Tất cả thông tin hữu ích về bệnh viêm gan bí ẩn: Cha mẹ hãy nằm lòng để không hoang mang, tránh biến bản thân thành ''con mồi'' cho những kẻ trục lợi
Theo TS.BS Đinh Thế Trung, nguy cơ bệnh viêm gan bí ẩn xâm nhập vào Việt Nam là rất cao nhưng hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào do adenovirus gây ra. Do đó, các bậc cha mẹ nên theo dõi tình hình bệnh và các thông tin từ Bộ Y tế, không nên quá hoang mang, lo lắng.
- 10-05-2022Sợ viêm gan bí ẩn, cha mẹ tự ý xét nghiệm men gan cho con, bác sĩ cảnh báo hệ lụy nguy hiểm
- 09-05-2022Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân
- 09-05-2022Viêm gan bí ẩn xuất hiện ở Đông Nam Á, bố mẹ Việt làm gì để bảo vệ con?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thống kê đến ngày 10/5 đã xác định 348 ca bệnh có thể mắc viêm gan không rõ nguồn gốc trên toàn thế giới, trong bối cảnh nhiều nghiên cứu đang tìm hiểu vai trò tiềm tàng của virus Adeno và lây nhiễm COVID-19.
Các giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn này hiện nghiêng về phía virus Adeno dù vẫn có sự cân nhắc đáng kể về vai trò của COVID-19 như một bệnh đồng nhiễm hoặc từng mắc trước đó.
Trước bối cảnh bệnh viêm gan đang có sự lây lan nhanh chóng, rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng đã lan truyền trên các diễn đàn mạng xã hội. Đặc biệt là việc các ''bác sỹ online'' khuyến khích cha mẹ nên nhanh chóng mua thuốc bổ gan hay đưa con đi xét nghiệm men gan, tạo ra tiền đề cho những đối tượng muốn lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Do đó, việc cập nhật những thông tin chính xác về căn bệnh viêm gan bí ẩn là vô cùng quan trọng cho mỗi phụ huynh và cho cả cộng đồng.
Viêm gan cấp tính là gì?
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Đinh Thế Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm và huỷ hoại.
Gan được xem là "nhà máy" điều phối rất nhiều quá trình quan trọng cho cơ thể như tổng hợp các protein thiết yếu, khử độc... Do đó, tổn thương gan có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây nên viêm gan có thể do nhiễm virus (gọi là viêm gan virus); do rượu bia, thuốc hoặc các hoá chất khác; một số rối loạn chuyển hoá, rối loạn hệ miễn dịch… Viêm gan có thể là cấp tính (bệnh diễn ra trong vòng 6 tháng) hoặc mạn tính (kéo dài hơn 6 tháng). Theo thời gian, viêm gan có thể làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng, dẫn đến xơ gan, ung thư gan và thậm chí là tử vong. Song, tình trạng này rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em.
Viêm gan có thể làm suy giảm chức năng gan, thậm chí là tử vong
Các loại virus chính đã biết gây ra bệnh viêm gan virus cấp tính ở người bao gồm virus viêm gan A, B, C, D và E. Đa số các trường hợp viêm gan cấp tính do 5 loại virus này sẽ tự hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tháng, chỉ một tỷ lệ nhỏ (<1%) bệnh diễn tiến đến tình trạng viêm gan tối cấp và có thể gây tử vong. Hiện tại, viêm gan virus A, B và D có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine.
Nguyên nhân gây nên bệnh viêm gan bí ẩn là gì?
Theo TS.BS Đinh Thế Trung, ở tất cả các ca bệnh viêm gan bí ẩn được báo cáo, người bệnh đều dưới 16 tuổi. Báo động là nhiều trẻ dưới 5 tuổi, không có bệnh nền, trước khi mắc bệnh trẻ khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.
Bằng cách thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, các nhà khoa học nhận thấy bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em gần đây không phải là do virus viêm gan A, B, C, D, E và một số loại virus khác đã được biết gây viêm gan ở người (EBV, CMV…). Các nguyên nhân gây viêm gan khác (không phải do virus) liên quan đến thức ăn, độc chất cũng không được tìm thấy. Do bệnh xảy ra cùng lúc ở nhiều quốc gia, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ đây là bệnh do virus.
Điểm đáng lưu ý là adenovirus được phát hiện trong phần lớn mẫu máu của các trẻ mắc bệnh (theo báo cáo của WHO ngày 23/4/2022, trong tổng số 169 trẻ mắc viêm gan bí ẩn, 74 ca dương tính với adenovirus, trong đó 18 ca dương tính với adenovirus type 41). Thêm vào đó, tại Anh, nơi có số ca viêm gan bí ẩn được báo cáo nhiều nhất, gần đây cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm adenovirus trong cộng đồng.
TS.BS Đinh Thế Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: NVCC
''Adenovirus hiện là tác nhân được nghi ngờ nhiều nhất gây ra bệnh viêm gan bí ẩn. Tuy nhiên, đây chỉ là một nghi vấn, cần có các nghiên cứu tiếp theo để xác định liệu adenovirus có phải là nguyên nhân thực sự của đợt bệnh viêm gan gần đây hay không'', TS.BS Trung nhận định.
Giải thích kỹ hơn về loại virus này, TS.BS Đinh Thế Trung cho hay, adeno là virus chứa DNA chuỗi kép, bao gồm nhiều type virus khác nhau và có khả năng lây nhiễm cho các cơ quan khác nhau, phổ biến nhất là hệ hô hấp và tiêu hoá. Tuỳ theo type virus gây bệnh, biểu hiện lâm sàng hầu hết là bệnh cảnh nhẹ như cảm lạnh, viêm phế quản, viêm kết mạc mắt và viêm dạ dày ruột.
"Riêng adenovirus type 41 là virus gây viêm dạ dày ruột ở trẻ em, với các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Mặc dù trước đây vài trường hợp viêm gan do nhiễm adenovirus ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch đã được báo cáo, nhưng adenovirus type 41 chưa từng được biết là nguyên nhân gây viêm gan nặng ở những trẻ khỏe mạnh như hàng loạt ca viêm gan bí ẩn trong thời gian gần đây'', TS.BS Trung nói.
Viêm gan bí ẩn có liên quan đến nhiễm COVID-19 và tiêm vắc xin COVID-19 không?
Theo báo cáo của WHO vào ngày 23/4/2022, trong tổng số 169 ca viêm gan bí ẩn, chỉ có 20 ca được phát hiện nhiễm COVID-19 (trong đó có 19 ca đồng nhiễm COVID-19 và adenovirus), điều này cho thấy bệnh viêm gan bí ẩn không liên quan đến nhiễm COVID-19.
Một nghi vấn khác, tình trạng viêm gan là do tiêm vắc xin COVID-19 nhưng điều này đã được loại trừ vì trong số các trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn, số lượng trẻ đã được tiêm vắc-xin COVID-19 là ít (đa số trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi và không đủ điều kiện để tiêm chủng).
Adenovirus có lây truyền không?
Adenovirus được lây truyền từ người bệnh sang người khác qua đường tiêu hóa (phân của người bệnh có chứa virus), đường hô hấp (chất tiết đường hô hấp khi người bệnh ho hay hắt hơi có chứa virus) và qua tiếp xúc trực tiếp (bắt tay) hoặc gián tiếp (tiếp xúc với bề mặt hay vật dụng nhiễm virus của một người bệnh, sau đó đưa lên mắt mũi miệng mà không sát khuẩn tay).
Vì vậy, biện pháp phòng bệnh cho trẻ bao gồm đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chạm vào mắt mũi miệng của mình) và ăn chín uống chín. Trẻ nên tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh.
Các bậc cha mẹ cần làm gì?
TS.BS Đinh Thế Trung khuyến cáo, nguy cơ bệnh viêm gan bí ẩn xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Song, tần suất trẻ em mắc viêm gan ở nước ta gần đây không tăng bất thường và chưa ghi nhận trường hợp nào do adenovirus gây ra. Do đó, các bậc cha mẹ nên theo dõi tình hình bệnh và các thông tin từ Bộ Y tế, không nên quá hoang mang, lo lắng.
Biểu hiện lâm sàng của viêm gan bí ẩn nhìn chung là giống với bệnh viêm gan virus cấp tính do virus viêm gan A, B, C, D và E (mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, đau bụng trong vòng 3 – 10 ngày đầu tiên; sau đó vàng mắt vàng da, tiểu sậm màu có thể xuất hiện, khi vàng mắt vàng da xuất hiện thì bệnh nhân không sốt).
''Trước tình hình hiện tại, các bậc cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng này và đưa con em đến cơ sở y tế chuyên khoa khám ngay khi có biểu hiện nghi ngờ, nhất là khi có vàng mắt vàng da, tiểu sậm màu xuất hiện'', bác sỹ Trung khuyến cáo.
Trí thức trẻ