lưu, đi lại với khu vực có dịch.

Tại TP HCM và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp, số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng; nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận ca mắc mới do mầm bệnh lưu hành trong thời gian dài. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin việc triển khai biện pháp phòng chống dịch đang gặp một số khó khăn, lúng túng, bị động khi số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.

Người đứng đầu ngành y tế lưu ý TP HCM cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hơn sự chủ động của cấp quận, huyện và xã phường; phát huy vai trò của các tổ Covid-19 trong cộng đồng và các nhà máy. Bộ trưởng đánh giá cao TP HCM đã lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm; nhưng cần lập các tổ điều phối xét nghiệm tại cấp quận, huyện để xét nghiệm nhanh hơn nữa bởi quy mô dân số rất lớn.

Về tình hình mua, nhập khẩu vắc-xin, Bộ Y tế đàm phán được 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ. Cả nước hiện đã tiêm chủng hơn 3,8 triệu liều vắc-xin.

Tại cuộc họp, các địa phương đã nêu tình trạng thiếu máy xét nghiệm PCR và đề nghị được bổ sung sớm. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định bộ sẽ nỗ lực để cung cấp máy cho địa phương nhanh chóng. Tuy nhiên, cần tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh, khi phát hiện ca nghi nhiễm thì xét nghiệm khẳng định bằng máy PCR.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ trưởng cũng giải đáp những đề xuất của các địa phương, làm rõ thêm về áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch; duy trì, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ những người gặp khó khăn do đại dịch; cơ chế tài chính phòng chống dịch, mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia…

 Tập trung chống dịch cao nhất cho TP HCM  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép. Ảnh: NHẬT BẮC


Chia sẻ với người dân về khó khăn khi phong tỏa

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đợt bùng phát dịch lần này có những diễn biến chưa có tiền lệ. Nhưng càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của nhau; vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện, tìm ra giải pháp, phương án phù hợp tình hình thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo Thủ tướng, tình hình dịch tại TP HCM có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực, đồng thời việc phòng chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý. Dịch bệnh tại miền Bắc đã cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi, nay cần tập trung cao nhất cho TP HCM. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP HCM.

Ngoài các phương châm phòng chống dịch đã có, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp Tây y và Đông y trong điều trị bệnh. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số địa phương có kinh nghiệm phòng chống dịch hỗ trợ, ưu tiên chi viện các lực lượng cho TP HCM và các địa phương trong vùng.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc"; kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng căn cứ tình hình cụ thể để xác định thứ tự ưu tiên giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để tiến hành cách ly, phong tỏa, giãn cách phù hợp; cách ly, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng; thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng cách ly các ca F0.

"Nếu cách ly, phong tỏa vội vàng trên diện rộng thì dễ cho người chống dịch nhưng làm khó cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Lãnh đạo phải chọn việc khó khăn hơn để thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội" - Thủ tướng chỉ đạo, đồng thời lưu ý địa phương phong tỏa, giãn cách không phụ thuộc cứng nhắc vào địa giới hành chính.

"Phải chia sẻ với người dân về sự khó chịu, bức xúc khi phong tỏa. Do đó, khi đã phong tỏa, cách ly thì phải nhanh chóng, thần tốc để khoanh vùng hẹp lại, nới lỏng các biện pháp giãn cách với các vùng còn lại để người dân thoải mái hơn, tích cực cộng tác với các cấp chính quyền trong phòng chống dịch" - Thủ tướng lưu ý.

Các địa phương cần phối hợp với nhau

Thủ tướng cũng nhắc nhở khi tiến hành các giải pháp nếu liên quan tới nhiều địa phương, TP HCM và các tỉnh lân cận cần hết sức cân nhắc, chủ động trao đổi, phối hợp với nhau để lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh. Người di chuyển qua lại phải bảo đảm an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.

Ngày 4-7, Việt Nam ghi nhận thêm 887 ca mắc Covid-19 (14 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 873 ca ghi nhận trong nước). Các tỉnh, thành có số ca mắc cao nhất là TP HCM (599), Bình Dương (87), Long An (72)… Thêm 176 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.


Theo Thế Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên