MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tất tần tật về cuộc sống của thế hệ gen Y Trung Quốc: Nam giới áp lực mua nhà, sắm xe; nữ giới chọn thú cưng thay vì lấy chồng, sinh con...

08-08-2021 - 19:29 PM | Tài chính quốc tế

Tất tần tật về cuộc sống của thế hệ gen Y Trung Quốc: Nam giới áp lực mua nhà, sắm xe; nữ giới chọn thú cưng thay vì lấy chồng, sinh con...

Trung Quốc có số dân 1,3 tỷ người và ít nhất có 400 triệu người trong số đó thuộc thế hệ millennial hay còn gọi là Gen Y hoặc thế hệ thiên niên kỷ. Vậy Gen Y Trung Quốc là thế hệ như thế nào?

Thế hệ hưởng đặc quyền đầu tiên

Đây là thế hệ được nếm thành quả của nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc.

Millennials/Gen Y được sinh ra từ năm 1981 – 1996, tức là người lớn tuổi nhất năm nay 40 tuổi. Trong khi Gen Y ở Mỹ phải chịu đựng các cuộc khủng hoảng tài chính, thì ở Trung Quốc, thế hệ này lớn lên trong thời kỳ cải cách kinh tế.

Tuy nhiên, áp lực phải thành công cũng đè nặng lên Gen Y. Họ được kỳ vọng sẽ sở hữu một căn hộ, kiếm một công việc lương cao và lập gia đình vào năm 30 tuổi.

Phần lớn sở hữu nhà

Một báo cáo năm 2017 của HSBC cho thấy khoảng 70% Gen Y Trung quốc sở hữu một ngôi nhà. Đối với những người chưa sở hữu nhà, cứ 10 người thì có 9 người có dự định mua nhà.

Áp lực sở hữu tài sản ở Trung Quốc rất cao. Việc sở hữu một ngôi nhà có ý nghĩa rất lớn đố với các gia đình Trung Quốc. Họ sẵn sàng nợ nần chồng chất để mua nhà. Đàn ông Trung Quốc phần lớn dự kiến mua nhà trước khi kết hôn.

Cơ bản không có khoản nợ sinh viên

Thế hệ thiên niên kỷ của Trung Quốc không vay vốn sinh viên. Thực tế nợ sinh viên hầu như không tồn tại ở Trung Quốc vì giáo dục đại học rất rẻ.

Theo Times Higher Education, phí học đại học ở Trung Quốc thường tốn từ 1.700 - 3.500 USD/năm. So với chi tiêu trung bình ở Mỹ là 12.900 USD/năm với trường công lập và 49.800 USD/năm với đại học tư thục. Hầu hết Gen Y Trung Quốc được cha mẹ trả tiền học hành.

Thị trường việc làm khốc liệt

Mỗi năm, có một số lượng rất lớn sinh viên tốt nghiệp, gây khó khăn cho Gen Y để tìm kiếm việc làm. Tổng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc giảm còn 5% trong tháng 5. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy, mặc dù có nhiều việc làm trong lĩnh vực sản xuất, nhưng không phải lúc nào cũng sẵn việc làm trình độ cao.

Theo tờ South China Morning Post, trong năm 2021, gần 1/3 số công nhân tại nhà máy sản xuất thuốc lá là sinh viên từ một số trường đại học hàng đầu Trung Quốc.

Thế hệ Gen Y phải đối mặt với áp lực rất lớn vì mọi người đều đang đi học đại học. Trung Quốc rất đông dân và nhiều người đang đấu tranh để có công việc tốt.

Có khoản nợ ngang ngửa thu nhập

Theo báo cáo của KPMG, mức lương trung bình của thế hệ millennial Trung Quốc là 1.817 USD/tháng, tương đương 21.804 USD/năm. Gen Y là những người sống tiết kiệm. Cuộc khảo sát năm 2020 của Danke cho thấy, thế hệ millennial có xu hướng chỉ chi tiêu khi cần và tiết kiệm nhất có thể.

Tuy nhiên, theo Tencent News, trung bình Gen Y của Trung Quốc nợ các tổ chức cho vay và cấp tín dụng hơn 20.000 USD. Phần lớn các khoản vay dùng để mua những tài sản giá trị lớn như nhà và xe. Một căn hộ ở các thành phố lớn như Bắc Kinh có thể lên tới 1 triệu USD.

Đối với nhiều người, hình ảnh thành công gắn liền với của cải vật chất

Đối với Gen Y Trung Quốc, hình ảnh thành công tóm gọn trong một chữ. Thuật ngữ này được đăt ra năm 2012 để chỉ ba yếu tố quan trọng của thành công, ít nhất là đối với đàn ông Trung Quốc: nhà, ô tô và vợ.

Mặc dù khái niệm có một gia đình, một ngôi nhà và một chiếc xe hơi để được gọi là thành công có vẻ cổ hủ, nhưng quan niệm này vẫn khiến nhiều người thế hệ millennial lo lắng.

Mua sắm trực tuyến là hoạt động giải trí yêu thích

Gen Y là một thế hệ có kết nối tốt. Theo ước tính có 90% Gen Y sở hữu điện thoại thông minh. Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tecent, Alibaba Group, JD, Baidu và Meituan đã tạo ra hệ sinh thái trực tuyến của riêng Trung Quốc.

Họ có thể chia sẻ cuộc sống trên WeChat Moments, lướt Weibo, xem Douyin. Theo khảo sát KPMG năm 2017, mua sắm trên Taobao cũng trở thành một thú tiêu khiển ở Trung Quốc, với 77% người được hỏi chọn đây là hoạt động giải trí yêu thích.

Yêu thích các thương hiệu xa xỉ

Một báo cáo do Tập đoàn Tư vấn Boston và Tencent công bố vào tháng 9/2018 đã quan sát thấy rằng khách hàng Trung Quốc vào năm 2024 sẽ chiếm 40% tổng lượng hàng hóa xa xỉ được bán trên toàn cầu và một phần lớn trong số đó (58%) sẽ là thế hệ thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, Gen Y Trung Quốc nói với Insider rằng họ hiếm khi chi tiền cho những món hàng xa xỉ. Thói quen này chỉ phổ biến ở những người giàu có.

Trì hoãn hoặc không bao giờ kết hôn

Những người thuộc Gen Y ở Trung Quốc có xu hướng kết hôn ở độ tuổi muộn hơn so với cha mẹ của họ. Năm 2019, độ tuổi kết hôn trung bình của nam là 30 và nữ là 28.

Chính phủ Trung Quốc lo lắng rằng một số thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc không kết hôn. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ năm 2013 - 2019, số người Trung Quốc kết hôn đã giảm 41%, chỉ còn 13,9 triệu người từ 23,8 triệu người.

Tất tần tật về cuộc sống của thế hệ gen Y Trung Quốc: Nam giới áp lực mua nhà, sắm xe; nữ giới chọn thú cưng thay vì lấy chồng, sinh con... - Ảnh 1.

Phụ nữ Gen Y chọn thú cưng thay vì sinh con

May Yee Chen, chuyên gia của công ty nghiên cứu tiếp thị Wunderman Thompson, cho biết vào năm 2020, Trung Quốc đạt hai mốc nhân khẩu học trong một năm: tỷ lệ sinh thấp trong lịch sử và tỷ lệ kết hôn thấp nhất trong hai thập kỷ.

Một phần xu hướng là do phụ nữ ngày càng độc lập về mặt tài chính và những kỳ vọng cuộc sống đã khiến họ không mấy hứng thú với hôn nhân truyền thống.

Xuất hiện xu hướng thà nằm im chứ không chịu áp lực bởi kỳ vọng

"Phong trào nằm thẳng" xuất hiện như một cuộc nổi dậy nhằm chống lại lối sống siêu cạnh tranh "Neijuan" mà thế hệ millennial Trung Quốc phải đối mặt.

"Neijuan" song hành với văn hóa "hối hả" của Trung Quốc, nơi mọi người làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần. Phong cách sống 9-9-6 được Jack Ma, người sáng lập Alibaba, ủng hộ mạnh mẽ, người từng gọi một tuần làm việc 72 giờ là một "may mắn" vào năm 2019.

Chấp nhận "hối hả" vì một tương lai tốt đẹp

Nhiều người thuộc gen Y đều nhận thức rằng họ phải chăm chỉ nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặc dù, một số người có thể hài lòng với việc "nằm thẳng" không làm gì, thì vẫn có những người tin rằng làm việc chăm chỉ sẽ đem đến nhiều cơ hội.

Tất tần tật về cuộc sống của thế hệ gen Y Trung Quốc: Nam giới áp lực mua nhà, sắm xe; nữ giới chọn thú cưng thay vì lấy chồng, sinh con... - Ảnh 2.

So với Gen Y ở Mỹ, Gen Y Trung Quốc có thể nhỉnh hơn về mặt tài chính. Hillary Hoffower của Insider đã viết rằng trung bình thế hệ trẻ Mỹ đang trì hoãn các mục tiêu trong cuộc sống vì nợ tiền vay sinh viên.

Gen Y Trung Quốc kiếm được ít hơn nhiều, nhưng họ không phải gánh khoản nợ sinh viên khổng lồ.

Trong khi thế hệ millennial Trung Quốc phải đối mặt với áp lực của gia đình, xã hội và thậm chí là của chính phủ để kết hôn và sinh thêm con, điều này không khiến họ trở nên khác biệt trong khu vực. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang báo cáo tỷ lệ sinh thấp.

Người Trung Quốc cho rằng Gen Y là những người giỏi chịu đựng nghịch cảnh. Nhiều người thuộc Gen Y có trình độ học vấn và kỹ năng cao. Chỉ cần được hướng dẫn bởi những người thầy khôn ngoan, thế hệ Gen Y sẽ giỏi hơn những thế hệ đi trước.

Khánh Ly

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên